Tự tình của kiều nữ giang hồ

Thứ Sáu, 08/01/2010, 10:20
Tay chi chít những vết sẹo do phê thuốc dùng dao rạch để gia tăng cảm giác phê, môi thâm đen và răng úa vàng kết quả của những năm tháng trường kỳ với khói thuốc và các chất đê mê chết người. Vẻ bề ngoài đã phần nào nói lên chiến tích bất hảo của 2 kiều nữ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa ở Bình Dương (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP HCM).
>> Mốt xăm mình của kiều nữ trại nghiện

Bước trượt dài của đóa hoa lầm lạc

Mới tuổi 19 mà Nguyễn Hoàng M. tâm tình có thâm niên xả láng sáng về sớm gần chục năm. M. bắt đầu câu chuyện đời mình bằng nỗi niềm day dứt: "Nhà em nằm sâu trong con hẻm ở phường Vĩnh Quang, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang. Từ nhỏ do gia đình khổ quá nên em phải bỏ học phụ má bán vé số kiếm cơm kiếm gạo sống qua ngày. Những năm tháng sống nơi đầu đường xó chợ với đủ thứ thói xấu dần làm em hư. 10 tuổi em gia nhập nhóm bạn nhặt ve chai, bán vé số, phụ bán quán nước… có lối sống "nghèo nhưng đua đòi như em".

Nhỉnh tuổi 13 thì em rành sáu câu cái vụ say xỉn, đập phá. Riêng thuốc lá thì em hút đến vàng răng. Em bỏ nhà đi bụi từ năm 15 tuổi. Do trời cho cơ thể mập mạp, đầy đặn hơn mấy đứa cùng tuổi nên em được nhiều anh để ý, nhiều chủ quán cà phê kêu vào giúp việc. Làm được một thời gian thì em được hai vợ chồng anh chị ở gần nhà kinh doanh quán cà phê ở Sài Gòn về tuyển với hứa hẹn "Lên đó làm sướng lắm, thu nhập cao, đẹp cỡ em tiền xài không hết".

Đặt chân lên đất Sài thành, sau vài ngày bưng bê thì M. được chủ quán đề nghị ngồi bàn để có thu nhập cao hơn: "Em ngồi với đủ loại khách, từ mấy anh thanh niên, những người có vợ đến mấy ông già đáng tuổi cha, có khi đáng tuổi ông nội em. Ngồi thì mấy ổng hỏi chuyện, rồi mấy ổng ôm hôn, sờ mó. Cứ mỗi lần ngồi như vậy em được boa ít nhất năm chục (50.000 đồng)…".

Bán cà phê mà thực chất là bán thân xác được gần năm trời thì M. bỏ việc. Cô kể chuyện: "Em nghỉ vì bức xức vợ chồng chủ quán o ép quá. Có bận em đóng tiền góp (100.000 đồng) cho anh chồng nhưng anh ta không đưa cho vợ, rồi hai vợ chồng quay ra bảo em chưa đóng, nói em nhớ nhầm, nói em gian. Tức quá nên em trốn khỏi chỗ làm, đi lang thang thì bị bắt và được đưa vào trung tâm vào đầu tháng 12/2009".

M. thất vọng khi không liên lạc được với bạn trai.

Khi chúng tôi hỏi M. có yêu cầu giúp đỡ gì không thì kiều nữ ngã ngựa chỉ xin một điếu thuốc và một cuộc điện thoại để "em gọi cho bạn trai, ảnh làm công nhân ở Kiên Giang, ảnh thương em lắm, ba má em từ em rồi, giờ chỉ có ảnh mới bảo lãnh em ra được thôi". Chúng tôi bấm số rồi đưa máy cho M., nhưng đầu dây bên kia báo tín hiệu "thuê bao không liên lạc được". M. cười buồn: "Hồi em quyết định lên Sài Gòn, ảnh khuyên ở lại Kiên Giang, cố gắng làm sẽ ổn nhưng em dứt dạc bỏ đi. Chắc ảnh hận ảnh thay số mới rồi".

Nhuốm bùn đen vì không chiến thắng được nỗi buồn

Ở cùng trung tâm và là hay tâm sự với M. là Nguyễn Thị Mỹ H. Ở tuổi 31, tuy đã nếm trải những vết bùn nhơ của cuộc đời nhưng trông H. vẫn còn chút son sắt dù khuôn mặt đầy sẹo và lắm chỗ sạm đen.

H. liên tục khóc khi kể về hành trình lầm lạc của mình.

H. mở đầu câu chuyện đời mình bằng dòng nước mắt: "Em quê gốc ở Hoài Ân, Bình Định. Năm 6 tuổi, ba lấy vợ mới, má có chồng sau, ai cũng lo cho gia đình của mình nên em bị bỏ rơi, em theo một người cùng xóm lưu lạc vào TP HCM tự kiếm sống bằng đủ thứ nghề như phụ bán hủ tiếu, bán vé số, làm người ở, phụ việc bưng bê cho các hàng quán. Rồi em lấy chồng, sinh con. Ông xã em SN 1976, ảnh bị xe đụng chết vào năm 2002, lúc trên đường đi làm hồ về. Sau ngày ảnh mất, em sống như chết, em tự đày đọa bản thân và dính bùn đen từ đó". 

Như M., H. chìa đôi cánh tay chi chít những vết thâm, vết sẹo hết lên da non rồi lại rướm máu, vết tích của những năm tháng sống lầy, rồi thở dài: "Lúc ảnh qua đời, em như mất hết tất cả nên nhấn đời vào bia rượu, thuốc lá. Em châm thuốc, em rạch tay phần vì muốn gia tăng cảm giác, phần muốn chết cho rồi… Nhưng chết đâu không thấy, chỉ thấy mình mỗi ngày một tàn tạ hơn. Rồi em bỏ nhà sống lang bạt lấy đường phố làm nhà, lấy vỉa hè làm giường. Tối 28/12/2008, lúc đang vạ vật ở khu vực công viên 23-9, em bị mấy anh dân phòng hốt đưa vào đây. Do không có giấy tờ, không người bảo lãnh nên em đành phải neo đời ở chốn này".

- Sao không gọi phía gia đình chồng đến đưa về?

- Còn mặt mũi nào mà gọi nữa! Ngày em sống lầy rồi bỏ nhà ra đi, mọi người khuyên nhưng em mặc tất cả. Em bỏ mặc cả đứa con gái năm nay được 10 tuổi lúc cháu mới biết đi. Vả lại em sợ con gái em nó biết mẹ hư đốn vầy cháu sẽ tủi thân. Thôi thì mình có làm có chịu.

Hai kiều nữ giang hồ mà chúng tôi tiếp xúc tuy tuổi tác, quê quán, hoàn cảnh có khác nhau nhưng cùng có điểm chung là sa lầy vì không đứng vững trước cái khó, cái khổ, đang đau đáu khát vọng ngày về hoàn lương. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với họ đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc và nỗi trăn trở về một ngày mai không mấy tươi sáng của những thân phận từng lầm đường lạc lối, nhất là khi họ không biết chữ, không giấy tờ tùy thân, không có nghề nghiệp và người thân nâng đỡ!

Thành Dũng
.
.
.