Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ biên giới mềm (bài 1)

Thứ Sáu, 14/12/2018, 08:57
Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người được thực hiện các hành vi xã hội không giới hạn bởi không gian và thời gian.


Không gian mạng quốc gia là không gian do Chính phủ xác lập quản lý và kiểm soát. Như vậy, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của nước ta không được xác định bởi ranh giới địa lý mang hình chữ S. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ chủ quyền trên “lãnh thổ” đặc biệt này đòi hỏi an ninh mạng phải bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhìn ra thế giới

Quản lý không gian mạng là một trong những trọng tâm chiến lược của các quốc gia trên thế giới. Mỹ và các nước đồng minh luôn tìm cách duy trì địa vị thống trị, quyền chủ động và chiếm lĩnh tài nguyên trên không gian mạng một cách lớn nhất, do Mỹ là nơi phát minh ra Internet và quản lý hạ tầng kết nối mạng của thế giới, các dịch vụ quan trọng trên không gian mạng hầu hết đều do Mỹ quản lý, đặt ra thách thức đối với các quốc gia khác. 

Trung Quốc, Nga và một số quốc gia phát triển, có tiềm lực kinh tế đang tăng cường tìm mọi cách giành thế chủ động trên không gian mạng, hạ thấp vai trò “người tiên phong” của Mỹ và đồng minh, liên tục đề xuất và tổ chức các hội nghị quốc tế, đưa ra các quan điểm tiếp cận đa phương cho vấn đề quản lý không gian mạng toàn cầu, tìm cách chuyển các tổ chức quản lý tài nguyên không gian mạng do Mỹ quản lý thành các tổ chức quốc tế, nơi các quốc gia có thể tiếp cận và ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. 

Đối với các quốc gia đang phát triển hoặc có tiềm lực kinh tế thấp, ưu tiên trước mắt là hạn chế sự bị động trong bảo vệ an ninh mạng, tăng cường sự chủ động trong bảo vệ được hệ thống thông tin mạng quốc gia, bảo vệ được an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, từng bước phát triển nền công nghiệp an ninh mạng trong nước, hạn chế sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ nước ngoài. 

Cuộc chạy đua tăng cường tiềm lực an ninh mạng, phát triển công nghệ và vũ khí mạng để tranh giành quyền kiểm soát không gian mạng đang diễn ra quyết liệt và chưa đạt được sự đồng thuận quốc tế để có văn bản pháp quy kiểm soát vấn đề này.

Trong khi cuộc đua nhằm giành quyền kiểm soát không gian mạng ở tầm quốc tế chưa đến hồi kết thì nhiều quốc gia đã chọn cách bảo vệ chính mình bằng việc xây dựng và thông qua luật An ninh mạng. 

Đây được coi là biện pháp trọng yếu để những quốc gia này bảo vệ chính mình trong bối cảnh nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, tội phạm mạng đang hiển hiện. Mới đây nhất, ngày 6-12, Australia chính thức thông qua Luật An ninh mạng. Luật này này có nội dung đáng chú ý là cho phép cơ quan chức năng của xứ sở kangaroo được phép tiếp cận thông tin liên lạc được mã hoá của các đối tượng nghi khủng bố và tội phạm. 

Ở các quốc gia khác như Mỹ, Đức, Anh… trước đó cũng đã thông qua các luật: Luật chia sẻ thông tin an ninh mạng (Mỹ); Luật An ninh mạng (Anh); Luật An ninh mạng (Đức)… Đáng chú ý là trước và cả khi đã thông qua các luật này, tại nhiều quốc gia nêu trên đã nhận phản ứng trái chiều rất gay gắt. 

Ví như ở Mỹ vào năm 2016, Bộ Tư pháp nước này và hãng Apple đã có cuộc đụng độ kinh hoàng khi hãng này từ chối mở khoá một chiếc iPhone được xác định có kết nối với một vụ nổ súng. Hay như tại Anh, sau rất nhiều tranh cãi gay gắt, Luật An ninh mạng vẫn ra đời với quy định, cơ quan công quyền được tăng quyền hạn để tấn công, ngăn chặn và giữ lại thông tin có liên quan đến công tác bảo vệ an ninh của công dân nước này.

Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật An ninh mạng ngày 12-6-2018.

Đảm bảo ứng dụng công nghệ và bảo vệ an ninh mạng là hai mặt song hành

Internet được ứng dụng vào nước ta từ năm 1997 và phát triển nhanh, mạnh trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện nay số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là 64 triệu, còn số tài khoản facebook cũng lên tới 58 triệu. Điều đáng nói là sự phát triển và ứng dụng này chưa đi liền với công tác bảo vệ an ninh mạng. 

Trong khi đó, ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ an ninh mạng là hai mặt song hành tại các quốc gia phát triển. Điều này dẫn đến thực trạng, đất nước ta đang đứng trước nhiều nguy cơ đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. 

Hiện nay, nhiều bộ phận thường nhận thức về an ninh mạng còn hạn chế, coi trọng sự tiện dụng, trong khi đó chưa quan tâm tới tác hại, nhìn nhận thấy nhiều lợi ích nhưng không ước tính được sự nguy hiểm do không gian mạng mang lại. Trong cơ quan nhà nước, việc xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin diễn ra mạnh mẽ trong khi nhận thức của cán bộ, công nhân viên chức chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung vào học cách sử dụng mà chưa có kiến thức bảo mật, kỹ năng sử dụng không gian mạng an toàn, bảo đảm an ninh... 

Hệ thống thông tin trong nước chưa được thiết kế theo các tiêu chuẩn chuyên ngành, tồn tại các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng mà thế giới cảnh báo trong nhiều năm trước, dẫn tới tình trạng dễ bị chiếm đoạt thông tin, bí mật nhà nước, tấn công phá hoại, gây ngưng trệ hoạt động. Sự nguy hiểm của thông tin mạng chưa được chú trọng, các tiện ích của thông tin mạng như nhanh chóng, tức thời, tính lan toả nhanh được triển khai triệt để, mang lại nhiều lợi ích nhưng tính an ninh và nguy cơ gây mất an toàn chưa được quan tâm đúng mức. 

Các dịch vụ trên mạng phát triển mạnh mẽ, nhiều quy định của nhà nước được đưa ra nhằm khuyến khích sự phát triển nhưng điều kiện an ninh đi kèm lại tương đối lỏng lẻo hoặc còn sơ hở do khách quan đem lại, dẫn tới thất thu ngân sách hoặc nguy cơ tổn hại cho an ninh quốc gia. Dữ liệu của nước ta trên không gian mạng chưa được quản lý phù hợp, chưa được sử dụng một cách triệt để cho mục đích phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tình trạng “chảy máu dữ liệu” đang diễn ra nghiêm trọng, đặt ra bài toán cần chính sách quản lý.

Thực trạng này đặt ra các vấn đề chiến lược về an ninh mạng đối với nước ta là: nâng cao tiềm lực an ninh mạng nhằm nhanh chóng khắc phục các sơ hở, tồn tại, yếu kém về nhận thức, tăng cường thế chủ động, hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; giành thế chủ động trong quản lý phạm vi không gian mạng quốc gia, đạt được những lợi ích lâu dài cho đất nước như quản lý được dữ liệu mà đất nước tạo ra, bảo đảm an toàn cho các hệ thống trọng yếu, hình thành nền công nghiệp an ninh mạng chủ động, hạn chế sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đủ sức phòng thủ, phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, đáp trả các cuộc tấn công của các thế lực thù địch; đặt vấn đề an ninh mạng song hành với quá trình phát triển kinh tế xã hội, không cản trở sự phát triển kinh tế cũng không coi nhẹ vấn đề an ninh trong quá trình phát triển.

Để làm được điều này, chúng ta cần: Xác lập và thực thi đầy đủ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam trên không gian mạng; xác định rõ vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đảm bảo an ninh mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ không gian mạng quốc gia; tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh mạng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về an ninh mạng; quản lý chặt chẽ các dịch vụ trên không gian mạng quốc gia cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. 

Những vấn đề đặt ra ở trên cho thấy, việc ban hành và hoàn thiện hành lang pháp lý đủ mạnh để các cơ quan chức năng thực thi việc đảm bảo an ninh mạng cũng như yêu cầu các tổ chức, cá nhân tuân thủ những quy định này khi tham gia vào không gian mạng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng cần được thực hiện trên cơ sở đã có những đánh giá, nghiên cứu từ thực tiễn cũng như tiếp thu ý kiến của đại bộ phận dân chúng. Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ phản ánh tiếp về vấn đề này.

* Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2018. Luật gồm 7 chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt dộng bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân.

* Ngày 31-10, Ban soạn thảo đã đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. Đồng thời, gửi xin ý kiến đến 216 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước về 2 dự thảo là: Nghị định của  Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.


Cao Hồng (còn nữa)
.
.
.