Hiểm họa từ 'ngáo đá'

Bài cuối: Cần nỗ lực giảm người nghiện ma túy 'đá'

Thứ Ba, 19/05/2015, 09:13
Trong khi Luật xử lý vi phạm hành chính còn nhiều vướng mắc, việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải trải qua nhiều khâu, thủ tục, nhiều khó khăn trong việc thực hiện…thì ở một số địa phương đã có những biện pháp chủ động góp phần hạn chế người nghiện nói chung, nghiện MTTH nói riêng. Hà Nội hiện nay cũng đang triển khai việc vận động người nghiện cai nghiện tự nguyện.
>> Hiểm họa từ ‘ngáo đá’

Mẹ viết đơn xin cho con đi cai nghiện

Để mục sở thị, chúng tôi tìm về Đan Phượng, một trong những huyện ngoại thành của TP Hà Nội, nơi làm tốt công tác vận động cai nghiện tự nguyện. Trung tá Chu Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết, đến thời điểm này đã có gần 10 trường hợp nghiện ma túy, trong đó có cả ma túy truyền thống và MTTH viết đơn xin đi cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động số V (Trung tâm chữa bệnh số V) tại Hà Nội.

 Đây là một nỗ lực không nhỏ của đơn vị, góp phần kiềm chế và làm giảm người nghiện trên địa bàn. Bởi thực tế cho thấy, do tâm lý e dè, gia đình người nghiện thường không muốn công khai việc con em sử dụng ma túy… Còn bản thân các đối tượng thì cũng trốn tránh.  

Bà Nguyễn Thị Vân, một trong những người đã viết đơn xin cho con đi cai nghiện chia sẻ: “Tôi vẫn đến thăm Tuấn thường xuyên… Thấy con khỏe mạnh, đã cắt được cơn thì mừng lắm. Cháu vào đây được học tập, được các cán bộ của Trung tâm chữa bệnh số V. chăm sóc tận tình, chu đáo”. Theo dòng cảm xúc, bà Vân kể lại: Bùi Thanh Tuấn là con trai lớn của bà, năm nay vừa tròn 40 tuổi. Tuấn sử dụng cùng lúc 3 loại ma túy, trong đó có cả ma túy “đá”...

Tuấn bị phát hiện sử dụng ma túy khi đang là giáo viên của một trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng. Khi biết sự thật phũ phàng ấy, bà Vân bàng hoàng chẳng tin vào tai mình. Tuấn được ăn học tử tế, đồng thời là niềm hy vọng của gia đình bà, vậy mà. Về phần Tuấn, sau khi sự việc bị bại lộ, anh ta cũng xấu hổ không dám đứng trên bục giảng. 

Với sự động viên của những người thân trong gia đình, Tuấn sau đó học nghề lái xe, chạy tuyến đường dài Nghệ An, Hà Nội và ngược lại… Những lúc tỉnh táo, Tuấn ý thức rõ tác hại của ma túy, cũng nhiều lần tự cai nghiện tại nhà nhưng do thiếu nghị lực, anh ta đã không thắng nổi mình. Sự tàn phá của ma túy “đá”, khiến thân hình Tuấn gầy gò đến thảm hại, trí nhớ thì lúc tỉnh, lúc mê… 

Cũng như những bậc làm cha, làm mẹ khác, bà Vân thương con, sợ con vào trung tâm cai nghiện thì khổ. Bản thân Tuấn cũng có suy nghĩ như vậy. Thế nhưng, sau khi được nghe các cán bộ Công an huyện Đan Phượng phân tích, bà Vân đã hiểu ra… Bỏ qua những mặc cảm của gia đình, bà Vân đã viết đơn xin cho con đi cai nghiện.

Cái khó nhất là giúp người nghiện và gia đình họ hiểu ra chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền và lực lượng Công an địa phương đối với người nghiện. Để phát huy hiệu quả việc vận động, ngay khi có chủ trương của UBND TP Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là vận động người sử dụng ma túy đi cai nghiện tự nguyện. 

Với sự tham mưu của Công an huyện Đan Phượng, UBND huyện đã có 1.640 thư ngỏ được gửi đến những người nghiện, gia đình họ… Chỉ tính riêng trong tháng 3-2015, đã có 5 thanh niên nghiện ma túy tự nguyện viết đơn xin đi cai nghiện. Bỏ qua tâm lý e ngại, giờ đây không ít người nghiện coi hình thức cai nghiện tự nguyện là lựa chọn hợp lí nhất để tìm lại chính mình.

Trung tâm chữa bệnh số 5 làm thủ tục tiếp nhận người nghiện.

Nỗ lực giúp làm giảm người nghiện ma túy  “đá”

Cho đến thời điểm này, chưa có một phác đồ nào cụ thể điều trị người nghiện MTTH. Song để giúp các cơ quan chức năng có cơ sở chẩn đoán, tiếp nhận, quản lý và điều trị cho người nghiện MTTH dạng ATS, ngày 10/9/2014, Bộ Y tế đã ký Quyết định số 3556/QĐ-BYT ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine”. 

Hướng dẫn của Bộ Y tế quy định các cơ sở y tế tiếp nhận, quản lý, điều trị các đối tượng có dấu hiệu tâm thần do sử dụng ATS. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có bác sĩ được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng MTTH dạng Amphetamine”. 

Trạm Y tế xã, phường, thị trấn điều trị tâm lý và điều trị các triệu chứng đối với các rối loạn tâm thần do ATS: Hội chứng cai, trầm cảm mức độ nhẹ, vừa. Bệnh viện tuyến huyện, cơ sở có chức năng điều trị, cai nghiện ma túy (Nhà nước và tư nhân) được thành lập theo quy định của pháp luật điều trị tâm lý và điều trị triệu chứng đối với các rối loạn tâm thần do ATS: hội chứng cai, loạn thần, ngộ độc cấp, trầm cảm các mức độ. 

Bệnh viện/viện tâm thần tuyến trung ương, bệnh viện tâm thần tỉnh, trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh, bệnh viên đa khoa tuyến tỉnh có đơn vị (khoa hoặc đơn nguyên điều trị người bênh tâm thần) điều trị tâm lý và điều trị triệu chứng đối với các rối loạn tâm thần do ATS: Hội chứng cai, loạn thần, ngộ độc cấp, trầm cảm các mức độ, nghiện. Trường hợp người bệnh nặng, điều trị kém hiệu quả cần hội chẩn với tuyến trên để chuyển tuyến…

Có thể khẳng định, việc Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng MTTH dạng Amphetamine” đã bước đầu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác chẩn đoán, tiếp nhận, điều trị, quản lý đối với nghiện MTTH dạng ATS. 

Tuy nhiên quá trình thực hiện cần có những phản hồi tích cực của các cơ quan chức năng, các cơ sở y tế cũng như những cá nhân có liên quan để việc triển khai, áp dụng được thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy, nhất là MTTH trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền và lực lượng Công an các đơn vị, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy nói chung, MTTH nói riêng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ.

 Cùng với việc phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng Công an như đấu tranh mạnh với các đường dây, ổ nhóm, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện, cũng cần xây dựng các mô hình huyện, xã không có ma túy…

Cùng với đó, mỗi gia đình có con em cần phải thường xuyên quan tâm đến tâm, sinh lý, không để các em bị dụ dỗ lôi kéo vào việc sử dụng MTTH. Ngoài ra, Chính phủ, Quốc hội cũng nên xem xét sửa một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221/2013/ NĐ-CP về hồ sơ, thủ tục đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện. 

Hy vọng rằng với những mô hình đầy sáng tạo, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, tình trạng sử dụng ma túy trong thời gian tới sẽ được đẩy lùi.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, nước ta hiện có 204.377 người nghiện ma túy, trong diện có hồ sơ quản lý của lực lượng Công an. Trung bình mỗi ngày, một người nghiện phải chi trả khoảng 230 nghìn đồng cho việc mua ma túy…
 Bởi 75% số các vụ phạm pháp hình sự hiện nay, liên quan đến đối tượng sử dụng ma túy. Những năm trở lại đây, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Ngoài số đối tượng không có nghề nghiệp còn có cả cán bộ, công chức Nhà nước, sinh viên thậm chí có đối tượng đang ở tuổi vị thành niên.
Khi sử dụng lâu dài người nghiện ma túy "đá" thường mất ngủ trắng đêm. Chính điều này, khiến họ bị suy nhược thần kinh, luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi, ngáo ngơ, mất tập trung… Ảo giác do ma túy "đá", thường là ảo thanh. Bệnh nhân nghe thấy tiếng nói trong đầu với nội dung xui khiến, ra lệnh, trò chuyện với bệnh nhân.
Nội dung của ảo thanh phần nhiều mang nội dung xấu, tiêu cực vì vậy người bệnh có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân bệnh nhân và những người xung quanh. Các hành vi hay gặp tự hủy hoại cơ thể, có đối tượng tự dùng dao rạch bụng… hoặc có hành vi nguy hiểm cho xã hội như tấn công những người xung quanh.
Xuân Mai
.
.
.