Trẻ em vùng cao bị xâm hại do người lớn thiếu hiểu biết

Thứ Tư, 10/06/2009, 11:18
Nếu như ở vùng các đô thị lớn, hay vùng đồng bằng - nơi mà mặt bằng dân trí khá cao, tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng có thể là do mặt trái của cơ chế thị trường, ảnh hưởng của văn hoá phẩm đồi trụy… thì ở vùng cao, khá nhiều (nếu không dám nói là phần lớn) vụ án xâm hại trẻ em là do thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật giản đơn, nhiều mối quan hệ xã hội còn bị các luật tục lạc hậu chi phối.

Những năm gần đây, tình trạng trẻ em người dân tộc thiểu số bị xâm hại có xu hướng gia tăng với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Đáng chú ý, không ít vụ án xảy ra là do vấn đề nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận bà con dân tộc còn quá thấp. Nhiều kẻ phạm tội vì mù chữ, kém hiểu biết, không nhận thức được hành vi và hậu quả của mình gây ra…

Phạm tội với trẻ em vì thiếu hiểu biết

Cách đây chưa lâu, dư luận ở Điện Biên từng xôn xao về một vụ hành hạ trẻ em xảy ra tại huyện Mường Chà, nạn nhân là cháu bé 11 tuổi - Sùng A Chớ, dân tộc Mông ở bản Vân Hồ, xã Si Pa Phìn. Chỉ vì cậu quá nghịch ngợm mà mẹ đẻ của Chớ là Sùng Thị Cứ đã đang tâm treo ngược con lên xà nhà, sau đó dùng thanh củi đang cháy gí vào người gây nên hàng trăm vết loét, bỏng.

Kiểu tra tấn này xảy ra hàng ngày và diễn ra trong suốt một thời gian dài cho đến khi cơ quan chức năng phát hiện. Nhưng khi bị tạm giữ tại cơ quan Công an, Sùng Thị Cứ (một người đàn bà không biết chữ), vẫn không thừa nhận mình đã làm sai, bởi "Nó là con của mình thì mình muốn làm gì cũng được chứ!?"

Một vụ án khác cũng xảy ra tại huyện Mường Chà, Công an huyện thụ lý điều tra vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra tại bản Đề Tinh I, xã Si Pa Phìn với nghi can là Hạng A Màng. Cháu Mùa Thị N. mồ côi cha từ năm lên 8, vì nghèo đói, đông con nên mẹ cháu là Vàng Thị Mỷ - một người nghiện ma tuý, (SN 1959) đem… bán N. cho Hạng A Màng với giá 1,2 triệu đồng. Do Màng không có tiền mặt nên hai bên thoả thuận đổi cháu N. bằng một con ngựa.

Thời kỳ đầu mua cháu N. về, Màng bắt cháu phải làm lụng vất vả. Sau này, cháu lớn hơn một chút, Màng đã nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm. Trước cơ quan Công an, Hạng A Màng cũng không hiểu tại sao mình bị bắt, bởi trong nhận thức của Màng, rằng mua bán sòng phẳng, cháu N. đã về "làm ma" của gia đình thì anh ta muốn làm gì thì làm!

Một phiên toà xét xử tội phạm hiếp dâm trẻ em ở Điện Biên.

Theo ghi nhận của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Điện Biên, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 300 vụ, với từng đấy trẻ em bị xâm hại ở các mức độ khác nhau. Hầu hết trẻ em bị xâm hại về tình dục, bị ngược đãi, bị hành hạ; đáng chú ý con số nhức nhối này lại xảy ra chủ yếu tại địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, nơi mà kinh tế - xã hội kém phát triển, nhận thức một bộ phận người dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn nhiều bất cập.

Thượng tá Phạm Duy Cảnh - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Điện Biên - cho biết: "Hơn 50% vụ xâm hại trẻ em là do nhận thức và hiểu biết pháp luật của thủ phạm và cả nạn nhân còn quá hạn chế. Tình trạng "phép vua thua lệ bản" còn diễn ra khá phổ biến. Năm 2008 và 5 tháng đầu năm 2009, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tăng đột biến, trong đó không thiếu những vụ án, thủ phạm thực hiện hành vi mà không hề nghĩ rằng mình phạm tội".

Hủ tục tảo hôn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông đã khiến cho cơ quan bảo vệ pháp luật "dở khóc dở cười", có những vụ án, ban đầu 2 đứa bé tự nguyện "yêu" nhau, sau vì một lý do nào đó, "nhà gái" lại đâm đơn kiện con gái mình bị… hiếp dâm; nhiều cháu bé mới 14 - 15 tuổi đã "yêu" và tự nguyện về sống với nhau, khi cơ quan Công an vào cuộc, thật khó mà giải thích thấu đáo cho người dân, bởi ngay cả bố mẹ những đôi vợ chồng trẻ con ấy vẫn một mực khẳng định "chúng nó yêu nhau, thích nhau thì phải cho nó lấy chứ sao lại bắt"!

Đáng báo động, nhiều em đã trở thành nạn nhân của những hủ tục lạc hậu, mê tín ở vùng cao. Đã có hàng chục vụ án giết người, hành hạ trẻ em vì mê tín, vì nhận thức giản đơn… 

Để không còn con số nhức nhối

Nếu như ở vùng các đô thị lớn, hay vùng đồng bằng - nơi mà mặt bằng dân trí khá cao, tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng có thể là do mặt trái của cơ chế thị trường, sự suy đồi về đạo đức, ảnh hưởng của văn hoá phẩm đồi trụy… thì ở vùng cao, khá nhiều (nếu không dám nói là phần lớn) vụ án xâm hại trẻ em là do thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật giản đơn, nhiều mối quan hệ xã hội còn bị các luật tục lạc hậu chi phối.

Nhiều trẻ em vùng cao bị xâm hại vì nghèo đói, vì kém hiểu biết (ảnh minh họa).

Để phòng chống lạm dụng và xâm hại trẻ em ở vùng cao thì phải nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân. Muốn vậy phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho bà con các dân tộc. Trách nhiệm này thuộc về cả hệ thống chính trị, chứ không riêng của một cơ quan hay đơn vị nào.

Các địa phương miền núi cần tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở chuyên trách theo dõi công tác bảo vệ trẻ em; thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra, theo dõi và giám sát những trường hợp trẻ em bị ngược đãi và có nguy cơ bị ngược đãi. Xây dựng cho được phong trào xã hội phòng chống lạm dụng, xâm hại trẻ em, từ đó, góp phần tạo môi trường pháp lý và xã hội bảo vệ cho trẻ em.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật làm tốt công tác phòng ngừa, tấn công mạnh, tấn công triệt để tội phạm xâm hại trẻ em; điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh tội phạm xâm hại trẻ em… Chỉ có như vây, các em nhỏ nói chung, các em vùng dân tộc thiểu số ở vùng cao mới thực sự được bảo vệ, được sinh sống trong môi trường trong sạch, lành mạnh, tránh bị xâm hại, lạm dụng.

Dạy nghề, dạy văn hóa cho các em đặc biệt khó khăn

Đó là nhận định của bà Trưởng đại diện Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) trong cuộc hội thảo "Cơ hội cho trẻ em gái - xóa bỏ lao động đối với trẻ em gái" ngày 7/6 tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội.

Con số ước tính gần đây nhất của ILO cho thấy có khoảng 218 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới, trong đó có 100 triệu là trẻ em gái và hơn nửa trong số này (53 triệu em) đang phải lao động trong các điều kiện nguy hiểm và độc hại. Theo báo cáo mới nhất của 45 tỉnh, thành phố trong năm 2009 về Bộ LĐ-TB&XH, hiện có trên 3 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 9.353 em đang phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm; 10.676 em lang thang kiếm sống và 769 em làm việc xa gia đình…

Nguyên nhân đều xuất phát từ khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng, khu vực dễ bị tổn thương là nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nơi chiếm 1/3 số trẻ em cả nước.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Tăng cường tiếp cận dạy nghề là việc làm quan trọng để xoá bỏ lao động trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Bộ LĐ-TB&XH cũng đang đề xuất Chính phủ tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp nhận dạy nghề, dạy văn hoá cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tạo thêm nhiều cơ hội cho trẻ em gái được học nghề, có việc làm bền vững, thu nhập ổn định, tránh bị xâm hại.

Thu Uyên

Vũ Mạnh Hà
.
.
.