10 năm không hoàn thành khu tái định cư, dân sống khổ sở từng ngày

Thứ Ba, 07/07/2020, 17:16
Nguồn vốn tái định cư đã sử dụng gần hết nhưng sau hơn 10 năm, huyện Đak Hà, Kon Tum vẫn chưa hoàn thành tái định cư cho người dân.

Chấp nhận mất nhà, mất đất sản xuất để nhường chỗ cho công trình thủy điện nhưng đến nay, hơn 100 hộ dân vẫn đang phải sống trong cảnh lay lắc, tạm bợ.

Năm 2009, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án "Quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đak Hring" (nay là xã Đak Long, huyện Đak Hà) để thực hiện tái định cư 126 hộ dân với 679 nhân khẩu bị ảnh hưởng khi xây dựng Thủy điện PleiKrông. Thời gian triển khai dự án từ năm 2009-2015, tổng kinh phí thực hiện gần 150 tỷ đồng do UBND huyện Đak Hà làm chủ đầu tư.

Những căn nhà nhiều “không” ở khu tái định cư.

Sau hơn 10 năm kể từ ngày phê duyệt, dự án bố trí dân cư này mới chỉ có một nửa số hộ nằm trong diện quy hoạch về nơi ở mới, còn lại hàng chục hộ dân vẫn cố gắng bám trụ ở vùng đất cũ. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do cuộc sống ở nơi tái định cư không đảm bảo các điều kiện thiết yếu như đất sản xuất, nước sinh hoạt…nên người dân không mặn mà và đang tìm cách quay về nơi ở cũ trước đây.

Ghi nhận của chúng tôi tại điểm tái định cư thôn Pa Cheng (xã Đak Long) thì hiện có hàng chục ngôi nhà được xây dựng dang dở. Phần lớn các ngôi nhà này chỉ xây đơn giản, không có cửa, không sân, không có cây xanh. Nhìn từ xa, những căn nhà này không khác gì những căn chòi tạm bợ. Tuy nhiên, ở đây còn tệ hơn là không có cửa chắn ở các lối ra vào. Ngoài ra, giếng được xây dựng xong nhưng không có nước, cỏ dại mọc um tùm xung quanh.

Người dân phải dùng cây chắn tạm ở cửa ra vào nhà.

Chị Y Tuyền (SN 1990) cho biết: Đất sản xuất của gia đình mình nằm trong vùng ngập thủy điện nên gia đình phải chuyển đến ở đây từ tháng 8/2019. Khi về khu tái định cư, nhà nước hỗ trợ 28 triệu đồng để xây nhà nhưng không đủ nên mình phải mượn thêm tiền để làm nhà. Đến nay mình vẫn chưa trả hết số tiền mượn này.

“Bà con ở làng cũ không ai muốn chuyển lên đây vì giếng không có đủ nước sử dụng, đào thêm xuống thì toàn gặp đá. Gia đình phải xuống suối lấy thêm nước về để sử dụng”, chị Y Tuyền nói.

Tương tự, bà Y Ban (SN 1960) than thở: Lên đây buồn lắm, chỉ có vài nhà thôi. Đất sản xuất cũng thiếu, gia đình chỉ được cấp 40 triệu đồng xây nhà và 500 cây cà phê trồng trên 0,5ha đất cằn cỗi. Trước ở làng cũ, nhà mình có 2ha đất để canh tác, gia đình còn có nguồn thu. Từ khi lên đây, đất canh tác thiếu thốn, gia đình không có thu nhập ổn định.

Theo kế hoạch triển khai bố trí khu dân cư thuộc dự án, người dân sẽ được cấp đất sản xuất, đất nhà ở, đất canh tác cùng tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, điều kì lạ là diện tích đất cấp và số tiền hỗ trợ cho người dân lại giảm dần theo thời gian thực hiện dự án.

Cụ thể, giai đoạn 2009-2010, chính quyền địa phương sẽ di dời 52 hộ dân về ở tại khu tái định cư do nhà nước bố trí. Tại đây, mỗi hộ được cấp 0,6ha đất canh tác và 400m2 đất ở. Ngoài ra, mỗi hộ dân khi về nơi ở mới còn được hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà, 1 triệu đồng chi phí vận chuyển.

Giai đoạn từ năm 2011-2015, chính quyền địa phương sẽ di dời 74 hộ dân về ở tại khu tái định cư. Tại đây, mỗi hộ được cấp 0,5ha đất canh tác và 400m2 đất ở. Đồng thời, mỗi hộ dân chuyển đến khu tái định cư sẽ được hỗ trợ tiền xây nhà và chi phí vận chuyển là 32 triệu đồng.

Giếng nước, bồn chứa đã được xây dựng nhưng người dân luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Theo báo cáo của UBND huyện Đak Hà, đến nay, số vốn đã được bố trí cho dự án là gần 133 tỷ đồng; 126 hộ được nhận đất với diện tích là 78,55ha. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có chỉ 67 hộ chuyển lên khu tái định cư, còn lại 59 hộ dân khác chưa đến ở. Do đó, huyện Đak Hà đã đề nghị bố trí thêm hơn 16 tỷ đồng để có vốn tiếp tục triển khai dự án.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND xã Đak Long, huyện Đak Hà xác nhận địa phương vẫn chưa được bàn giao lại khu tái định cư này để quản lý. Nguyên nhân có thể là vẫn còn 59 hộ chưa đến ở tại khu tái định cư.

Ông Ka Ba Thành, Phó Bí thư phụ trách Huyện ủy Đak Hà đánh giá: Nguyên nhân khiến người dân chưa chuyển đến khu tái định cư là do đất sản xuất chưa bảo đảm. Ngoài ra, cũng có 1 phần nguyên nhân do việc thiếu nước sinh hoạt. Huyện đang yêu cầu các phòng ban chuyên môn rà soát quỹ đất để hỗ trợ sản xuất cho người dân. Về việc người dân phản ánh tiền hỗ trợ ít không đủ xây nhà, huyện sẽ rà soát và nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh.

Cũng theo ông Ka Ba Thành, đối với những hộ dân đã về khu tái định cư, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các điều kiện để người dân ổn định cuộc sống. Những hộ dân chưa chuyển đến, địa phương sẽ tiếp tục vận động để người đến sinh sống tại khu tái định cư.

Chí Hào
.
.
.