Liên quan đến dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô:

600 hộ dân không an cư vì dự án... rùa bò

Thứ Năm, 27/11/2014, 08:27
Đại diện 600 hộ khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng có đơn kiến nghị gửi Báo CAND về việc, do nằm trong vùng quy hoạch công viên Tuổi trẻ nên 40 năm qua, các hộ luôn sống trong tình trạng thắc thỏm bởi đi chưa được, ở thì luôn trong tình cảnh “treo”.

Ì ch d án công viên dành cho tui tr

Tại buổi làm với đại diện UBND phường Thanh Nhàn ngày 24/11, chúng tôi được cung cấp bộ hồ sơ pháp lý phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Theo đó, ngày 13/4/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 442/QĐ-TTg về việc giao đất để tổ chức GPMB, chuẩn bị đầu tư xây dựng công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Quyết định này nêu rõ, thu hồi 262.776m2 đất tại phường Thanh Nhàn, giao Công ty Thương mại Đầu tư phát triển Hà Nội để thực hiện việc xây dựng công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Được biết, diện tích tự nhiên của phường Thanh Nhàn khoảng 600.000m2, thế nên diện tích đất phục vụ xây dựng công việc chiếm gần một nửa diện tích tự nhiên của phường. Tại thời điểm năm 2001, ước tính có khoảng 1.000 hộ dân nằm trong diện GPMB thu hồi đất để phục vụ dự án xây dựng công viên Tuổi trẻ. Còn đến nay, số lượng hộ dân có sự thay đổi ở mức độ nào thì chưa có số liệu điều tra chính xác.

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 7180/QĐ-UB ngày 29/11/2001 giao UBND quận Hai Bà Trưng chủ trì việc GPMB và hàng loạt các quyết định liên quan đến việc đầu tư, xây dựng công viên Tuổi trẻ. Hiện nay, nếu nhìn ở bề ngoài thì người dân đều nhận thấy, công viên Tuổi trẻ đã thành hình hài. Đặc biệt, tại cửa vào công viên ở đường Võ Thị Sáu còn có cổng trào rất lớn ghi rõ “Công viên Tuổi trẻ” và hiện tại, công viên này đã được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Thủy, cán bộ UBND phường Thanh Nhàn, chúng tôi được biết, việc GPMB theo quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ hiện nay vẫn đang thực hiện. Thời gian thực hiện theo kế hoạch của UBND quận Hai Bà Trưng. Lý giải việc công viên đã được đưa vào sử dụng, tại sao việc GPMB vẫn đang tiếp diễn, ông Thủy cho biết, do xây dựng ở dạng cuốn chiếu nên hoàn thành tới đâu, sử dụng tới đó. Được biết, việc GPMB thu hồi đất để xây dựng công viên đã được thực hiện tại đường Võ Thị Sáu với hơn 100 hộ dân, xóm Tiền Phong khoảng 200 hộ dân. Còn việc GPMB tại tổ 1B đối với 122 hộ dân đã thực hiện hơn hai năm tuy nhiên đến nay chưa hoàn thành.

Người dân phản ánh thông tin với PV Báo CAND.

122 hộ dân ở tổ 1B dù đã nằm trong kế hoạch GPMB, phương án GPMB cũng đã được triển khai, việc bố trí tái định cư cũng được sắp xếp cụ thể nhưng  đến nay chưa thể di dời. Thế nên, việc 600 hộ dân ở khu dân cư số 4 thấp thỏm vì không biết đến bao giờ, mình mới được an cư cũng là điều dễ hiểu(?!). Ông Nguyễn Hữu Căn, đại diện cử tri khu dân cư số 4 cho biết, từ năm 1970, khu vực ông sinh sống đã nằm trong vùng quy hoạch công viên Tuổi trẻ. Vì nằm trong quy hoạch nên người dân luôn sống trong tình trạng bất ổn, nhà cửa không được xây dựng kiên cố, không được tách hộ, không được cấp sổ đỏ, không được vay tiền ngân hàng (do không có sổ đỏ), tiền điện nước phải tính lũy tiến (do không được tách hộ)...

Sp nhà mi được xây dng nguyên trng

Ngày 24/11, có mặt tại khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn, chúng tôi nhìn thấy rất rõ bộ mặt kiến trúc đô thị ở đây rất... không đẹp. Đa số là nhà thấp nhỏ, lợp mái tôn và cá biệt cũng có những ngôi nhà tầng xây kiên cố. Lý giải điều này, bà Sinh, ngõ 281/275 đường Trần Khát Chân cho biết, diện tích đất của bà khoảng 17m2 nhưng có hình thù kỳ dị. Do lợp mái tôn, lại có hình thù không vuông vắn nên mái nhà dễ bị xô lệch, hay bị mưa dột. Mới đây, bà dỡ mái tôn để định đổ trần bê tông. Tuy nhiên, UBND phường phát hiện, ngăn cấm nên bà đành lợp lại mái tôn và chấp nhận ở trong ngôi nhà không kiên cố. Thế nhưng, kế bên hộ nhà bà là hộ ông Trần Quốc Hoàn cũng dỡ mái tôn, cũng bị phường yêu cầu dừng xây dựng nhưng hộ này vẫn tiếp tục xây lên tầng 3 và đổ trần kiên cố.

Cũng bởi nhu cầu nhà ở quá bức xúc nên một số hộ dân đã xây dựng, sửa chữa nhà trái phép. Theo thống kê của UBND phường Thanh Nhàn, tại khu dân cư số 4 có hai hộ xây dựng trái phép là hộ ông Trần Quốc Hoàn vừa nêu (diện tích thửa đất 15m2) và hộ bà Nguyễn Thị Hà. Hộ bà Hà sau khi dỡ mái tôn định đổ trần tầng 3 đã được UBND phường yêu cầu dừng thi công và đã được chấp hành. Với hộ ông Hoàn, UBND phường hiện đang vận động, thuyết phục tự tháo dỡ. Nếu chủ đầu tư không chấp hành, phường sẽ có biện pháp cứng rắn hơn.

Cũng tại khu dân cư số 4, chúng tôi đã đến hộ bà Nguyễn Thị Vinh. Hộ bà Vinh là 1 trong 2 hộ có nhà cấp 4 do mục nát nên bị sập và đã được UBND quận Hai Bà Trưng có văn bản đồng ý cho xây dựng lại nguyên trạng. Bà Vinh cho biết, gia đình bà có 9 nhân khẩu và sống cùng nhau trong căn nhà cấp 4 lợp bằng ngói đỏ đã 40 năm. Ngôi nhà ngày càng xuống cấp và sập mái. Trước tình cảnh này, bà có đơn gửi đến UBND phường. UBND phường Thanh Nhàn sau khi xác định hiện trạng ngôi nhà, xác định rõ nguồn gốc đất hợp pháp đã có văn bản đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng xem xét. Sau khi UBND quận Hai Bà Trưng có văn bản cho phép xây dựng lại nguyên trạng ngôi nhà. Được sự phê chuẩn này, bà Vinh đã tiến hành xây dựng và lợp mái tôn. Con trai bà Vinh cho biết, dù biết nằm trong vùng quy hoạch nhưng do nhu cầu về nhà ở, cả gia đình phải đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây sửa lại ngôi nhà, còn khi bị GPMB sẽ “tính tiếp”.

Ghi nhận tại khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn, chúng tôi thấy rất rõ bức xúc về nhà ở của người dân cũng như tâm trạng thấp thỏm vì nằm trong vùng quy hoạch công viên Tuổi trẻ. Tiếc rằng sự thấp thỏm ấy lại kéo dài nhiều năm nên một số người dân đã “xé rào”, vi phạm để xây, sửa cho mình ngôi nhà kiên cố hơn. Vấn đề người dân quan tâm hiện nay là, khu vực đang sinh sống “treo” đến bao giờ? Khi nào, dự án này thực hiện xong? Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa đến bạn đọc những thông tin liên quan đến dự án này trong những số báo tiếp theo.                

Cao Hồng
.
.
.