Chuẩn bị thực thi xử phạt vi phạm quảng cáo rượu, bia:

Bảo vệ thanh thiếu niên tránh khỏi tác động từ quảng cáo

Thứ Năm, 08/10/2020, 07:34
Quảng cáo rượu, bia xen lẫn trong phim ảnh; hay quảng cáo trá hình các loại nước uống hoa quả lên men tràn lan trên trên mạng internet…, giờ đã có “cây gậy” xử lý, đó là Nghị định 117/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (thay thế NĐ176/NĐ-CP) bắt đầu có hiệu lực từ 15-11-2020.



Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đối với vấn đề quảng cáo rượu bia, từ luật đến nghị định đã rất quan tâm, có những quy định rất chặt chẽ, nhằm đạt được mục tiêu hàng đầu về sức khỏe là bảo vệ được thanh thiếu niên tránh khỏi hoàn toàn tác động từ quảng cáo.

Chế tài đã có, thực thi ra sao

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực ngày 1/1/2020, Chính phủ, các Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn để triển khai Luật đi vào cuộc sống. Ngày 28/9, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 117/NĐ-CP thay thế Nghị định 176. 

Tại Điều 33 của Nghị định 117, quy định mức xử phạt đối với vi phạm các quy định về quảng cáo rượu bia. Đó là phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc quảng cáo rượu, bia.

Mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với một trong những hành vi quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và quảng cáo bia sau đây: Có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin có nội dung, hình ảnh thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.

Quảng cáo rượu, bia trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em, trong thời gian từ 18h đến 21h bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia. Quảng cáo trong các sự kiện, trên các phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai. Quảng cáo trên phương tiện giao thông. Quảng cáo trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18h đến 21h hằng ngày, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật. Quảng cáo trên phương tiện quảng cáo ngoài trời vi phạm quy định về kích thước, khoảng cách đặt phương tiện quảng cáo tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi. Quảng cáo không có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật…

Theo Ths.Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Nghị định 117 trong đó có mức xử phạt với các quy định liên quan đến phòng, chống tác hại rượu bia có nhiều điểm mới tiến bộ, như: Hạn chế quảng cáo rượu bia dưới 5,5 độ; hạn chế quản cáo trên mạng internet, mạng xã hội; kinh doanh rượu, bia bằng hình thức thương mại điện tử…

“Đây là những quy định cần sự khả thi và tính thực tiễn rất cao. Chính phủ đã có quy định linh hoạt, bám sát thực tiễn, đặc biệt là kinh doanh trên môi trường mạng, quảng cáo trên môi trường mạng để ngăn ngừa trẻ em tiếp cận với rượu bia, nhưng phải đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng bảo đảm tránh khỏi sự tiếp cận của trẻ em”, bà Trang nói. 

Với các chế tài đã được quy định chi tiết, rõ ràng trong Nghị định 117, việc thực thi có khả quan hay không? “Chúng tôi đánh giá, đối với các quy định về quảng cáo đã có những quy định rất chặt chẽ, đạt được mục tiêu hàng đầu về sức khỏe là bảo vệ được thanh thiếu niên, trẻ em tránh khỏi toàn bộ quảng cáo rượu bia. Còn lại các hoạt động quảng cáo khác cũng quy định là không quảng cáo quá mức, nói quá lên các hiệu quả, hay khuyến khích thúc đẩy uống rượu bia, đã đạt yêu cầu rồi. Thời gian tới tiếp tục triển khai các điều luật, nếu thấy điểm nào chưa thực hiện được như mong muốn thì chúng ta sẽ tiếp tục bổ sung”, bà Trang cho biết.

Theo bà Trang, Nghị định phân công trách nhiệm rất cụ thể, chỉ tên các bộ, ngành có liên quan, trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt Nghị định quy định trách nhiệm của UBND cấp xã. Từ việc phân định được thẩm quyền, trách nhiệm mới tránh sự buông lỏng, chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, khi xảy ra vi phạm không biết quy trách nhiệm cho ai. Nghị định sẽ thúc đẩy việc thực thi tốt hơn, bởi vì khi đã ràng buộc trách nhiệm, sẽ xử lý nếu để xảy ra buông lỏng và không thực thi.

Nước hoa quả lên men “trá hình” có được coi là rượu, bia không?

Hiện nay, giới trẻ có sử dụng nhiều loại đồ uống có chứa nồng độ cồn nhưng “trá hình” thành các dạng nước uống giải khát hoa quả lên men và đang được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Các chuyên gia y tế cũng đã khuyến cáo, sử dụng các loại đồ uống này có ảnh hưởng không khác gì rượu, bia. Tại Nghị định 117 quy định mức xử phạt được từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên. Vậy, tới đây những loại hình quảng cáo trên này có bị đưa vào xử phạt theo Nghị định 117 hay không? 

Theo bà Trần Thị Trang, hiện nay các sản phẩm đồ uống có chứa cồn như nước giải khát lên men, các sản phẩm nước giải khát hoa quả liên men… không được đặt tên rượu bia, tuy nhiên nhưng theo khái niệm tại Điều 2 của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thì đây vẫn là sản phẩm được gọi là rượu bia, nghĩa là có chứa cồn thực phẩm, cho nên đều chịu sự điều chỉnh của Luật.

Do đó, tất cả các sản phẩm này khi kinh doanh, sử dụng đều phải tuân thủ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, để người dân có nhận thức đầy đủ, đa dạng của các sản phẩm này, Bộ Y tế có tuyên truyền, hướng dẫn, đặc biệt là hướng dẫn các tỉnh tuyên truyền cho người dân biết đây là sản phẩm đồ uống có cồn, cũng là rượu bia, nên phải tuân thủ các quy định. Đồng thời các doanh nghiệp khi kinh doanh các sản phẩm này cũng phải đảm bảo tuân thủ.

“Đặc biệt, thực trạng quảng cáo tràn lan tràn lan trên mạng khi không cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, hoặc không tuân thủ các quy định đó, thì ngoài vi phạm về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, còn vi phạm các quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định, khi cung cấp sản phẩm mà không thông tin đầy đủ về sản phẩm đó cho người tiêu dùng biết về mức độ nguy hại của sản phẩm thì là vi phạm”, bà Trang cho biết.

Ngoài tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc các cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định, theo bà Trang, còn phải tăng cường rà soát kiểm tra và xử phạt trên môi trường mạng. “Vấn đề này Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý. Theo phân công trách nhiệm tại Nghị định 24/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rà soát vi phạm trên mạng, từ đó có thể xử phạt. Các hoạt động này có thể sử dụng công cụ, phương tiện như lưu lại, ghi lại hình ảnh để phạt nguội, hoàn toàn có thể làm được nếu cơ quan chức năng quan tâm thanh tra, kiểm tra, xử phạt, sẽ giảm bớt được các vi phạm tràn lan hiện nay”, bà Trang cho biết.

Các quy định thanh tra, kiểm tra tác hại của phòng chống rượu bia, nội dung xử phạt, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã được quy định cụ thể, chi tiết tại Nghị định 117. Bằng kinh nghiệm khi triển khai của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nếu chỉ tăng cường truyền thông thôi chưa đủ, phải có kiểm tra, giám sát, tăng cường thực thi một cách đồng bộ các biện xử lý hành chính vi phạm thì mới mang lại hiệu quả. 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, với những luật liên quan đến hành vi, thói quen của người dân thì bao giờ cũng có thách thức về mặt thực thi và độ trễ so với các quy định khác, tuy nhiên nếu quyết tâm chúng ta vẫn làm được. Bài học kinh nghiệm là từ triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trần Hằng
.
.
.