Chính phủ quy định một số điều về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài:

UBND tỉnh thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài

Thứ Hai, 01/04/2013, 08:53
Theo Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài.

Ngày 28/3/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trong đó khẳng định: Nghiêm cấm việc lợi dụng kết hôn, nhận cha, mẹ, con nhằm mục đích mua, bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.

Nghị định này quy định về kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam; nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau ít nhất một bên thường trú ở Việt Nam… Nghị định này chính thức có hiệu lực từ 15/5/2013.

Thẩm quyền đăng ký kết hôn: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài. Trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có giấy tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc đăng ký kết hôn. Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn. Nếu cả hai bên không đăng ký thường trú tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn. Cơ quan đại diện thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài nếu việc đăng ký đó không trái với pháp luật của nước sở tại. Trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài kết hôn với nhau thì Cơ quan đại diện thực hiện đăng ký kết hôn.

Điều kiện đăng ký nhận cha, mẹ, con: Việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam chỉ được thực hiện nếu bên nhận và bên được nhận còn sống vào thời điểm nhận hồ sơ. Việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp về việc nhận cha, mẹ, con. Trường hợp người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của người đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Nếu con chưa đủ từ 9 tuổi trở lên thì việc nhận cha, mẹ, con phải có sự đồng ý của người con đó. Trường hợp con chưa thành niên nhận cha thì mẹ làm thủ tục nhận cha cho con, nhận mẹ thì cha làm thủ tục nhận mẹ cho con. Trường hợp con chưa thành niên nhận cha mà người mẹ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc nhận mẹ mà người cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ làm thủ tục nhận cha hoặc nhận mẹ cho con. Trường hợp con đã thành niên nhận cha không phải có sự đồng ý của mẹ, nhận mẹ không phải có sự đồng ý của cha

Nguyễn Hưng
.
.
.