Bồi thường hành lý ký gửi, bao gửi bị hư hỏng, bị mất mát

Thứ Sáu, 15/05/2015, 10:06
Hỏi: Xin hỏi Quý báo, khi hàng hóa bao gửi bị hư hỏng hoặc mất mát do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi hoàng hóa bằng đường sắt thì người gửi hàng được bồi thường như thế nào? (Nguyễn Văn Lâm, Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ)

Trả lời: Điều 38 Thông tư số 78/2014/TT-BGTVT ngày 24/12/2014 của Bộ giao thông vận tải quy định về việc vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia quy định về bồi thường hành lý ký gửi, bao gửi bị hư hỏng, bị mất mát do lỗi của doanh nghiệp như sau:

1. Hành lý ký gửi, bao gửi bị hư hỏng, thiếu hụt hoặc mất mát thì được bồi thường một trong các hình thức sau đây: 

a) Theo giá trị kê khai đối với hành lý ký gửi, bao gửi có kê khai giá trị; trường hợp doanh nghiệp chứng minh được giá trị thiệt hại thực tế thấp hơn giá trị kê khai thì theo giá trị thiệt hại thực tế; 

b) Theo mức do hai bên thỏa thuận; 

c) Theo giá trị hóa đơn mua hàng; 

d) Theo giá thị trường của hàng hóa đó tại thời điểm trả tiền và địa điểm trả hàng; trong trường hợp không có giá thị trường của hàng hóa đó thì theo giá trị trung bình của hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trong khu vực nơi trả hàng.

2. Trường hợp không có đủ cơ sở để xác định giá trị hành lý, bao gửi thì mức bồi thường là 50.000 đồng cho một ki-lô-gam (kg) hành lý ký gửi, bao gửi đã bị tổn thất.

3. Hành lý ký gửi, bao gửi bị hư hỏng, thiếu hụt, mất mát một phần thì bồi thường phần hư hỏng, thiếu hụt hoặc mất mát; trường hợp phần hư hỏng, thiếu hụt, mất mát dẫn đến hư hỏng hoặc không sử dụng được toàn bộ thì phải bồi thường toàn bộ và doanh nghiệp được quyền sở hữu số hàng hóa tổn thất đã bồi thường.

4. Ngoài việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, doanh nghiệp còn phải hoàn lại cho người gửi toàn bộ tiền cước và chi phí đã thu.

5. Hành khách, người gửi bao gửi và doanh nghiệp thỏa thuận về các hình thức và mức bồi thường được quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 của Điều này hoặc bằng các hình thức và mức bồi thường khác mà hai bên thống nhất thực hiện, trường hợp không thỏa thuận được thì việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Thông tư này.

Luật gia Cao Đắc Nhật (Công ty Luật Số 5 - Quốc gia)
.
.
.