Nỗi lo an toàn đê điều mùa mưa bão:

Còn đùn đẩy trách nhiệm, vi phạm còn phức tạp

Thứ Bảy, 18/06/2016, 10:27
Vi phạm an toàn đê điều bị phát hiện, nhưng việc xử lý không đến nơi, đến chốn - đó là thực tế đang diễn ra trong thời gian qua tại một số địa bàn có hệ thống đê điều đi qua. Chính sự nương tay với vi phạm của các cơ quan chức năng đã khiến vi phạm trở nên nhờn luật, diễn biến phức tạp.

Thực tế này đòi hỏi cần có chế tài xử lý mạnh hơn nữa không chỉ đối với người vi phạm mà còn ngay cả đối với các cá nhân, cơ quan thực thi pháp luật nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hơn 1.600 vi phạm còn tồn đọng

Có thể thấy rằng, công tác quản lý, xử lý các vi phạm về an toàn đê điều trên địa bàn thành phố đang có những bất cập. Lẽ vì, hằng năm, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đều mở đợt ra quân xử lý các vi phạm, thế nhưng, chỉ một thời gian sau, vi phạm lại tái diễn. Câu hỏi được đặt ra: Liệu cơ quan chức năng có bất lực trước các vi phạm?

Liên quan đến vấn đề này, theo tài liệu do đại diện UBND huyện Đan Phượng cung cấp thì từ năm 2010 đến nay đã có 25 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đê điều bị xử lý. Thế nhưng, qua ghi nhận của chúng tôi vào sáng 14-6, trên một số điểm thuộc hệ thống đê phòng lũ sông Hồng đi qua địa bàn huyện này vẫn tồn tại nhiều vi phạm.

Điều đó cho thấy, công tác xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng huyện Đan Phượng dường như chưa đủ sức răn đe.  

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội cũng tỏ ra lo ngại trước những vi phạm tồn tại dai dẳng trong một thời gian dài, không bị xử lý dứt điểm như hiện nay.

Theo số liệu mà ông Đỗ Đức Thịnh đưa ra cho thấy, từ năm 2010 đến tháng 5-2016, trên địa bàn thành phố có 2.222 vụ vi phạm Luật Đê điều, các cơ quan chức năng đã giải tỏa gần 600 vụ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đến nay, vẫn còn hơn 1.600 vụ vi phạm tồn đọng, chưa được giải quyết dứt điểm. Những vi phạm phải kể đến như: dựng lều tạm, xẻ rãnh nơi chân đê, đổ phế thải lấn dòng chảy, kinh doanh trái phép trên mặt đê v.v…

Tăng cường công tác tuần tra xử lý nghiêm vi phạm để ngừa xe quá trọng tải “phá” đê.

Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, thời gian qua, công tác xử lý các vi phạm liên quan đến khai thác cát sỏi, khoáng sản trên các dòng sông chảy qua địa bàn thành phố Hà Nội của các lực lượng chức năng đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác quản lý bến bãi nằm trong khu vực hành lang an toàn đê điều của một số địa phương còn bộc lộ những bất cập. Điển hình phải kể đến tình trạng lập bãi tập kết vật liệu xây dựng hiện đang khá bát nháo.

Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố, trên dọc các tuyến sông có 218 bãi tập kết vật liệu xây dựng. Trong đó, có tới 183 bãi không có phép, sai phép. Điều này cũng kéo theo tình trạng xe quá tải vận chuyển vật liệu xây dựng lưu thông khiến một số tuyến đê bị ảnh hưởng về độ an toàn. Từ những vi phạm này cho thấy, việc quản lý sử dụng bãi đất sông của một số chính quyền địa phương có nhiều vấn đề phải bàn.

Chớ để xảy hậu họa mới lo khắc phục

Với hệ thống cơ sở hạ tầng như hiện tại, thành phố sẽ đảm bảo chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, đánh giá của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cũng cho thấy, trước những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão năm nay, hiện Hà Nội đã xác định 4 trọng điểm về phòng chống lụt bão gồm: khu vực đê, kè, cống Xuân Canh – Long Tửu (tương ứng K0+000-K2+000 đê tả Đuống – huyện Đông Anh); khu vực đê kè Thanh Am – Tình Quang (tương ứng K3+700-K5+840 đê hữu Đuống – quận Long Biên); công trình cống Liên Mạc (tương ứng K53+450) đê hữu Hồng – quận Bắc Từ Liêm) và cụm công trình cống qua đê Yên Sở (tương ứng K78+108 đê hữu Hồng – quận Hoàng Mai). Đồng thời, trên địa bàn thành phố cũng đang xuất hiện 8 vị trí xung yếu thuộc: kè Khê Thượng (Ba Vì), đê Sen Chiểu, đê Vân Cốc (Phúc Thọ), kè Quang Lãng (Phú Xuyên), kè Liên Trì (Đan Phượng), kè An Cảnh (Thường Tín), kè Đổng Viên (Gia Lâm), kè – cống Tân Hưng – Cẩm Hà (Sóc Sơn).

Trước những vị trí trọng điểm xung yếu trên, việc xuất hiện các vi phạm về an toàn đê điều kéo dài càng trở thành vấn đề “nóng” cần sớm giải quyết. Có như vậy mới mong giảm thiểu những hậu quả có thể xảy đến do mưa bão gây ra.

Trở lại vấn đề liên quan đến các vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, ông Đỗ Đức Thịnh cho rằng, theo quy chế phối hợp cũng như các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn đê điều, sau khi phát hiện vi phạm, Hạt Quản lý đê sẽ lập biên bản ra quyết định tạm đình chỉ, đồng thời gửi cho chính quyền địa phương xử lý ngăn chặn. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý chưa đem lại hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, chính quyền một số địa phương còn nương tay, chưa vào cuộc quyết liệt khiến không ít vi phạm tỏ ra “nhờn” luật. Một thời gian sau, vi phạm lại tái diễn. Thêm vào đó, sự phối hợp thiếu chặt chẽ, còn đùn đẩy trách nhiệm xử lý giữa các cơ quan chức năng với chính quyền địa phương – nơi để xảy ra vi phạm cũng là nguyên nhân phải kể tới khiến các vi phạm an toàn đê điều còn diễn biến phức tạp.

Cũng theo đại diện Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, để ngăn chặn các vi phạm về an toàn đê điều, cần phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn xử lý các trường hợp vi phạm. Coi việc phòng ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm đó là trách nhiệm thường xuyên chứ không theo từng chiến dịch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu để xảy ra vi phạm kéo dài, phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, đối với tình trạng xe quá tải trọng hoành hành gây ảnh hưởng tới kết cấu của đê, khi phát hiện vi phạm, lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông cần tiếp tục xử lý nghiêm; cùng với đó, chủ các bến bãi nên tổ chức ký cam kết, không chấp thuận cho xe quá tải trọng ra vào bến bãi.

* Theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội, nếu người có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về đê điều nhưng không xử lý nghiêm, dứt điểm theo quy định của pháp luật, hoặc không kịp thời xử lý để vi phạm phát triển vượt quá thẩm quyền, phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm lên cấp trên xử lý thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

* Hành vi vi phạm pháp luật về đê điều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Người nào vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

(Trích Điều 46, Luật Đê điều 2006)

Trần Huy
.
.
.