Giải pháp nào xử lý triệt để xe ba bánh tại Hà Nội:

Bài 1: Vì sao xe ba bánh vẫn tồn tại?

Thứ Năm, 19/05/2011, 09:36
8h ngày 17/5, khi chúng tôi có mặt tại bãi Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) thì gặp Nguyễn Văn Quyền đang vắt vẻo trên chiếc xe ba bánh tự chế "mui trần" của mình. Đầu mùa nắng nóng nên mới sáng sớm tiết trời đã ngột ngạt và khó chịu. Anh chàng tài xế chiếc xe ba bánh này vừa lấy tay áo quệt mồ hôi vừa nhìn chúng tôi dò hỏi.

Kiếm sống… nhờ xe ba bánh

Mới 23 tuổi nhưng nhìn Quyền trông già sọm so với những người cùng trang lứa. Không có khách nên khi chúng tôi hỏi chuyện về việc mưu sinh cùng chiếc xe ba bánh, Quyền đồng ý ghé đến một quán nước bên đường để trò chuyện.

Quyền kể: Trước đây, từng làm thợ cho một xưởng gỗ ở mạn xã Cổ Nhuế, hằng ngày thấy chủ cửa hàng vẫn thuê xe ba bánh để vận chuyển hàng hóa nên anh đã nảy ý định chuyển nghề: "Làm thợ mỗi tháng được trả 1 triệu đồng chẳng đủ nuôi vợ con, nên em đã sắm "con" xe ba bánh này với số tiền hơn 10 triệu đồng để kiếm sống. Bây giờ, mỗi ngày em cũng kiếm được khoảng 150 đến 200 ngàn đồng".

Nhà ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - vợ lại vừa sinh con nhỏ được 10 tháng. Giữa năm 2010, Quyền quyết định vay tiền của chú và bác họ của mình để "tậu" xe và xuống đây thuê nhà trọ kiếm sống. Hằng ngày, lúc 6h sáng, Quyền lại đánh xe từ chỗ trọ ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (Hà Nội) lên khu vực này để đón khách.

6h chiều, khi đã hết khách Quyền lại cho xe quay về chỗ trọ. "Tiền thuê phòng mỗi tháng hết 800 ngàn, trừ tiền xăng xe, ăn uống hằng ngày, mỗi tháng em cũng mang về cho vợ con được 4 - 5 triệu đồng", Quyền tâm sự. Quyền chọn khu vực bãi Phúc Xá làm bến đỗ hằng ngày cũng bởi đây là khu vực có nhiều khách lui tới thuê xe chở hàng.

Xe ba bánh tự chế chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Từ hàng hóa cồng kềnh (sắt thép, cốp pha) cho đến các loại vật dụng đơn giản Quyền đều nhận chở tất. Hỏi có biết quy định cấm xe ba bánh tự chế không, Quyền thật thà cho biết: "Em cũng có nghe đến, nhưng vì cuộc sống nên em vẫn cứ chạy. Nếu bị bắt phải chấp nhận thôi… chứ biết làm sao được!". Ở khu vực này có hơn 10 trường hợp như anh đang kiếm sống nhờ xe ba bánh…

Có mặt tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chiều 9/5, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhiều chủ xe ba bánh tự chế đỗ sát vệ đường chờ khách đến thuê chở hàng. Tại gần chợ Phùng Khoang, một chủ xe tên là Hùng, người ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) than thở dù trời nắng nóng nhưng từ sáng tới giờ mới kiếm được hai cuốc "xe còi" nên vẫn phải cố bám mặt đường đợi khách thuê chở hàng.

Cuối chiều nhưng mặt đường vẫn bốc hơi nóng hầm hập. Hùng cũng như cả chục bác tài xe ba bánh dọc khu vực này vừa lau mồ hôi vừa nhẫn nại đứng đợi khách. Trò chuyện với chúng tôi, anh tâm sự: Ở quê chả biết làm gì nên anh quyết định vay mượn được hơn chục triệu đồng mua một chiếc xe ba bánh xuống đây kiếm thêm.

"Nhà làm ruộng chẳng có thu nhập gì nên chuyện chi tiêu, học hành của mấy đứa con đều trông hết vào chiếc xe này. Mấy ngày rồi hình như là đợt cao điểm nên mỗi lần chở hàng cũng phải "ngó trước trông sau", để né lực lượng chức năng làm nhiệm vụ", Hùng tâm sự.

Biết là vi phạm nhưng…vẫn hành nghề

Bỏ ra nhiều ngày lân la ở các chợ lao động, các điểm thường xuyên tập trung nhiều xe ba bánh như: đường Giải Phóng; khu vực chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên - Long Biên; đường Hoàng Quốc Việt; đường Nguyễn Trãi; Lê Văn Lương, đê La Thành; đường Nhân Hòa - Nhân Chính… chúng tôi nhận thấy, dường như sau mỗi lần lực lượng chức năng TP Hà Nội ra quân thì xe ba bánh tự chế lại xuất hiện nhiều hơn trước.

Dạo qua bất cứ tuyến phố nào của Hà Nội cũng dễ dàng nhìn thấy sự xuất hiện của những phương tiện dạng này. Trò chuyện với chúng tôi, hầu hết các chủ xe đều cho biết: Họ có nghe đến chuyện cấm xe ba bánh tự chế hoạt động, tuy nhiên chưa bị bắt, chưa bị xử lý thì vẫn phải tiếp tục hành nghề.

Đơn cử như trường hợp của lái xe Nguyễn Văn Tuấn, 25 tuổi, quê ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, khi điều khiển chiếc xe ba bánh tự chế phía sau chở chồng gạch xây dựng cao ngút lưu thông tới đường Láng Hạ, quận Đống Đa đã bị tổ công tác của Đội CSGT số 3, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) phát hiện, lập biên bản xử lý với lỗi vi phạm: không giấy phép lái xe, không đăng ký xe… đã hồn nhiên cho hay: mình chưa bị xử lý lần nào nên dẫu biết là vi phạm nhưng vẫn cố điều khiển xe ba bánh tự chế chở hàng kiếm thêm thu nhập…

Vì sao xe ba bánh tự chế lại có chiều hướng gia tăng nhanh về số lượng như hiện nay? Nhiều chủ xe khi trò chuyện với chúng tôi thổ lộ: Với số vốn đầu tư ban đầu cho một phương tiện khoảng 15 - 20 triệu đồng, chí ít mỗi ngày họ cũng kiếm được một vài trăm ngàn để chi tiêu.

Bên cạnh là nghề kiếm sống với thu nhập chấp nhận được, người chạy xe ba bánh lại không bị gò bó ràng buộc về thời gian như đi làm thuê. Thích nghỉ lúc nào thì nghỉ, chạy lúc nào thì chạy. Nhu cầu của người dân về vận chuyển hàng bằng xe ba bánh cũng là một nguyên nhân hấp dẫn giúp cho loại phương tiện này phát triển.

Trò chuyện với một số chủ cửa hàng chuyên kinh doanh đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng trên đường đê La Thành, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, chúng tôi dễ dàng nhận được câu trả lời. Thuê xe ba bánh vận chuyển giá rẻ gấp nhiều lần so với xe taxi, xe tải. Tiện lợi hơn nữa là ngõ ngách nào phương tiện này cũng có thể len lỏi tới. Giá rẻ lại cực kỳ thuận lợi, đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân nên xe ba bánh có "đất sống".

Chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở đường La Thành, quận Ba Đình (Hà Nội) chỉ vào một chiếc xe ba bánh đang chất đồ cao ngút phân tích: Đấy chú xem, mua ngần ấy đồ, nhà lại ở sâu trong ngõ. Không thuê "anh" ba bánh này, chẳng nhẽ lại thuê xe tải đi một đoạn, đến ngõ lại thuê người hạ xuống khuân vào mấy chục mét… vừa mất công, lại tốn kém, chẳng ai dại gì.

Trong sổ điện thoại của các cửa hàng vật liệu xây dựng, nội thất, các cơ sở gia công sắt thép… hầu như nhà nào cũng có vài ba số điện thoại của xe ba bánh. Xe ba bánh rẻ, tiện lợi nên đây cũng là lý do mà nhiều người dân có nhu cầu vận chuyển đồ đạc tìm đến thuê xe ba bánh chở hàng…

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thì trên địa bàn thành phố chỉ có khoảng 200 xe ba bánh được cấp phép cho thương binh và người tàn tật điều khiển. Số còn lại đều là xe ba bánh tự chế do các đối tượng giả danh thương binh, người tàn tật điều khiển.

Trên thực tế thì do không nằm trong diện quản lý kèm với "tốc độ" phát triển khá nhanh của loại phương tiện này nên hiện tại chưa có cơ quan nào đưa ra được con số chính xác có bao nhiêu xe ba bánh tự chế đang hoạt động. Và câu chuyện về việc tìm một giải pháp để xử lý vấn đề này đang thực sự là một bài toán làm đau đầu các cơ quan chức năng

Nhóm PVĐT
.
.
.