Cán bộ xã tự giao thêm đất cho doanh nghiệp

Thứ Ba, 10/04/2007, 14:01
Tổng diện tích mà xã Phương Xá với chức năng là đơn vị hành chính trực tiếp quản lý đất đai có trách nhiệm bàn giao cho 3 doanh nghiệp là 13.879m2. Nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương đã làm thủ tục thu hồi 18.000m2 đất để giao cho các doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, rất nhiều hộ dân ở xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ gửi đơn tới các cơ quan chức năng kiến nghị làm rõ những việc làm sai trái của một số cán bộ địa phương khi giao đất cho các doanh nghiệp phát triển cụm công nghiệp.

Lần theo dấu thư bạn đọc, phóng viên Báo CAND đã làm rõ sự thật với rất nhiều dấu hiệu khuất tất khi thực hiện chủ trương này, và cả những việc làm không vì mục đích chung của một số cán bộ địa phương dẫn đến vượt quyền của UBND tỉnh Phú Thọ.

"Ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai"?!

Tiếp xúc với phóng viên, nhiều hộ dân ở Phương Xá tỏ ra khá bức xúc. Theo họ thì sai trái của một số cán bộ địa phương đã rõ ràng, được phát hiện từ lâu nhưng chưa được xử lý nghiêm túc.

Sự việc phát sinh kể từ năm 2002, khi UBND huyện Cẩm Khê, UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt đề án phát triển cụm công nghiệp tại khu vực gò Gẫm, xã Phương Xá, một dải đất khá đẹp bám mặt đường 32c.

Theo quy định, thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm kê khai, lập hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng để giao cho các doanh nghiệp. Trên cơ sở đề án này, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký thuê đất hoạt động, trong đó đáng chú ý có 3 đơn vị là Công ty Xăng dầu Phú Thọ, Công ty Chế biến nông sản Phương Xá và Công ty cổ phần XNK chè và cà phê Bắc Nam.

Căn cứ các quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ, thì tổng diện tích mà xã Phương Xá với chức năng là đơn vị hành chính trực tiếp quản lý đất đai có trách nhiệm bàn giao cho 3 doanh nghiệp trên là 13.879m2. Nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương đã làm thủ tục thu hồi 18.000m2 đất để giao cho các doanh nghiệp.

Cán bộ địa chính chỉ khu vực đất giao quá quy định.

Nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất cho chính quyền với mức đền bù khá thấp để phát triển công nghiệp, nhưng điều đáng trách là việc sử dụng quỹ đất đó của một số cán bộ chức năng ở đây rất lãng phí và có dấu hiệu khuất tất nên phát đơn tố cáo tới nhiều cấp đề nghị làm sáng tỏ.

Kết quả là sau khi kiểm tra, xác minh, UBND huyện Cẩm Khê đã có Kết luận số 712/KL-UBND ngày 16/8/2006 khẳng định rõ nội dung tố cáo của các hộ dân về việc cán bộ địa phương vi phạm trong bàn giao đất cho doanh nghiệp là đúng sự thật.

Đối chiếu với hồ sơ được UBND tỉnh giao cho thuê đất, Cửa hàng Xăng dầu Phương Xá thuộc Công ty Xăng dầu Phú Thọ đã sử dụng quỹ đất vượt trội so với quy định là 813m2. Trong đó, có cả đất lưu không dành cho giao thông và phần tự thỏa thuận bồi thường về phía Nam cửa hàng, trong khi chưa sử dụng hết đất theo mốc giới đã được giao về phía Bắc.

Xí nghiệp Chế biến nông sản Phương Xá cũng được giao và sử dụng vượt trội 830m2 đất, trong đó đáng lưu ý đơn vị này đã xây dựng cả nhà xưởng dưới đường điện cao thế hết sức nguy hiểm và vi phạm quy định an toàn điện.

Nghiêm trọng hơn, Công ty cổ phần chế biến XNK chè, cà phê Bắc Nam được cán bộ UBND xã tạo điều kiện lấy trội thêm 2.017m2, chiếm cả 440m2 đất quy hoạch làm Nhà văn hóa khu 6 và trên 1.500m2 đất thuộc hành lang điện cao thế. Nhưng rồi nhiều năm qua, những thửa đất quý như vàng này đến nay vẫn chỉ mới có một nhà xưởng "không hồn, không cốt".

Bao giờ sai phạm được xử lý?

Mảnh đất đẹp bám mặt đường thuận lợi cho phát triển công nghiệp nhưng nhiều chỗ vẫn để cỏ mọc hết sức lãng phí, nhưng lạ là điều đó vẫn diễn ra bất chấp những phản ứng của người dân vốn một nắng hai sương với mảnh ruộng mà họ đã sẵn lòng dành để làm cụm công nghiệp.

Trở lại câu chuyện hàng ngàn m2 đất giao thừa cho doanh nghiệp, ông Ngô Tiến Hiệp - cán bộ địa chính xã Phương Xá đưa ra lý do, là khi đền bù lấy đất làm công nghiệp, nhiều hộ dân không nằm trong diện giải tỏa đã tự nguyện bán đất cho doanh nghiệp để lấy tiền.

Ông Hiệp nói theo cách khác, là vì canh tác khó nên những hộ dân đó đã tự nguyện làm đơn trả lại đất cho UBND xã và cuối cùng là doanh nghiệp xây hàng rào sử dụng. Vì thế diện tích sử dụng thực tế của tất cả các đơn vị lấy đất ở đây đều trội lên so với quyết định của UBND tỉnh.

Nhưng ông Nguyễn Quang Tâm - Phó Chủ tịch HĐND xã thì cho biết, HĐND xã có nghị quyết về việc phát triển cụm công nghiệp gò Gẫm giai đoạn 2000 đến 2005. Có chủ trương từ tỉnh về việc giao đất cho doanh nghiệp, còn việc giao thừa hàng ngàn m2 là do một số cán bộ UBND thực hiện chứ HĐND xã không biết. Nói đúng hơn là chỉ khi người dân tố cáo, huyện về kiểm tra, xã mới biết sai phạm này.

Cũng theo những cán bộ trên, thì đến nay xã chưa thu bất kỳ khoản tiền nào từ phần diện tích phụ trội mà các doanh nghiệp đã sử dụng. Việc Công ty cổ phần chế biến chè, cà phê Bắc Nam để đất lãng phí và chưa biết đến khi nào mới đi vào hoạt động là đúng.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên được xác định là do buông lỏng quản lý đất đai thuộc trách nhiệm của UBND xã Phương Xá, của ngành Tài nguyên - Môi trường huyện Cẩm Khê. Tuy nhiên, liệu các doanh nghiệp trên có thể tự ý chiếm đất mở rộng lãnh thổ không nộp phí cho Nhà nước phần diện tích phụ trội?

Như cán bộ địa chính xã nói thì điều này là không thể. Thực tế cán bộ địa chính biết, Chủ tịch UBND xã biết nhưng dường như đồng tình với việc làm trên, bất chấp quy định của pháp luật. Việc giao đất như thế đã vượt quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, trái với quy định hiện hành.

Mặt khác, giả thiết một số người dân thiếu hiểu biết thấy cái lợi trước mắt muốn chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp để lấy tiền thì lẽ gì cán bộ xã không giải thích, can ngăn làm điều này. Nếu thực sự phần diện tích đất đó khó canh tác, muốn chuyển đổi mục đích thì UBND xã phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Được biết, UBND huyện Cẩm Khê đã yêu cầu các đơn vị trên tự tháo dỡ phần công trình xây trên đất lấn chiếm, hành lang giao thông, làm hợp đồng thuê đất công ích đúng quy định… Nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy, còn người vi phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chúng tôi đề nghị cơ quan thẩm quyền tỉnh Phú Thọ sớm làm rõ, xử lý sự việc này để tránh khiếu kiện kéo dài

Thanh Phong
.
.
.