Bình Phước: Nguy cơ mất hàng chục hécta đất vì những con đập xây lậu

Thứ Ba, 02/11/2010, 10:06
Sau cái chết thương tâm của ông Lê Văn Thủy, 45 tuổi (ngụ thôn 1, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) khuya ngày 30/9, mới đây, chúng tôi đã về huyện Bù Đăng tìm hiểu sự việc và được biết cái chết của ông Thủy do nước từ những con đập xây lậu bị vỡ cuốn trôi. Và đến nay, nạn nhân sống sót trong vụ vỡ đập là bà Nguyễn Thị Vân, 44 tuổi là vợ của người chồng xấu số vẫn chưa thể ngồi dậy. Việc ăn, uống, vệ sinh đều do người thân bà Vân chăm sóc.

Xây đập lậu, chính quyền không biết?

Em Lê Văn Anh, con của ông Thủy, bà Vân cho biết, bố em được Công ty Trung Kiên (trụ sở tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tuyển vào làm bảo vệ được 9 tháng.

Sau khi xảy ra vụ vỡ đập, trong tang gia bối rối, có người gọi gia đình em ra trụ sở UBND xã Nghĩa Trung để nhận tiền hỗ trợ từ phía ông Mai Văn Tá, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thọ (trụ sở tại xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) 30 triệu đồng để lo chi phí cho mẹ em mổ tại TP HCM. Riêng Công ty Trung Kiên chỉ hỗ trợ 12 triệu đồng cho gia đình em lo việc mai táng.

Không chỉ gây chết người, các con đập xây lậu còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sản xuất của người dân địa phương. Ông T. (trước đây ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) kể lại: "Giữa năm 2009, khi ông Tá xây đập ngăn nước, làm chết hơn 1 ha mì của tôi. Sau đó tôi nhờ người đưa tới nhà ông Tá để xin bồi thường thì bị ông Tá sai người ra đánh đập ngay tại nhà. Chỉ đến khi người đi chung với tôi can ngăn, ông Tá mới lệnh cho thuộc hạ dừng tay".

Sau khi bị cướp trắng số đất, ông T. cùng gia đình phải về Bến Tre làm thuê. Trường hợp ông D. có gần 2ha điều trồng được 6 năm, sau khi ông Tá cho người xây đập ngăn nước, toàn bộ vườn điều của ông D. chết úng. Khi nạn nhân tới yêu cầu bồi thường, cũng bị ông Tá cho người đánh thừa sống thiếu chết. Trường hợp khác là ông B. mua của người dân trong khu vực hơn 3ha điều, cũng bị ông Tá cho người dùng xe múc để múc toàn bộ số điều trên đất để xây đập ngăn nước!

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Bù Đăng cho biết, chỉ mới biết thông tin vỡ đập do chúng tôi cung cấp. Còn ông Phạm Đình Nhất, Chủ tịch UBND xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (nguyên Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bù Đăng) nói: "Vụ vỡ đập gây chết người, chúng tôi biết. Sau khi vụ việc xảy ra, UBND xã đã cử anh em Công an vào hiện trường làm việc với Công an huyện và có lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra. Những con đập là của ông Mai Văn Tá, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thọ tự xây dựng. Việc xây dựng từ khi nào chúng tôi không biết vì họ xây không phép. Tuy địa điểm xây các con đập nằm trong đất của xã Đăng Hà, nhưng do Nông - Lâm trường Nghĩa Trung (xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) thuộc Công ty Cao su Sông Bé quản lý. Nguyên nhân đập vỡ do mưa trên đầu nguồn khá lớn đổ về".

Được biết, đơn vị quản lý lâm phần là Nông - Lâm trường Nghĩa Trung dù biết nhưng thiếu trách nhiệm, để mặc các cá nhân, đơn vị câu kết xây nhiều con đập dẫn đến người dân mất đất, gây chết người.

Xây đập để chiếm đất(!)

Khi được hỏi có liên quan gì tới các con đập của ông Mai Văn Tá, ông Nguyễn Phúc Quyết, Phó Giám đốc Nông - Lâm trường Nghĩa Trung khẳng định: "Tôi không liên quan gì đến những con đập của ông Tá. Mấy cái đập đó xây dựng không xin phép chúng tôi. Giữa ông Tá và các chủ dự án có đất trong khu vực tự thoả thuận xây đập tại các bưng, bàu nhằm hỗ trợ qua lại với nhau".

Về phần mình, theo ông Mai Văn Tá (chủ của các con đập xây lậu), việc xây các con đập chắn nước nêu trên nhằm mục đích nuôi cá và làm đường đi cho người dân. Mỗi con đập trị giá chỉ khoảng 30-40 triệu đồng. Nếu nhà nước yêu cầu thì ông Tá sẵn sàng đập bỏ hoặc cho tháo nước.

Thế nhưng, theo người dân sở tại, việc xây nhiều đập ngăn nước trên suốt quãng đường khoảng 17km, thực chất là nhằm chiếm đất người dân một cách khá tinh vi. Với 7 con đập, vào mùa khô, những đơn vị hoặc cá nhân muốn dùng nước để tưới cây trồng buộc phải trả tiền.

Còn sau khi thoát hết nước, ông Tá bỗng dưng có hơn 100ha đất, không cần phải tranh chấp với bất cứ công ty hay cá nhân nào! Với 7 con đập, chi phí ông Tá bỏ ra chỉ khoảng 500-600 triệu đồng. Trong khi 1 ha đất trống dưới bưng (khu vực các con đập) có giá từ 40-50 triệu đồng/ha, với trên 100ha đất "bao chiếm", bán ra cũng được 4-5 tỉ đồng, một món hời quá lớn!

Liên quan đến vụ vỡ đập, chiều 25/10, ông Tá mời gia đình của bà Vân lên UBND xã Nghĩa Trung để hỗ trợ thêm 10 triệu đồng, gồm: 4 triệu đồng tiền mặt, chiếc xe máy hiệu Dream của Trung Quốc (giá 6 triệu đồng). Ông Tá cũng đề nghị các con bà Vân đi học nghề cạo mủ cao su để làm cho công ty ông Tá

Đức Trí
.
.
.