Báo động tình trạng “tùng xẻo” đất mặt ruộng ở Sóc Trăng

Thứ Hai, 11/04/2016, 10:35
Tỉnh Sóc Trăng hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Mỗi năm, các cơ sở này “ngốn” hàng triệu mét khối đất để sản xuất gạch, ngói. Ngoài ra, việc san lấp mặt bằng cũng cần đến hàng triệu mét khối đất/năm. Con số khổng lồ đó được các nhà sản xuất kinh doanh nhắm vào đất ruộng là chính.


Cứ bước vào mùa khô, hoạt động khai thác đất mặt ruộng lại diễn ra rầm rộ. Từng đoàn xe cuốc, xe ben hoạt động hết công suất, chạy ngày chạy đêm, thi nhau “luộc” những thửa ruộng ở nhiều địa phương trong tỉnh khi những thửa ruộng ấy vừa mới thu hoạch lúa xong. Không chỉ khai thác đất mặt ruộng gần, ruộng xa cũng bị khai thác triệt để.

Từng đoàn xe ben, xe cuốc đang hằng ngày “tùng xẻo” đất mặt ruộng ở Sóc Trăng.

Trước đây, nông dân bán lớp đất mặt ruộng sâu từ 20-30cm với giá từ 500.000đ - 600.000đ/công (1.000m²). Tính ra, mỗi công đất, nếu khai thác đúng thỏa thuận sẽ được từ 60-70m³ đất. Các chủ khai thác bán lại cho người có nhu cầu mỗi xe ben đất (khoảng 8m³) từ 500.000đ trở lên,  kiếm lời từ việc khai thác đất này là rất lớn.

Còn năm nay, một nông dân ở phường 10, cho biết: “Không bán theo diện tích mà bán theo xe, mỗi xe từ 300.000-400.000đ, chủ khai thác lấy bao nhiêu xe trả bấy nhiêu tiền”. Trong vai người đi mua đất về lấp ao làm vườn, chúng tôi được một người đàn ông chuyên đổ đất ở phường 5, cho biết “Anh muốn bao nhiêu xe cũng có nhưng chúng tôi tính theo khối, mỗi khối là 100.000đ, xe ít nhất là 8 khối, còn nhiều là 10 khối, bao gạt bằng luôn”.

Vào một số ấp ở xã An Ninh (huyện Châu Thành) hỏi mua đất về lấp ao, đi hết 5 nhà chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Ở khu vực này một chủ lò gạch đã mua hết rồi. Ở đây chúng tôi không bán xe mà bán đứt ruộng cho chủ lò gạch, họ muốn lấy bao nhiêu là quyền họ bởi đất đó đã thuộc về họ”.

Chỉ cho chúng tôi xem một số xe đang khai thác đất ngoài ruộng xa, một phụ nữ, nói: “Gia đình tôi cũng bán hết mười mấy công, mỗi công 50 triệu đồng”. Hỏi vì sao đứt bán đất thì chị cho biết: “Hồi trước bán bề mặt, sau đó dù đầu tư nhiều nhưng làm lúa không trúng, bị lỗ nên chúng tôi bán… hết đất để chuyển qua nuôi bò”.

Việc các thửa ruộng đã bị khai thác hết lớp đất mặt màu mỡ sẽ để lại nhiều hệ lụy lâu dài, lợi bất cập hại. Đất mặt là lớp đất chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất đã bị lấy đi, năng suất lúa giảm, sâu bệnh nhiều hơn, chi phí sản xuất sẽ tăng. Ngoài ra, lấy đất mặt ruộng một cách tùy tiện đã không cải tạo được đất, gây khó khăn trong sản xuất ở diện tích đó, mà còn ảnh hưởng xấu đến việc canh tác của diện tích chung quanh bởi việc lấy đất mặt không phải được thực hiện đồng loạt.

Mặt ruộng biến dạng, chỗ cao, chỗ thấp, rồi biến thành đất trũng, gây khó khăn trong việc điều tiết nước trên cùng một cánh đồng, dẫn đến tình trạng, nếu bơm đủ nước cho các hộ ruộng cao thì ngập úng xảy ra tại ruộng của các hộ đã bán lớp đất mặt; còn nếu bơm vừa đủ lượng nước cho hộ có ruộng thấp, thì ruộng cao thiếu nước trầm trọng. Một số cánh đồng, việc khai thác bừa bãi như thế vô tình đã tạo thành vùng trũng, tạo điều kiện cho nước mặn tràn vào, diện tích bị xâm nhập mặn ngày càng lớn...

Sở TN&MT Sóc Trăng, nhận định: Việc khai thác, lấy tầng mặt của đất trồng lúa là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại đất, làm giảm năng suất lúa và ảnh hưởng đến việc sản xuất của các hộ dân xung quanh.

Vì vậy, những năm trước, Sở TN&MT Sóc Trăng đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp các ban, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những trường hợp tự ý khai thác, lấy tầng mặt đất trồng lúa, có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên đất. Tuy nhiên, tình trạng sốt khai thác đất mặt vẫn diễn ra liên tục và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Văn Đức – PV
.
.
.