Bức xúc vì ô nhiễm môi trường từ khu xử lý chất thải tập trung

Thứ Năm, 26/09/2019, 16:32
Những ngày gần đây, nhiều người dân xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải, khí thải phát sinh từ một số doanh nghiệp tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân. Các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc để chấn chỉnh tình hình, yêu cầu các doanh nghiệp vi phạm khắc phục...


Từ đầu đường 767 nối đường Vĩnh Tân - Cây Điệp dài gần 4km dẫn vào Khu xử chất tập trung Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, hàng ngày nhiều hộ dân đã phải đóng kín cửa vì mùi hôi bốc lên từ mặt đường do nước rỉ rác của hàng trăm chuyến xe chở rác thải sinh hoạt vào khu xử lý.

 Để duy trì việc kinh doanh, nhiều hộ dân có nhà mặt tiền ở tuyến đường này thường xuyên dùng nước để xịt nước chảy ra từ các xe vận chuyển rác xuống đường. 

Bà  Nguyễn Thị Hai, một hộ dân tại ấp 4, xã Vĩnh Tân cho hay, để duy trì việc buôn bán tạp hóa của gia đình, hàng ngày bà Hai phải bơm nước tưới xịt rửa sạch mặt đường phía trước nhà để bớt mùi hôi và bụi. Do xe rác lưu thông qua lại quá nhiều, nên việc xịt rửa mặt đường phải thực hiện thường xuyên có khi từ 5 đến 7 lần trong ngày.

Núi rác tập kết không che đậy trong khi chờ xử lý.

Những hộ dân sống gần khu vực xử lý rác thải sinh hoạt tỏ ra rất bức xúc vì mùi hôi thối, không khí khá ngột ngạt cả ngày lẫn đêm. 

Theo người dân ở đây, mùi hôi bốc lên từ khu vực xử lý bằng phương pháp chôn lấp rác thải sinh hoạt rộng hàng chục ha thuộc Công ty CP Môi trường Sonadezi.

 Tại đây, rác thải sinh hoạt sau khi được tập kết về không được che chắn, nước rỉ rác chưa được xử lý tràn ra môi trường. Ngoài ra, một số người dân địa phương cho rằng, một phần mùi hôi trong không khí là do xả thải khí từ hai doanh nghiệp xử lý rác thải công nghiệp trong Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân là là Công ty  CP Môi trường Thiên Thanh và  Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2.

Nhà máy xử lý rác xả khói đen kịt.

Khu vực xử lý chất thải tập trung Vĩnh Tân rộng khoảng 100 ha, hiện có 3 doanh nghiệp đang đang hoạt động xử lý chất thải. Theo đó đối với Công ty CP môi trường Sonadezi, mỗi ngày vận chuyển khoảng 700 tấn rác thải sinh hoạt từ TP Biên Hòa đưa về đây xử lý bằng hình thức chôn lấp. Những đống rác cả ngàn m3 được tập kết về khu vực xử lý chất cao như núi vẫn để lộ thiên mà không hề được che phủ bạt trước khi chôn lấp theo quy định. 

Đối với Công ty CP môi trường Thiên Thanh, cột xả khí thải trong quá trình xử lý rác luôn trong tình trạng xả ra khói đen ngòm ra môi trường. Trong khi hai ống xả khói của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 luôn xả hai cột khói màu trắng ra môi trường.

Người dân phải xịt rửa mặt đường để tẩy uế mùi nước rỉ từ xe chở rác.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu vực xử lý chất thải Vĩnh Tân đã được nhiều hộ dân phản ánh. Chính quyền địa phương đã cử cán bộ phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Cửu xuống khảo sát thực tế và ghi nhận ý kiến của nhân dân để có hướng kiến nghị với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát. Bởi việc xác định mức độ ô nhiễm như thế nào xã không đủ chuyên môn và thẩm quyền. Để kiểm tra đánh giá các doanh nghiệp trong khu xử lý chất thải này thuộc các cơ quan chức năng của tỉnh và Bộ TN-MT.

Trước phản ánh của người dân và báo cáo của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Đồng Nai cũng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ. Theo đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an Đồng Nai tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân. 

Thời điểm kiểm tra, Công ty CP Môi trường Sonadezi có hố chôn lấp rác ký hiệu SH4 và nước rỉ rác chưa được bơm trung chuyển về nơi quy định; hố chôn chất thải sinh hoạt ký hiệu SH5 của DN này cũng chưa được phủ bạt hoàn chỉnh, phía giáp suối Cạn còn để nước mưa tràn ra ngoài, có hố nước màu đen cạnh tường rào khu xử lý rác. 

Trước thực trạng trê,  lực lượng chức năng đã lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục ngay tình trạng trên. Kiểm tra tại Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2, cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp này chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường từ khí thải, cho đến nước xả thải trong quá trình xử lý rác. Cụ thể, nước thải trong quá trình xử lý rác được công ty thu gom và xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải, sau đó tái sử dụng trong việc sản xuất và tưới cây trong khu vực của doanh nghiệp. Riêng hai ống xả khói cao 20m của công ty được ghi nhận khi tiếp rác vào lò xử lý thì xả ra khói trắng - loại khói đạt chuẩn thải ra môi trường. 

Ông Bùi Xuân Hùng, Giám đốc công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 cho biết, để minh bạch trong việc xả khí thải, doanh nghiệp đã gắn hai bảng hiệu công ty lên ống xả và lắp đặt hệ thống camera ghi hình và lưu trữ dữ liệu 24/24 để cung cấp cho cơ quan chức năng bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, công ty cũng đã chủ động tạo một dòng chảy nước mưa tách biệt với dòng chảy chung trước đây với Công ty CP Môi trường Sonadezi.

Theo ông Trần Trọng Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi tỉnh trường Đồng Nai, bước đầu kiểm tra cho thấy, dù Công ty CP Môi trường Sonadezi đã có nhiều cố gắng trong quá trình vừa xử lý chôn lấp rác, vừa xây dựng dự án xử lý rác theo công nghệ mới tái chế rác thải sinh hoạt làm mùn Compost. Tuy nhiên, việc lượng rác rác lớn tập kết chưa được chôn lấp và che chắn đã làm phát sinh mùi hôi ra môi trường trong thời gian qua. 

Cũng theo ông Trần Trọng Toàn, đối với Công ty CP môi trường Thiên Thanh, trước đó, qua kiểm tra, Bộ TN- MT đã phát hiện vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 140 triệu đồng về việc xả khí thải chưa qua đạt chuẩn ra môi trường. Sở TN - MT tỉnh Đồng Nai cũng đã xử phạt DN này số tiền 90 triệu đồng vì đã không thực hiện đúng theo yêu cầu báo cáo đánh giá tác động về môi trường được phê duyệt. Riêng Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2, theo ông Toàn qua các đợt kiểm tra đều cho thấy doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường đã được cấp phép.


Ngọc Sơn
.
.
.