“Giải cứu” người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen:

Bài cuối: Cần bịt kẽ hở luật pháp

Thứ Năm, 10/09/2015, 10:00
Từ năm 2010 đến 2014, cả nước xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, tổ chức.

Cụ thể, đã xảy ra 6.376 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” với 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Ngoài ra, những hệ luỵ phát sinh từ “tín dụng đen” đã dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác khiến hàng nghìn người vướng vào vòng lao lý, hàng trăm gia đình tan nát.

Muôn vàn khó khăn trong việc xử lí tội phạm

Năm 2008, ở tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Dương do Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương làm chủ. Đây được coi là một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất và sớm nhất ở thời điểm đó với số tiền khoảng gần 200 tỷ đồng.

Tìm hiểu, viết bài về vụ án trên, tôi đã gặp hàng chục bị hại là doanh nghiệp, cá nhân, thậm chí cả cán bộ, công chức trên địa bàn, tất cả đều cho rằng vì quá tin cặp vợ chồng này nên mới đưa tiền cho vay hoặc góp vốn làm ăn nhưng họ không dám thừa nhận rằng, sở dĩ họ sa vào bẫy bởi lòng tham, hám lời. Trong số tiền trăm tỷ vỡ nợ trên, hầu như các bị hại đều mất trắng, kể cả một số cửa hàng áo cưới, bất động sản mà vợ chồng Quỳnh Anh thường khoe để tạo lòng tin cũng đều đã cầm cố cho các ngân hàng và nhiều cá nhân để lấy tiền.

Vợ chồng Quỳnh Anh bỏ trốn khỏi địa bàn nên cơ quan Công an đã bị khởi tố với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi đã đăng nhiều bài báo về vụ án trên, cảnh báo người dân không nên vì hám lợi trước mắt mà quên tính logic về lợi nhuận. Thế nhưng, sau đó, hàng nghìn người vẫn dẫm lên vết xe đổ của các bị hại trong vụ án Quỳnh Anh, vẫn vì hám lợi mà mất nhà, cửa, thậm chí lâm vào cảnh tù tội, li tán.

Trở lại vụ vỡ nợ trên, việc xử lí hành vi phạm tội của vợ chồng Quỳnh Anh khá thuận lợi bởi có tình tiết được quy định trong luật đối với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đó là “bỏ trốn” nhưng trong rất nhiều vụ án tương tự, khi đối tượng vay hàng trăm tỷ đồng nhưng không bỏ trốn, vẫn hứa sẽ trả nợ dần dần (theo kiểu vay hàng trăm tỷ, mỗi tháng trả vài trăm nghìn) thì việc xử lí pháp luật đối với người vay vô cùng khó khăn, thậm chí nếu kiên quyết khởi tố hình sự, cơ quan điều tra rất dễ bị “quy” là hình sự hoá quan hệ dân sự.

Chính vì vậy, rất nhiều vụ việc không xử lí hình sự được khiến người cho vay bức xúc, tự mình tìm cách đòi nợ bằng các biện pháp như bắt cóc, xiết nợ, ném chất bẩn, thậm chí giết người, gây thương tích nặng cho nạn nhân.

Công an Thanh Hóa khám xét nơi ở của Lê Anh Tuấn, tức “Tuấn thần đèn” – đối tượng có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.

Điển hình như ngày 24/5/2014, một số đối tượng vào nhà chém chết anh Đồng Nguyên Minh, 44 tuổi, trú ở phường Thành Công, Đống Đa, Hà Nội vì vợ anh Minh không trả được nợ; ngày 17/11/2013, tại TP Cà Mau, bốn đối tượng Huỳnh Công Danh; Lê Bé Cần; Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Chi Lăng đã dùng súng truy sát con nợ; ngày 8/5/2014, tại quận Tây Hồ, Hà Nội, đối tượng Nguyễn Đức Chính và đồng bọn đã đem súng đến tận nhà anh Nguyễn Tuấn Anh để đòi nợ, bắn bị thương 1 người; hay vụ 4 đối tượng dùng xích đánh đập, trói anh Trần Văn Hưng để đòi nợ xảy ra tại TP Hồ Chí  Minh...

Trong các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, có 2 dạng phổ biến, đó là cho vay lãi nặng (người có tiền cho vay lãi suất cao, sau đó xiết nợ) và cho vay tiền để lấy lãi suất cao (chơi hụi, vay của người khác rồi cho vay lại để lấy lãi). Hiện nay, theo pháp luật có 3 điều trong Bộ luật Hình sự quy định các hành vi liên quan. Đó là các điều 139 (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản); điều 140 (tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); điều 163 (tội Cho vay lãi nặng) nhưng các hướng dẫn những dấu hiệu cụ thể của các hành vi để xử lí các tội trên còn chưa rõ ràng.

Ví dụ, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải chứng minh thủ đoạn gian dối xuất hiện ngay từ đầu, người phạm tội cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản (xuất hiện trước hành vi chiếm đoạt); tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải chứng minh được hành vi gian dối hoặc bỏ trốn… Đặc biệt, trong tội cho vay lãi nặng phải chứng minh được mức lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất bóc lột chuyên nghiệp; phạm tội thu lợi bất chính lớn.            

Cũng chính vì khó khăn trong công tác chứng minh tội phạm nên trong nhiều vụ vỡ nợ, cơ quan Công an không thu hồi được tiền cho dân, không xử lí được đối tượng vì không đủ chứng cứ khiến lòng dân bức xúc.

Làm gì để xử lí nghiêm theo pháp luật?

Trong thời gian vừa qua, lực lượng Công an đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ; ban hành Kế hoạch công tác an ninh góp phần đảm bảo thực hiện Đề án của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng 2011-2015; tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tài chính, tiền tệ, “tín dụng đen”. Đã phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các hoạt động “tín dụng đen”.

Các lực lượng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát hình sự... cả nước đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, lập danh sách đưa vào diện quản lí các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động vay, cho vay, thuê, cầm cố tài sản lãi suất cao không có sự đảm bảo của pháp luật và các nhóm đối tượng có biểu hiện đòi nợ thuê để chủ động phòng ngừa ngăn chặn. Lực lượng cảnh sát đã điều tra, khởi tố 5.839 vụ với 10.885 bị can liên quan đến tín dụng đen.

Nhờ những cố gắng vượt bậc nên thời gian gần đây, tình trạng “tín dụng đen” đã được ngăn chặn khá hiệu quả, nhưng để giải quyết tận gốc tình trạng này, lực lượng chức năng cần rà soát, nghiên cứu kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hành chính, dân sự về xử lí hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng; Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, nắm tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, có biện pháp đấu tranh, triệt phá.

Phương Thuỷ - Lệ Thuý
.
.
.