Trí thức trẻ sa chân và cái giá phải trả

Thứ Bảy, 09/07/2016, 06:26
Có trình độ học vấn, thay vì sử dụng những kiến thức mà mình có được để kiếm tiền một cách chân chính thì không ít trí thức trẻ ngày nay lại  dùng nó làm phương tiện phạm tội, kiếm tiền bất chính...


1.Năm 2011, Vương Quốc Nhã (25 tuổi, ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) sang Mỹ du học. Thông qua bạn bè Nhã biết và tham gia vào thế giới ngầm UG (chuyên trao đổi, cung cấp các công cụ kỹ thuật, cách thức xâm nhập trái phép vào các website bán hàng online để lấy cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài - PV) với công việc nhận vận chuyển hàng (còn gọi là ship hàng) và bán hàng tại Mỹ.

Cuối năm 2011, Nhã về Việt Nam thuê các thành viên khác ship hàng, đặt mua hàng hóa do người khác ship từ thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài (tên tiếng Anh là credit cars, gọi tắt là CC) lấy cắp được. Nhã thuê nhiều đối tượng sử dụng CC do mình cung cấp để ship các mặt hàng điện tử chuyển đến địa chỉ ở Mỹ với tiền công từ 25 đến 40% đơn giá hàng ship được.

Phiên tòa xét xử Vương Quốc Nhã và đồng bọn.

Ngoài ra, Nhã biết Nguyễn Thị Diệu Ni (34 tuổi, ngụ tỉnh Quãng Nam, lãnh 7 năm tù trong vụ án này) cũng dùng CC lấy cắp được của người khác để ship hàng nên đã thỏa thuận mua lại những sản phẩm này với giá chỉ khoảng 70-80% đơn giá, tổng cộng hơn 518 triệu đồng.

Với thủ đoạn trên, Nhã đã cùng 5 đồng phạm chiếm đoạt gần 1,2 tỷ đồng của các chủ tài khoản, hưởng lợi 400 triệu đồng. Với hành vi này, mới đây Nhã đã bị TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử và tuyên phạt mức án 9 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

2. Cùng băng nhóm với Vương Quốc Nhã, Nguyễn Văn Hòa (25 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Trị) tham gia thế giới ngầm UG từ năm 2009. Từng tốt nghiệp lớp kỹ sư tài năng tin học của Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nên Hòa rất giỏi về tin học. Hòa đã viết phần nềm tấn công vào cơ sở dữ liệu của các trang web bán hàng online của các nước như Mỹ, Anh để lấy cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, sau đó đăng lên mạng bán cho mọi người với giá từ 1-50USD/CC.

Theo đó, từ tháng 1-2010 đến tháng 9-2013, Hòa đã đánh cắp được 30.000 thông tin thẻ tín dụng của người khác, sau đó bán lại cho Nguyễn Xuân Lâm và được người này chuyển vào tài khoản số tiền tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng. Số thẻ này, Lâm lại đem bán cho Nhã và các đồng phạm với giá cao hơn chiếm hưởng chênh lệch.

Quá trình điều tra, Hòa đã tự nguyện giao nộp lại toàn bộ số tiền đã hưởng lợi từ việc làm bất chính. Hòa bị tuyên mức án 3 năm tù nhưng được hưởng án treo về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet".

3. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin, Vương Chấn Thanh (40 tuổi, ngụ quận 11, TP Hồ Chí Minh) mở lớp dạy tin học và tiếng Trung. Đến năm 2003, Thanh được một công ty tuyển dụng vào làm việc với chức danh giám đốc. Sau nhiều năm kinh nghiệm, đến năm 2005, Thanh thành lập công ty TNHH Viễn Tin chuyên kinh doanh dịch vụ máy tính bảng, điện tử viễn thông, tổng đài điện thoại giá rẻ…

Cuối năm 2011, Thanh tình cờ gặp lại Toàn, người học trò cũ lớp tin học mà mình giảng dạy trước đó. Qua giới thiệu, Toàn cho biết mình đang làm việc cho một công ty Philippines với mức lương rất hấp dẫn. Công việc của Toàn rất đơn giản là chỉ cần mở các tài khoản cá nhân tại các ngân hàng Việt Nam nhận tiền và chuyển tiền cho công ty mẹ ở nước ngoài. Đồng thời, Toàn nói với Thanh nếu muốn Toàn sẽ giới thiệu và bảo lãnh cho Thanh làm việc này.

Nghe lời mời quá hấp dẫn, không cần suy tính, Thanh nhận lời và khoảng 10 ngày sau nhận được thư trả lời của công ty tại Philippines qua địa chỉ email Payment@Stalement.com. Qua trao đổi, phía công ty yêu cầu Thanh phải mở nhiều tài khoản cá nhân tại các ngân hàng ở Việt Nam và chuyển cho công ty tại Philippines sử dụng làm tài khoản đại diện nhận tiền Việt Nam.

Hàng ngày, từ 7 đến 21h, Thanh phải online qua email và Skype nhận thông tin từ công ty để được nhận lệnh chủ tài khoản nào phải đến ngân hàng rút tiền, số lượng tiền rút… rồi làm thủ tục chuyển cho nhiều số tài khoản khác nhau theo danh sách số tài khoản và số tiền chuyển cho người nhận theo yêu cầu. Dựa theo tổng số tiền chuyển đi hàng ngày, Thanh được hưởng 0,6%.

Ban đầu, khi mới thực hiện công việc theo thỏa thuận, Thanh không biết mình đang làm công việc nhận tiền, chuyển tiền cá cược trên internet cho trang web 188bet.com. Đến tháng 5-2012, do thấy lượng tiền được chuyển vào các tài khoản quá lớn, tên những người nhận tiền thường lặp đi lặp lại nhiều lần, đồng thời trước mùa giải EURO 2012, công ty yêu cầu cung cấp thêm nhiều số tài khoản mới nên Thanh bắt đầu nghi ngờ nguồn gốc số tiền được chuyển.

Qua dịch vụ kiểm tra người chuyển tiền và số dư tại ngân hàng, Thanh biết những người chuyển tiền đến các số tài khoản của mình là những người tham gia đánh bạc trên trên web 188bet.com - tổ chức đánh bạc bất hợp pháp tại Việt Nam. Mặc dù nhận thức được việc làm của bản thân là vi phạm pháp luật nhưng do hám lợi nên Thanh tiếp tục nhờ nhiều người thân trong gia đình và nhân viên của công ty mình mở 44 tài khoản theo yêu cầu của 188bet.com để nhận và chuyển tiền.

Tính từ khi tham gia cho đến khi bị bắt (18-10-2013), Thanh đã nhận tổng cộng hơn 195 tỷ đồng từ các tài khoản của những người tham gia đánh bạc. Từ việc làm ăn bất chính này, Thanh hưởng lợi được 240 triệu đồng nhưng giờ đây phải trả giá bằng bản án 8 năm tù mà tòa án vừa xét xử.

A.Huy
.
.
.