Bí thư huyện giải trình vụ đào hầm xuyên núi: “Muốn khôi phục nghề truyền thống”

Thứ Năm, 31/03/2016, 14:01
Sau nhiều ngày im lặng trước bão dư luận về “Đường hầm xuyên núi” của mình, sáng ngày 31-3,  ông Briu Liếc, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, hiện là Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã có “Tâm thư” gửi Ban thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam chính thức tường trình toàn bộ sự việc…

“Đào hầm để chứa rượu”?! 

Tại bản tường trình, ông Briu Liếc đã giải bày một số tâm tư mà những ngày qua ông “né” báo chí, dư luận vì đã bị những “đồn thổi điều quá đáng”, gây ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của mình. Cũng theo ông Briu Liếc, không hiểu lí do gì, không biết ai có “hiềm khích” với mình mà lại “tung” đồn đoán khiến dư luận hiểu sai lệch, cho rằng tôi đào hầm để “lấy vàng”. Ở khu vực này là “khu đất chết, đá phân hủy” (khu vực đồi lộ thiên thường hiếm khi có vàng) thì lấy đâu ra vàng mà đào. Nếu ai vào thực tế mới biết, có ai đào vàng kiểu đó không?”, ông Briu Liếc trần tình.

Cận cảnh căn hầm xuyên núi và lò nấu rượu ngay nhà của gia đình ông Briu Liếc.
Ông Briu Liếc cho rằng, đường hầm dài hơn 50m xuyên quả đồi bên hông căn nhà của gia đình ông đã được ông cho đào từ năm 2009. Với ý muốn làm hầm rượu để khôi phục lại nghề truyền thống nấu rượu với công nghệ “siêu sạch” bằng men lá rừng của bản làng quê hương. 

Nguyên do ông có ý tưởng táo bạo trên là vì: Nhiều lần cùng đoàn nghệ sĩ Cơ Tu lên Bà Nà Hill để giao lưu và biểu diễn văn hóa truyền thống, ông đã thích thú khi tham quan hầm rượu Debay độc đáo do người Pháp xây dựng để lại, chỉ có duy nhất ở trên đỉnh Bà Nà. Từ mô hình này, Briu Liếc đã nảy ra ý tưởng học theo mô hình Debay của Bà Nà ngay tại khu đất đồi do gia đình ông sở hữu.

Ông cho biết thêm: “Trước khi đào, tôi cũng đã có nghiên cứu, căn cứ vào Nghị định 39-CP năm 2010, tôi đào trong vườn nhà mình, cũng giống như người dân đào giếng, thay vì đào sâu xuống, còn tôi đào ngang thì không có vấn đề gì. Nếu tôi có làm sắt thép, xây dựng ở trong đường hầm đó thì tôi vi phạm “xây dựng không phép”, đằng này tôi có làm gì đâu”.

Ông Đoàn Hữu Thuận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang.

Ông Liếc cho rằng, từ thông tin dư luận dấy lên, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đến gia đình ông mà cả an ninh trật tự vùng biên giới. Cuối tuần qua, nhiều người dân nơi đây họ đến chật nhà, xem thực hư như thế nào mà gây “bão” dư luận như vậy. Ai đến cũng thấy việc đào đường hầm không ảnh hưởng gì. Thế nhưng dư luận lại gán ghép cho thế này thế kia là “ác ý”… 

Tôi đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy sớm chỉ đạo đoàn kiểm tra lên nắm tình hình thực tế, có kết luật sớm, sai đúng rõ ràng. Nếu sai thì tôi chấp nhận bị xử lý với tư cách là một đảng viên. Còn nếu đúng thì cũng trả lời cho dư luận, nhân dân được rõ để gia đình, bản thân tôi yên tâm công tác và dư luận cũng thôi bớt “đồn thổi” gây ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực biên giới, nơi mà tôi đang là người lãnh đạo cao nhất ở đây”, ông Briu Liếc đề nghị.

Sự thật về “Đường hầm xuyên núi” của Bí thư huyện ủy

Để được mục sở thị và làm rõ thực hư có hay không việc đào hầm xuyên núi để “lấy vàng” như dư luận đồn thổi nhiều ngày qua. Ngày 25-3, PV Báo CAND đã trực tiếp vào trong đường hầm của Bí thư huyện ủy Tây Giang. Trong ngày đó, PV không gặp được ông Briu Liếc, theo đại diện lãnh đạo huyện Tây Giang cung cấp thì hiện đồng chí Bí thư đi trao gạo cho đồng bào biên giới ở nước bạn Lào…Hiện, Ủy ban Kiểm tra đã báo cáo sơ bộ và được sự thống nhất, chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu ông Briu Liếc báo cáo tình hình, sau đó đoàn kiểm tra sẽ về làm việc, kiểm tra thực tế để có kết luận chính thức về vấn đề này.

Ghi nhận của PV tại hiện trường, căn nhà của ông Briu Liếc nằm ngay mặt đường qua lại của trung tâm huyện Tây Giang. Bên cạnh có một quả đồi, đất đá được cho lấy ra từ “đường hầm” vẫn chất ngổn ngang. Ngay trước cửa căn hầm xuyên núi là một tấm bạt che đã sờn màu, bên trên chắn mấy cây củi...

Trực tiếp dẫn PV CAND mục kích căn hầm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang ông Đoàn Hữu Thuận đã vén tấm bạt, để lộ ra cửa hầm, bên trong tối mịt. Theo quan sát, hầm có chiều rộng khoảng 1,5m, cao 2m, dài chỉ tầm 50m, nối với khu bếp sau vườn nhà của ông Liếc.  Dọc theo con đường hầm, còn một số xe rùa và đất đá chưa chuyển ra. Trong căn bếp nối mặt sau hầm có các thiết bị như tủ để cơm lên men,  nồi nấu rượu loại lớn, bể làm mát, 1 ống dẫn nước chiếm khoảng diện tích. Tại đây, dễ nhận nhận thấy, vợ ông Briu Liếc cùng nhiều con cháu vừa phụ giúp nấu rượu, vừa đào đất đá từ quả đồi. “Thông tin chỉ có vậy, nhưng dư luận những ngày qua đột nhiên rộ lên cho rằng “ông Bríu Liếc đào núi lấy …vàng?!”, ông Thuận nói.

 Theo ông Thuận, tại Tây Giang vừa rồi có xảy ra trường hợp doanh nghiệp tham gia hạng mục trong dự án xây dựng trung tâm huyện, bị nghi ngờ đào đãi vàng trái phép và hiện đã bị Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Nam yêu cầu tạm dừng để xử lý. Có thể từ đó, căn hầm của Bí thư Huyện ủy Tây Giang bị suy diễn theo hướng này rồi đồn lên.

Ông Thuận khẳng định: Khu đồi được anh Briu Liếc mua lại của người dân và đã làm sổ đỏ. Người dân cả huyện đều biết ông Briu Liếc đào hầm từ năm 2009. Toàn do con cháu ông Liếc đảm trách và thỉnh thoảng chỉ làm vào cuối tuần. Ông Briu Liếc nói tất cả với mọi người, ông đào để làm hầm ủ rượu, giống như một cái thú điền viên, sau này khi về hưu còn “tỉ tê với bạn bè và tăng gia kiếm thêm tiền cho con cháu ăn học”. Do bởi, ông Liếc quê gốc ở xã Axan (huyện Tây Giang), vốn có truyền thống nấu rượu măng lá nhưng nghề này đang dần mai một. Vì thế, gia đình ông muốn khôi phục lại loại rượu này. Đặc biệt, rượu măng lá sau khi chưng cất, nếu được mang vào núi ủ sẽ để được lâu và rất ngon. “Thú thực, trên này ai cũng biết anh Briu Liếc đào cái hầm chứa rượu măng lá, bà con kéo tới xem nhiều. Gần đây, do nhiều đứa trẻ con vào chơi, trong đó có dơi nên ông mới trùm bạt lại nhằm đảm bảo an toàn”, ông Thuận bộc bạch

Trao đổi với báo chí, ông Trần Xuân Vinh, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam thông tin thêm, Ủy ban Kiểm tra có báo cáo sơ bộ Thường vụ Tỉnh ủy, Thường vụ cho biết: Trước mắt, Thường vụ chỉ đạo anh Briu Liếc báo cáo giải trình. Trên cơ sở đó, Ủy ban Kiểm tra sẽ phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra thực tế, căn cứ theo luật định (đất đai, khoáng sản,…). “Nhưng thực tế trong hầm đó chẳng có vàng đâu. Hơn nữa, trong cách đào hầm của ông, nhìn vào có thể khẳng định không phải lấy vàng. Mấy mươi năm làm công tác quản lý, lo cho dân, ông Briu Liếc hiểu hơn ai hết về một hành vi vi phạm pháp luật như khai thác vàng trái phép”, ông Vinh bày tỏ quan điểm.

Hoài Thu
.
.
.