Sẽ sớm công bố quy hoạch, giải tỏa Chợ Long Biên

Thứ Sáu, 10/07/2015, 08:45
Như đã phản ánh về những mâu thuẫn giữa Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP Hà Nội về quy hoạch chợ toàn quốc vừa được công bố, trong đó cho biết sẽ “xóa bỏ” chợ đầu mối Long Biên và chợ đầu mối phía Nam, trong khi Hà Nội lại muốn giữ 2 chợ này.
>> Bao giờ di dời, xóa bỏ chợ Long Biên?

Chiều 9/7, PV Báo CAND đã có trao đổi với ông Phạm Nguyên Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), đơn vị tư vấn làm quy hoạch này và được cho biết: “Trả lời của anh Hồ Quốc Khánh (Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội – PV) về quy trình làm quy hoạch là chưa chuẩn”. 

“Ngay khi Bộ Công Thương có quyết định thực hiện Quy hoạch, chúng tôi đã có văn bản gửi tất cả các Sở Công thương các địa phương, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có công văn cử cán bộ phối hợp và cung cấp tài liệu và dự kiến quy hoạch của Hà Nội, kèm theo đó có phiếu điều tra, trong đó có điều tra về chợ Long Biên. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, chúng tôi cũng đã có tổ chức hội thảo, có đại diện của Sở Công thương Hà Nội tham dự và không có ý kiến phản bác nào về dự thảo được đưa ra. Bản dự thảo này cũng được công bố công khai trên website của Bộ nên nói chúng tôi không xin ý kiến hoặc  không phối hợp là không chính xác”.

Chợ Long Biên chỉ bị “xóa bỏ chức năng, tính chất chợ đầu mối”, chứ không bị xóa bỏ.

Về mâu thuẫn giữa các phương án xử lý đối với chợ Long Biên và chợ đầu mối phía Nam, ông Phạm Nguyên Minh cho biết, quy hoạch của Sở Công Thương trình và Ủy ban nhân dân TP Hà Nội phê duyệt năm 2012 cũng do Viện Nghiên cứu thương mại tư vấn. Quy hoạch có đề cập đến việc đưa chợ Long Biên thành chợ dân sinh loại II. 

“Theo phiếu điều tra Sở Công Thương Hà Nội cung cấp, chợ Long Biên có 497 hộ kinh doanh cố định. Theo Nghị định 02 của Chính phủ, có tiêu chí phân hạng chợ thì chợ loại III là có dưới 200 hộ kinh doanh cố định, chợ loại II có trên 200 và dưới 400 hộ, chợ loại I là có trên 400 hộ. Như vậy, thực chất có thể xếp chợ Long Biên là chợ hạng I. Nghị định 02 cũng như tiêu chí của Quy hoạch lần này đưa ra thì chợ đầu mối phải nằm ngoài phạm vi nội thành. Chính vì vậy, quy hoạch này phải hiểu là xoá bỏ công năng, tính chất bán buôn của chợ đầu mối Long Biên, chuyển dần sang chợ Phù Đổng (Gia Lâm), sau đó giảm tải, dần đưa chợ Long Biên về chợ hạng II, chứ không phải xoá bỏ chợ này” – ông Minh cho biết. Với lời giải thích này, quy hoạch của Bộ Công Thương không có gì mâu thuẫn với quy hoạch của Hà Nội.

Trả lời câu hỏi về bất nhất trong phương án xử lý chợ phía Nam, khi Hà Nội muốn nâng lên thành chợ đầu mối, trong khi quy hoạch của Bộ lại quyết định đưa chợ này vào hạng mục “di dời, xóa bỏ”, ông Minh cho biết, chợ phía Nam cũng không đáp ứng được tiêu chí chợ đầu mối vì ở trong nội thành, ngoài ra “còn các quy định khác về an toàn thực phẩm, môi trường, giao thông, diện tích dành cho kinh doanh, diện tích bãi đỗ xe, đường đi... cũng có yêu cầu rất cao. Với tư cách là đơn vị tư vấn, chúng tôi thấy tính chất, công năng bán buôn không phù hợp nữa”, nên chợ phía Nam cũng sẽ bị “xóa bỏ” công năng chợ đầu mối, tương tự chợ Long Biên. Được biết, thứ 2 tới (tức ngày 13/7), Vụ Kế hoạch và Viện Nghiên cứu thương mại sẽ có buổi họp về quy hoạch này, sau đó sẽ tổ chức công bố quy hoạch và trả lời tất cả những thắc mắc liên quan.

Vũ Hân
.
.
.