Cần Thơ: Lãng phí hàng chục tỷ đồng trong đầu tư đô thị

Thứ Sáu, 17/11/2006, 14:50
Nhà đầu tư cố tình “nhắm mắt” đẩy nhanh tiến độ xây dựng các con cầu lấp kênh, để lại hậu quả ô nhiễm môi trường nặng nề tại khu dân cư, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Thực tế lãng phí này đang diễn ra trên tuyến đường Quang Trung - Cái Cui, con đường huyết mạch của Khu đô thị mới Nam Cần Thơ. Hiện đã có 3 trên tổng số 8 cây cầu mới sử dụng chưa bao lâu thì con kênh phía dưới đã bị lấp.

Trưa 16/11, bất chấp cái nắng gay gắt, một số người dân dẫn chúng tôi đến cầu Mật Cật - cách cảng Cái Cui khoảng 2 km, thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) để chứng kiến con rạch dưới dạ cầu này bị lấp.

Bà Chước, 47 tuổi, nhà cạnh con rạch cho biết: "Đoạn từ đây đến Bến Bạ khoảng 1.000m nhưng họ (chủ dự án khu đô thị mới - PV) cho bơm cát, lấp nhanh lắm". Ông Giỏi, nhà gần đó bổ sung: "Cứ mưa xuống là nước ứ đọng mênh mông. Mồng muỗi xuống đó mặc sức mà đẻ".

Tại phường Phú Thứ, người dân cũng rất bức xúc trước cảnh kênh Cái Đôi bị lấp. Một nông dân kể: "Cách nay một năm, con rạch này bắt đầu bị "bức tử". Chúng tôi phản đối vì nếu lấp kênh, cây cối sẽ chết vì bị ngập úng hoặc thiếu nước tưới nhưng rốt cuộc, con kênh vẫn bị lấp". Hiện tại, con kênh bị lấp nham nhở, môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm vì nước không có đường thoát; hoa màu của người dân thiếu nước sạch để tưới; ruồi muỗi xuất hiện ngày càng nhiều… 

Cách rạch Cái Đôi khoảng 1km về hướng trung tâm TP Cần Thơ, rạch Ngã Ba Nhà Vựa cũng bị lấp gần hết dù ngang qua rạch này có một chiếc cầu kiên cố với vốn đầu tư vài ba tỉ đồng.

Cách nay ngót… 10 năm, ngành Giao thông tỉnh Cần Thơ (cũ) đã lập dự án xây dựng tuyến giao thông Quang Trung - Cái Cui. Tuyến này cắt ngang 8 con kênh. Để đảm bảo phục vụ giao thông thủy, bộ và phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp của người dân, bắt buộc phải xây dựng 8 cầu ngang qua các rạch kể trên.

Năm 2000, dự án này được thực hiện. Có điều 2 năm sau đó, quy hoạch chi tiết 1/2000 khu đô thị Nam Cần Thơ quy mô rộng hơn 2.000 ha cũng được triển khai. Một cán bộ Phòng Quản lý quy hoạch - Sở Xây dựng TP Cần Thơ nhìn nhận, việc giữ lại kênh rạch tạo cảnh quan cho khu đô thị mới là rất cần thiết.

Những người làm quy hoạch rất muốn điều này. Nhưng muốn giữ lại thì phải bỏ kinh phí không nhỏ để nạo vét, làm bờ kè, công viên, tạo cảnh quan đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, làm như thế thì nhiều khu dân cư, đô thị mới sẽ đội giá thành đầu tư; hệ thống thoát nước cũng sẽ không đồng bộ…

Cũng theo lời của cán bộ này, Quyết định 90/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh Cần Thơ phê duyệt quy hoạch 1/2000 khu đô thị mới Nam Cần Thơ cũng nêu rõ: Khi chuyển đổi chức năng khu Nam Cần Thơ thì một diện tích rất lớn đất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị, một số kênh rạch không còn phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ được lấp lại.

Người dân bức xúc: "Quy hoạch là việc của chính quyền. Khi áp đặt quy họach cần phải tính toán thật kỹ sao cho khoa học và ít bị lãng phí nhất". Hậu quả của chuyện quy hoạch chồng lên quy hoạch này không phải chỉ gây lãng phí (ít nhất là 12 tỉ đồng để xây 3 cây cầu qua các con rạch kể trên - PV) mà đang gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều hộ dân

Binh Huyền
.
.
.