Vụ tai nạn làm chết 6 người không bị "chìm xuồng"

Thứ Năm, 24/01/2013, 09:21
Đó là khẳng định của lãnh đạo Văn phòng cơ quan CSĐT (PC44) Công an TP Cần Thơ tại buổi làm việc với PV Báo CAND sáng 22/1. Trước đó, trao đổi qua điện thoại với PV, Đại tá Phan Minh Tấn - Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết ông vừa có ý kiến chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, khẩn trương làm rõ để sớm kết thúc vụ việc từng gây bức xúc trong dư luận.
>> Cần Thơ: Tai nạn lao động, 3 người chết, 2 người bị thương

PV Báo CAND cũng đã tìm được nguyên nhân khá bất ngờ khiến vụ việc bị kéo dài, ít nhiều gây hiểu nhầm trong dư luận, ảnh hưởng đến một số cơ quan bảo vệ pháp luật tại Cần Thơ.

Vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng Khách sạn Vạn Phát Cồn Khương làm 4 người chết: Đã khởi tố 2 bị can!

Vụ TNLĐ xảy ra vào lúc 7h15' ngày 3/10/2011. Khi đó, một công nhân của công trình điều khiển máy vận thăng chuyển 232 viên gạch ống (nặng khoảng 250kg) từ dưới đất lên tầng 8 thì có 5 công nhân xin đi nhờ. Khi lên được khoảng 17mét thì dây cáp kéo khung giá đỡ của máy vận thăng bị đứt làm gạch và 5 công nhân rơi tự do xuống đất. Các công nhân: Nguyễn Văn Nhung (SN 1968), Nguyễn Hoàng Thái (SN 1976), Nguyễn Văn Mít (SN 1976) và Huỳnh Văn Sáu (SN 1971) tử vong; một công nhân khác bị trọng thương.

Hiện trường vụ TNLĐ tại công trình xây dựng khách sạn Vạn Phát làm 4 công nhân chết tại chỗ.

Theo cơ quan CSĐT, công trình xây dựng khách sạn Vạn Phát do ông Nguyễn Văn On (SN 1960, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) làm chủ đầu tư; Công ty CP XDTM Minh Vy (Cần Thơ) đảm trách thi công; Công ty TNHH MTV XDTMDV Tài Nhân (Cần Thơ) giám sát. Để thuận lợi trong quá trình xây dựng, ông Trần Hoàng Thám - Giám đốc Công ty Minh Vy, đặt làm một thang máy vận thăng cao 30m nhưng thang máy này không qua đăng ký, đăng kiểm với cơ quan quản lý nhà nước. Khi đưa vào sử dụng, ông Thám không đưa ra nội quy sử dụng, không phân công người điều khiển chuyên trách. Từng có người phát hiện, báo dây cáp bị rỉ sét, tua đứt nhiều chỗ nhưng ông Thám vẫn tiếp tục cho sử dụng tới ngày xảy ra tai nạn.

Người trực tiếp giám sát công trình là kỹ sư Nguyễn Trọng Hiếu giấy chứng chỉ hành nghề đã hết; phát hiện việc ông Thám đưa máy vận thăng lụi vào công trường nhưng vẫn làm ngơ…

Cơ quan CSĐT cho rằng vụ TNLĐ trên có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và đến nay đã ký quyết định khởi tố bị can đối với ông Thám và Hiếu. Vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra.

Vụ hai mẹ con chết thảm vì bị cọc ngã đè: Sông huyết mạch, dài 19 km nhưng không ai quản lý (!)

Dư luận Cần Thơ vẫn còn nhớ vụ việc xảy ra vào tối 15/5/2011. Khi đó, ghe chở gạch ống 14 tấn của vợ chồng anh Dương Đắc Thắng chạy từ hướng Bình Thủy về cầu Rạch Cam, đến đoạn Khu vực 6, phường Bình Thủy (gần cầu Bình Thủy 2) thì bất ngờ bị một trụ bê tông cốt thép (tiết diện vuông 45x45cm, dài 46,5m) ở giữa sông gãy đôi đè chìm ghe. Anh Thắng may mắn lội được vào bờ; còn vợ (chị Hạnh) và con gái (bé Diễm Hằng, SN 2002) mất tích, sau đó lực lượng cứu hộ vớt được xác.

Ban đầu, vụ việc được Công an quận Bình Thủy thụ lý; sau đó được chuyển đến PC44 Công an TP Cần Thơ tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. Qua điều tra được biết, khi khởi công cầu Bình Thủy 2, vào 17/11/2005, đơn vị thi công - Công ty CP XDCTGT 586 (do ông Võ Ngọc Châu đại diện theo pháp luật) đã cắm cọc bê tông trên để thử tải. Sau đó cầu Bình Thủy 2 dịch chuyển thi công về vị trí mới cách nơi xảy ra tai nạn 150m, nhưng cả chủ đầu tư (Ban QLDAĐTXD thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ do ông Trịnh Ngọc Vĩnh làm Trưởng ban) và đơn vị thi công kể trên không nhổ cây cọc này. Tại vị trí đóng cọc, chính quyền và ngành chức năng cho biết hoàn toàn không có biển báo hiệu cũng như đèn tín hiệu từ năm 2005 cho đến khi xảy ra tai nạn.

Căn cứ vào tài liệu và chứng cứ thu thập ban đầu, Công an Bình Thủy đã khởi tố vụ án cản trở giao thông đường thủy. Qua điều tra xác định, năm 2008, giữa chủ đầu tư với Công ty 586 thanh lý hợp đồng nhưng không đề cập gì đến trụ bê tông giữa sông. Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng có nhiều lần nhắc nhở (miệng) đơn vị thi công phải thanh thải trụ bê tông nói trên nhưng đơn vị này không thực hiện vì cho rằng chưa ký hợp đồng thanh thải. Trong khi đó, phía Công ty 586 lại đổ rằng khi đã thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư xong thì trụ bê tông đó là của chủ đầu tư. 

Chưa xác định được ai phải chịu trách nhiệm hình sự, trong khi quá trình điều tra không thể kéo dài thêm được nữa nên Công an Bình Thủy quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Sau đó, toàn bộ hồ sơ vụ án được chuyển về PC44 và nơi đây đã quyết định phục hồi điều tra vụ án.

Sau khi nhận được công văn xin ý kiến từ PC44, cuối tháng 9/2012, Đại tá Lê Đình Nhường - Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản phúc đáp nêu rõ: Hành vi gây ra chướng ngại nhưng không lắp đặt và duy trì bảng báo hiệu, không thanh thải vật chướng ngại đã vi phạm các qui định tại điều 12, 13, 20 của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ) dẫn tới hậu quả chết người có dấu hiệu tội cản trở giao thông đường thủy (Điều 212 BLHS). Còn hành vi không kiểm tra, xử lý vi phạm, không thanh thải vật chướng ngại đã vi phạm điều 15, 20, 100 Luật GTĐTNĐ dẫn đến hậu quả chết người có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS). Theo văn bản trả lời số 2941 ngày 21-12-2011 của Sở GTVT, đơn vị quản lý đường sông nơi xảy ra tai nạn là UBND quận Bình Thủy (!).

Trong khi đó, ngày 28/11/2012, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy có công văn khẳng định với PC44 rằng tuyến sông Bình Thủy không thuộc thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình nên UBND quận Bình Thủy không có thẩm quyền giao cho đơn vị nào quản lý tuyến.

Chiều 22/1, một lãnh đạo Công an TP Cần Thơ cho biết vừa có văn bản "xin ý kiến cấp trên" quanh một số vướng mắc liên quan đến vụ án này.

Báo CAND sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến của cả hai vụ án trên

Binh Huyền
.
.
.