Vẫn “nóng” bài học về lòng tham

Thứ Tư, 07/08/2013, 11:19
Ngày 4/8, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, vụ vay nợ của vợ chồng Nguyễn Văn Trung và Tô Bích Liên ở phố Bà Triệu, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn đã được chuyển đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh (Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - PC46) để điều tra theo thẩm quyền. Đến thời điểm hiện tại đã có 19 bị hại trình báo với tổng số tiền tố cáo bị vợ chồng Trung - Liên chiếm đoạt là 309 tỷ đồng.
>> Tiếp tục làm rõ vụ vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng ở Lạng Sơn

Một điều khá bất ngờ là bà Nguyễn Thị L., người từng tố cáo cho vợ chồng Trung - Liên vay 128 tỷ đồng sau đó rút đơn tố cáo hiện đã đóng cửa, không có ở địa phương. Được biết, ngoài số tiền tự có của gia đình, bà L. còn là người đứng ra thu gom tiền của nhiều cá nhân khác sau đó cho Trung - Liên vay lại.

Vay hàng trăm tỷ dễ dàng, vì sao?

Cho đến thời điểm này, khi có thời gian ngồi nghĩ lại, những chủ nợ của vợ chồng Trung - Liên vẫn chưa thể hiểu cặp vợ chồng này đã làm gì với số tiền hơn 300 tỷ đồng chiếm đoạt được. Nhiều người cũng không thể lý giải nổi vì sao mình lại có thể dễ dàng cho cặp vợ chồng này vay tiền tỷ quá đơn giản như vậy bởi tất cả mọi thế chấp chỉ là một tờ giấy viết tay. Tất cả họ đang trông ngóng từng ngày thông tin từ cơ quan điều tra xem sẽ xử lý cặp vợ chồng này thế nào.

Trong thâm tâm, dù họ không muốn nghĩ tới kết cục xấu nhất nhưng ai cũng thầm hiểu, chắc chắn số tiền họ đã bỏ ra khó có thể thu lại được, nếu không muốn nói là mất trắng. Rõ ràng, không ai muốn bỏ tiền ra để rồi không thể đòi lại, dù cho đó là tiền mình dễ dàng kiếm được hay là mồ hôi nước mắt. Vậy, tại sao họ lại dễ dàng cho cặp vợ chồng này vay tiền tỷ như vậy.

Được biết, vợ chồng Trung - Liên không có nghề nghiệp gì nhưng luôn thể hiện rất “hoành tráng” từ mua sắm xe hạng sang đến dùng đồ hàng hiệu đắt tiền. Không chỉ thế, cặp vợ chồng này thường tổ chức những bữa tiệc xa xỉ, mời một số cán bộ ngân hàng tham dự, tỏ ra rất thân thiết.

Ngoài ra, cặp đôi này còn cực kỳ “thoáng” trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là tại phố Bà Triệu - nơi vợ chồng này sinh sống, sẵn sàng biếu tiền, quà cho bất cứ ai khó khăn. Các chủ nợ cũng được chăm sóc chu đáo từ việc trả lãi đúng hạn, còn cho quà họ hậu hĩnh. Thậm chí, để đánh vào lòng tham của chủ nợ, chúng còn trả lãi trước, “cắt” lại cả trăm triệu cho mỗi 1 tỷ đồng.

Có những lúc, chúng chở hàng bao tải tiền trên xe tải 3,5 tấn đi, về từ nhà đến ngân hàng khiến mọi người “choáng”, không đánh giá được vì sao vợ chồng này kiếm đâu nhiều tiền như vậy. Tết đến, ngoài việc biếu quà, vợ chồng Trung - Liên còn biếu chủ nợ cả xấp tiền mới cứng để mừng tuổi.

Chính sự  hào nhoáng bề ngoài trên đã đánh vào lòng tin của những người xung quanh. Vì thế, khi đưa ra lãi suất quá hấp dẫn từ 6 - 9% tháng (gấp khoảng 10 lần lãi suất ngân hàng), thậm chí là lãi ngày từ 3.000 - 5.000đ/triệu/ngày (khoảng từ 9 đến 15%/tháng) càng khiến các chủ nợ lên cơn “sốt”. Họ sẵn sàng dốc sạch tài sản, cho dù đó là tiền để mua nhà, trả nợ, thậm chí là chữa bệnh hay nuôi con ăn học để cho vợ chồng này vay. 

Điều đó chứng tỏ, lòng tham đã khiến các chủ nợ sập bẫy, họ đã không tính được với lãi suất “cắt cổ” như vậy, thì vợ chồng này sẽ kinh doanh gì để có thể trả lại. Trong khi đó, với chiêu trò lãi suất cao, Trung - Liên dùng tiền để ăn chơi hoang phí, dùng tiền của người sau trả cho người trước.

Cho đến khi không thể vay được nữa thì lạnh lùng tuyên bố vỡ nợ. Hiện tại, trong khi chờ cơ quan chức năng điều tra, xác minh, cặp đôi này vẫn hết sức bình tĩnh, xin ở lại cơ quan điều tra để tránh sự truy sát của con nợ, đồng thời vẫn nhắn tin ra ngoài trấn an chủ nợ, đề nghị họ rút đơn để có cơ hội về trả nợ(?).

Ngôi nhà xập xệ của vợ chồng Trung- Liên và giấy vay nợ do Tô Bích Liên viết.

Cần bịt kẽ hở của luật pháp

Đặc biệt, trong khoảng 2 - 3 năm gần đây, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thì hàng loạt vụ vỡ nợ “khủng” đã xảy ra hầu khắp các tỉnh, thành, từ Nam, chí Bắc. Vụ nhẹ nhất cũng vài tỷ đồng, nhiều lên đến hàng trăm tỷ, nghìn tỷ. Có những chủ nợ, sau khi con nợ đi tù đã không chịu nổi áp lực, nỗi đau phải tìm đến cái chết tức tưởi nhưng nhiều người vẫn chưa hề tỉnh ngộ, vẫn tiếp tục cho vay với mong muốn “ngồi mát, ăn bát vàng”, được hưởng lãi suất cao.

Nhiều người đổ lỗi cho thiếu hiểu biết pháp luật, nhưng trong số đó có cả những công chức, thậm chí có nhiều người làm ở cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng cũng không thể ngăn nổi lòng tham của mình. Cho đến khi sự việc vỡ lở, mới than thân, trách phận đã quá nhẹ dạ, tin người. Còn các con nợ, sau khi đã chiếm đoạt được tiền, có kẻ vào tù trả giá nhưng có kẻ vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật bởi tội danh cho hành vi này còn nhiều sơ hở.

Theo các điều tra viên thì khi thụ lý, giải quyết các vụ vay nợ "tín dụng đen", các cơ quan thi hành pháp luật phải chứng minh được "ý thức chiếm đoạt" của người phạm tội. Trong khi đó, ngay khái niệm này của các cơ quan thi hành pháp luật cũng có quan điểm khác nhau.

Trước hết, cơ quan Công an phải xác định được người vi phạm có ý định trả nợ hay không. Tiếp đó, còn phải chứng minh rằng, việc vay tiền trong hợp đồng và sử dụng thực tế tài sản vay có hợp pháp hay không; họ có khả năng thanh toán được nợ nần hay không? 

Đại tá Lê Văn Nghiêm, Trưởng Công an TP Thanh Hóa cho biết, thực tế cho thấy, để trốn tránh, con nợ có hàng trăm cách lách luật… khi cơ quan điều tra ráo riết xác minh thì người vay quay về, họ trả nợ nhỏ giọt người cho vay tiền để họ không làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an nên không xử lí được.

Việc định tội danh cho hành vi trên cũng gây nhiều tranh cãi, bởi nếu “quy” vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì phải chứng minh được hành vi vay, mượn rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Tuy nhiên, trường hợp “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn cụ thể. Trong thực tiễn, một người sau khi vay, mượn, thuê tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn, nhưng để chứng minh họ có bỏ trốn, nhằm chiếm đoạt tài sản hay không cũng có nhiều quan điểm khác nhau.

Công an TP Hạ Long đấu tranh với Nguyễn Văn Trung.

Trong khi đó, thực tế đã chứng minh, không phải tất cả mọi trường hợp bỏ trốn đều có ý thức chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, có con nợ, trước khi trốn còn ủy quyền cho người thân trả nợ hoặc viết thư gửi chủ nợ hứa sẽ trả lại tiền khi có điều kiện. Chính vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí, nếu xử lý sẽ bị quy kết là “Hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”. Còn nếu xử lí theo tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (có khung hình phạt nặng hơn) thì phải chứng minh được ý thức chủ quan về hành vi gian dối của con nợ. Để làm được điều này, càng khó hơn bội phần.

Trở lại vụ vỡ nợ hơn 300 tỷ đồng tại Lạng Sơn, hiện tại, Công an Lạng Sơn đang phối hợp với các cơ quan chức năng chứng minh hành vi gian dối của đối tượng để xử lí theo pháp luật. Rất có thể cặp vợ chồng trên bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bởi khi vay tiền, đã ý thức rõ được mục đích không phải để đáo nợ ngân hàng, mà dùng để trả nợ cho người vay trước hoặc mua sắm tài sản, ăn chơi phung phí.

Hy vọng, vụ vỡ nợ này là tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng cho những người tham lợi nhuận mà đánh mất đi tài sản của chính mình và người thân

Thu Anh
.
.
.