110 hộ dân điêu đứng vì nổ mìn làm đường

Thứ Năm, 04/06/2015, 09:18
UBND huyện Duy Xuyên, Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan vừa tổ chức buổi đối thoại với 110 hộ dân ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, Duy Xuyên để công bố số tiền đền bù sau khi giám định thiệt hại do việc nổ mìn thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Thế nhưng, tại đây lần nữa nhiều người dân phản ứng đã rời bỏ hội trường nơi đối thoại…
Một nhà dân ở thôn Chiêm Sơn bị nứt nẻ tường do nổ mìn thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Chúng tôi về thôn Chiêm Sơn để tìm hiểu tình hình thực tế về vụ việc và đã nhận nhiều ý kiến phản ảnh, bức xúc của người dân. Theo phản ảnh, gần 1 năm nay, việc nổ mìn trong quá trình làm hầm, thuộc đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã gây nứt nhà của 110 hộ dân thôn Chiêm Sơn.

Trước tình trạng trên, người dân báo cáo với chính quyền địa phương để có hướng giải quyết. Sau đó, đơn vị thi công đã mời một công ty bảo hiểm tiến hành giám định hư hỏng từng nhà rồi lên danh sách hỗ trợ. Thế nhưng, giá cả đền bù, hộ cao nhất chưa tới 4,2 triệu đồng, còn hộ thấp nhất chỉ được 1.667 đồng, nghĩa là chỉ đủ để mua… nửa bó rau muống (?!). Thế là, người dân địa phương bực tức dẫn nhau chui vào hầm cản trở công nhân thi công tuyến đường này.

Bà Hồ Thị Khảo (56 tuổi) cho biết: “Nhà tui có hàng loạt vết nứt rộng, kéo dài chạy dọc khắp nhà, nhưng giám định ghi trong hồ sơ chỉ có hỗ trợ 577.000 đồng sửa chữa. Tất cả do nổ mìn gây ra, thế mà họ làm rứa răng chịu được”.

Còn ông Lưu Ba bực tức ra mặt: “Ngôi nhà của tui xây cách đây 2 năm, khi công nhân nổ mìn làm đường hầm thì nhà bị nứt. Tui phản ánh, họ về đo đạc rồi đưa ra số tiền khắc phục là 30.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế họ chỉ hỗ trợ chưa đến 2.000 đồng, vì cho rằng các vết nứt này có từ trước. Thi công làm nứt nhà dân, đền bù đủ mua nửa bó rau muống là cớ làm sao?”... Rất nhiều ý kiến khác cũng phản ánh tương tự. 

Không chỉ có nhà mà người dân còn phản ánh, cả miếu thờ của xóm được xây dựng năm ngoái mới hoàn thành được vài tháng cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt, có cột trụ bằng bê tông bị nứt ngang khiến người dân trong xóm lo sợ sẽ bị đổ sập bất cứ lúc nào. Thế nhưng trong hồ sơ dự toán cũng chỉ hỗ trợ 79.000 đồng cho việc sửa chữa…

Sau khi bị người dân phản ứng, các đơn vị liên quan đã vào đường hầm để vận động bà con về nhà, đồng thời đưa ra một bản danh sách dự toán cho việc hỗ trợ mới. Theo đó, số tiền hỗ trợ cho 110 hộ dân được tăng lên hơn 400 triệu đồng. Trường hợp ông Lưu Ba, thay vì được nhận chưa đến 2.000 đồng sẽ tăng lên 179.000 đồng. Các đơn vị này còn hứa sẽ cho thêm 500.000 đồng đối với những hộ được hỗ trợ ít. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục phản ứng.

Ông Lê Mốt (41 tuổi) cho rằng: “Tại sao chưa giám định lại mà đã đưa ra con số mới này, trước đây dự kiến tui được nhận gần 800.000 đồng nay tăng lên hơn 2 triệu đồng. Nhưng cũng có một số hộ lại tăng từ 500.000 đồng lên 3 triệu là không công bằng, không có cơ sở”. 

Khi giải thích về lý do một số hộ dân chỉ được dự tính đền bù với số tiền quá ít, đại điện phía công ty bảo hiểm cho biết, khi nhận hợp đồng bảo hiểm vật chất, công ty đều thuê một đơn vị giám định độc lập đi đo đạc mức độ thiệt hại và áp theo khung quy định để tính toán số tiền bồi thường. Công ty thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư rồi sau đó gửi bản dự toán để họ cung cấp cho dân chứ không trực tiếp làm việc với người dân. 

Còn Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị chủ đầu tư cho hay, đã yêu cầu các đơn vị thi công phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám định, tính toán lại để đền bù thiệt hại cho các hộ dân và tạo điều kiện cho các công nhân làm việc trở lại.

Ngày 30/5, UBND huyện Duy Xuyên, Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức buổi đối thoại với 110 hộ dân. Tại đây, đại diện đơn vị thi công đã tỏ lời xin lỗi người dân về số tiền đền bù đưa ra trước đó và công bố mức bồi thường mới. Theo đó, 110 hộ dân lần này sẽ nhận số tiền hơn 600 triệu đồng. Hộ ông Lưu Ba từ 1.667 đồng tăng lên 2,4 triệu đồng. Miếu thờ của xóm dự kiến đền bù 79.000 đồng, nay cũng tăng lên hơn 10 triệu đồng. Thế nhưng các hộ dân vẫn không đồng tình và cho rằng, việc chỉ giám định hư hỏng bên ngoài mà không tính đến thiệt hại về kết cấu bên trong là chưa thoả đáng. 

Người dân còn phản ứng, việc đền bù chưa nhận được sự đồng tình, nhưng huyện Duy Xuyên thông báo sẽ cho phép đơn vị thi công nổ mìn làm hầm trở lại, họ đã bỏ ra khỏi hội trường, đồng thời dọa sẽ lại kéo vào đường hầm để cản trở thi công. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư tiếp tục đàm phán với người dân thôn Chiêm Sơn để đảm bảo người dân bị thiệt hại nhà cửa do nổ mìn thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được đền bù thỏa đáng. 

Thành Nhân
.
.
.