Sốc với giá dịch vụ cao 'ngất ngưởng' của 115 Hà Nội

Thứ Năm, 10/09/2015, 16:44
400 nghìn đồng là cái giá đã được người nhà bệnh nhân “mặc cả” hạ xuống cho một ca cấp cứu từ phố Nguyễn Du, Hà Nội tới Bệnh viện 198 (Bộ Công an).

Gọi xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, người bệnh không ngờ họ phải “mặc cả giá” khi được nhân viên đưa ra mức giá quá cao. Trong khi đó, giá trị thật của ca cấp cứu tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện với khoảng cách nhỏ hơn hoặc bằng 20km chỉ là 120.000đ theo Quyết định 30/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Bệnh nhân gọi cấp cứu phải trả mức giá cao

Phản ánh với Báo CAND, một bạn đọc là cán bộ cao cấp của một cơ quan Trung ương tại đường Nguyễn Du, Hà Nội cho biết, trưa 21/8, khi đang ở cơ quan làm việc, bệnh nhân có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, người quay cuồng và chỉ có thể nằm chứ không ngồi dậy được. Lo sợ tình trạng sức khỏe không tốt nên cơ quan đã gọi điện thoại cho Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. 15 phút sau, xe cấp cứu tới.

Bảng giá thu vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội.

Hai nữ nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 có mặt và thực hiện các động tác thăm khám ban đầu. Đo huyết áp của bệnh nhân là 160, đo thân nhiệt không sốt, bệnh nhân yêu cầu được đưa vào Bệnh viện 198 để điều trị. Nhân viên y tế chẩn đoán: để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh trên đường vận chuyển thì phải tiêm thuốc lợi tiểu, đây là biện pháp làm hạ huyết áp. Tuy nhiên, loại thuốc này ca cấp cứu không có, người nhà phải ra hiệu thuốc mua.

Sau khi uống thuốc, một số anh em trong cơ quan cùng với người nhà bệnh nhân đưa bệnh nhân từ tầng 5 xuống xe cấp cứu 115 và chuyển đến Bệnh viện 198. Sự việc có lẽ không có gì đáng nói nếu như sau khi vận chuyển bệnh nhân an toàn, nhân viên của kíp cấp cứu này không đưa ra cái giá cao đối với gia đình bệnh nhân. Với chiều dài khoảng 10km, nhưng nhân viên đưa ra mức giá: “Bên chị mà vận chuyển người bệnh từ các điểm trong ngoại thành đến Nhà hát Lớn là 400.000, còn xuống tận đây xa hơn thì tùy gia đình”...

Nhận thấy kíp cấp cứu hôm đó thu tiền vận chuyển với giá cao so với quy định, sau khi ra viện, bệnh nhân đã phản ánh sự việc trên đến Báo CAND.

Sẽ kiểm tra và xử lý ngay

Ngay sau khi nhận được thông tin từ bạn đọc, chiều 7/9, phóng viên Báo CAND đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Ông Bùi Thành Khẩn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Ngày 31/7/2014, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ban hành quy định điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội. Trung tâm thực hiện bảng giá theo quyết định của thành phố từ năm 2014, trên mỗi xe đều có treo bảng giá và số điện thoại đường dây nóng. Sau 1 năm thực hiện, đơn vị chưa nhận được phản hồi nào về giá. Chúng tôi tiếp nhận phản ánh của Báo và sẽ cho kiểm tra ngay, nếu xe cấp cứu của kíp đó thu sai, chúng tôi sẽ gặp gia đình bệnh nhân, chắc chắn phải trả lại tiền”.

Tại bảng giá dịch vụ kỹ thuật theo danh mục tại thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ban hành theo Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội mà ông Khẩn cung cấp cho chúng tôi thì phản ánh của bạn đọc hoàn toàn có lý. Khung giá thu vận chuyển cấp cứu khoảng cách quãng đường nhỏ hơn hoặc bằng 20km, mức thu là 80.000đ đối với cấp cứu tại chỗ để lại nhà không vận chuyển và thu 120.000đ đối với cấp cứu tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Ông Khẩn cũng cho biết: Một kíp cấp cứu bao giờ cũng gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 lái xe. Theo nguyên tắc, bao giờ thu phí, điều dưỡng cũng phải viết hóa đơn gồm có 3 liên, một liên giao cho bệnh nhân, một liên đưa về trung tâm và một liên giao cho cơ quan tài chính. Trao đổi với chúng tôi về danh mục những loại thuốc cấp cứu mà người bệnh được hưởng, ông Khẩn khẳng định: “Dù bệnh nhân cấp cứu phải dùng thuốc hay không dùng thuốc cũng chỉ trong gói giá đã quy định, bệnh nhân không phải trả ngoài. Thuốc kích thích đi tiểu có trong danh mục thuốc cấp cứu và bệnh nhân ở gói 120.000đ được sử dụng thuốc này”.

Ngay sau buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, chúng tôi đã gặp lại bạn đọc là bệnh nhân của ca cấp cứu trưa 21/8, bệnh nhân rất ngỡ ngàng trước thông tin này và cho biết: “Người thầy thuốc cần nhất phải có cái tâm “lương y phải như từ mẫu”, không được lợi dụng lúc bệnh nhân đang cấp cứu để mặc cả giá với gia đình họ”.

Chúng tôi đặt câu hỏi, liệu Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội có thường xuyên kiểm tra hay đã làm ngơ cho nhân viên ép giá người bệnh? Ông Khẩn trả lời không có chuyện làm ngơ mà lãnh đạo trung tâm thường xuyên nhắc nhở nhân viên các kíp xe, tuy nhiên cũng không thể quán xuyến được hết các xe.

Qua bài viết này, rất mong Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh y đức đến nhân viên để người bệnh mỗi khi phải gọi xe cấp cứu của trung tâm được hưởng theo đúng giá tiền mà thành phố đã quy định. Chúng tôi cũng cho đăng bảng giá thu vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội mà ông Khẩn cung cấp để người bệnh giám sát, theo dõi mỗi khi ốm đau phải gọi xe cấp cứu 115 – Hà Nội.

6 bệnh viện tại Thanh Hóa không trực “đường dây nóng”

Ngày 8/9, Sở Y tế Thanh Hoá cho biết đã kiểm tra đột xuất việc thực hiện trực “đường dây nóng” ở 37 bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Kết quả, chỉ có 31 bệnh viện có người trực đường dây nóng, 6/37 bệnh viện không có người trực hoặc thuê bao điện thoại không liên lạc được. Các bệnh viện không có người trực hoặc thuê bao điện thoại không liên lạc được gồm: Bệnh viện phổi Thanh Hóa, Bệnh viện đa khoa thị xã Sầm Sơn, Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Thủy, Bệnh viện đa khoa huyện Quan Hóa, Bệnh viện đa khoa huyện Triệu Sơn, Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Lộc.

Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đã phê bình nghiêm khắc giám đốc 6 bệnh viện trên; đồng thời yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, có hình thức xử lý theo quy định.

P.A.

Hương Hằng
.
.
.