Thuê phụ nữ vận chuyển ma túy qua biên giới

Thứ Ba, 28/07/2009, 14:34
Liên tiếp trong những tháng đầu năm 2009, trên tuyến biên giới Việt - Trung, lực lượng ma túy - BĐBP triệt phá hàng loạt đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới, mà đối tượng tham gia xách hàng thuê là phụ nữ.

Chân dung những nữ quái xách hàng thuê

16h ngày 18/7, Nguyễn Thị Diễm, 17 tuổi, HKTT tại xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã bị các trinh sát Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) bắt giữ khi đang vận chuyển trái phép 495 viên ma túy tổng hợp (MTTH) và hơn 50 (g) ketamin.

Diễm khai nhận: trước đây, chị ta từng sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Áp lực trong các nhà chứa rẻ tiền nơi đất khách, quê người và do đua đòi Diễm đã sử dụng thuốc lắc rồi bị phụ thuộc hoàn toàn vào loại MTTH này. Vì cần tiền tiêu xài, từ tháng 7/2009, Diễm liều lĩnh tham gia vận chuyển thuê ma túy qua biên giới cho đối tượng người Trung Quốc tên là Thành...

Ngày 16/7, tại chợ Trung tâm Móng Cái, Diễm nhận 17 nghìn NDT để mua 495 viên MTTH và 4 gói ketamin, khi vận chuyển đến khu vực biên giới Vàng Lầy, phường Trần Phú, TP Móng Cái thì bị phát hiện và bắt giữ. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì phần lớn những phụ nữ xách hàng thuê đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, một số từng là nạn nhân của các vụ mua bán phụ nữ ra nước ngoài. Số khác là những cô gái "xa cơ, lỡ bước"...

Nguyễn Thị Sinh, 45 tuổi quê gốc tại huyện Hải Hậu (Nam Định), một phụ nữ bị bắt giữ về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là một ví dụ điển hình. Năm 1993, Sinh bị lừa bán sang Quảng Đông (Trung Quốc) làm vợ của một người đàn ông nhiều tuổi. Sinh đã có một đứa con hơn 10 tuổi.

Giữa lúc kinh tế khó khăn, Sinh gặp một phụ nữ Việt Nam tên là Vạn, cũng sang lấy chồng ở Trung Quốc và có vay mượn tiền để trang trải cho sinh hoạt của gia đình. Vạn đã đặt vấn đề về thuê Sinh vận chuyển ma túy. Sinh biết hành vi đó là vi phạm pháp luật nhưng "đói ăn vụng, túng làm liều", chị ta đã hai lần vận chuyển thuê ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đến lần thứ 2, Sinh liều lĩnh vận chuyển một bánh heroin thì bị phát hiện và bắt giữ.

Cá biệt, có trường hợp một số phụ nữ sau khi chồng bị bắt về hành vi mua bán ma túy đã bỏ nhà sang Trung Quốc, tham gia vận chuyển "hàng" thuê. Một số khác thì bản thân là những đối tượng nghiện MTTH. Vì cần tiền đáp ứng nhu cầu của bản thân nên đã tham gia vào đường dây. Đó Bùi Thị Cúc, trú tại Trúc Sơn, Quảng Đông. 6 tuổi, Cúc đã theo mẹ sang Trung Quốc sinh sống với cha dượng. Thiếu sự quan tâm của gia đình, Cúc nghiện MTTH. Từ đó, Cúc đã móc nối với các đối tượng ở Trung Quốc và Việt Nam để môi giới vận chuyển thuê MTTH. Với khả năng nói được hai thứ tiếng, việc giao dịch của Cúc cực kỳ thuận lợi, chính vì thế được các đối tượng triệt để sử dụng vào đường dây. 

Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Công an và Biên phòng

Theo Cục PCTPMT - Bộ Tư lệnh BĐBP, 6 tháng đầu năm 2009, lực lượng PCTPMT đã bắt giữ 373 vụ với 562 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm 48,893kg và 1.145 gói nhỏ heroin; 27,389 kg thuốc phiện; 42,295kg cần sa; 109.829 viên và 423,5g ma tuý tổng hợp (MTTH); 7.460 ống tân dược gây nghiện; 23 súng và 179 viên đạn các loại cùng nhiều tang vật có liên quan.

Trên tuyến biên giới Việt - Trung, các đơn vị đã phát hiện nhiều đường dây vận chuyển heroin với số lượng lớn lên đến hàng chục kg qua khu vực Móng Cái, Quảng Ninh; Tân Thanh, Lạng Sơn hoặc đường hàng không từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Nội Bài sang Côn Minh, Thâm Quyến, Trung Quốc.

Một trong những khó khăn của lực lượng phòng chống TPMT biên phòng hiện nay là khu vực đường biên quá rộng, trong khi đó lực lượng tuần tra, kiểm soát lại quá mỏng. Hơn nữa, chẳng phải lúc nào anh em cũng có thể căng lực lượng kiểm soát toàn bộ tuyến biên giới. Trong khi đó phụ nữ Việt Nam hiện nay xuất cảnh, đi lại buôn bán giữa hai bên biên giới buôn bán, làm ăn ngày càng gia tăng. Ma túy có thể được cất ở khắp mọi nơi như trong quần áo lót, tại những bộ phận kín của phụ nữ và trong những bọc hàng... Lợi dụng việc hành nghề cửu vạn thuê giữa hai bên biên giới để vận chuyển heroin. Trong khi đó, một trong những khó khăn của lực lượng kiểm soát biên phòng là không phải trường hợp nào cũng có thể tiến hành khám xét và kiểm tra.

Vụ lực lượng Biên phòng Lạng Sơn bắt giữ một phụ nữ làm cửu vạn, Nguyễn Thị Hằng, 39 tuổi, trú tại Văn Lãng, Tân Thanh (Lạng Sơn) là một ví dụ. Nếu không có con mắt nghiệp vụ thì lực lượng tuần tra dễ dàng tưởng đó là một vụ xuất cảnh trái phép đơn thuần. Sau khi kết hôn, Hằng rời quê Thái Nguyên lên Đồng Đăng (Lạng Sơn) làm thuê, buôn bán. Khi ly hôn với chồng, Hằng để con cho bố mẹ đẻ nuôi dưỡng rồi dạt lên Lạng Sơn làm ăn. Thời gian sau này, Hằng sinh sống như vợ chồng với Chu Văn Nga.

Khoảng 16h ngày 3/4, Hằng xuất cảnh trái phép sang Lũng Vài (Trung Quốc) để ăn tết thanh minh và xem hàng tạp hóa. Đến 19h cùng ngày, trong lúc Hằng tìm cách vượt biên trái phép về Việt Nam thì có 2 người phụ nữ đặt vấn đề vận chuyển ma túy với giá 500 nghìn đồng... Hằng giấu ma túy vào trong áo lót phía trước ngực rồi leo qua cổng sắt Cốc Nam trở về Việt Nam thì bị phát hiện. Khi thấy Hằng có biểu hiện không bình thường, tổ công tác tiến hành điều tra thì phát hiện có một bánh heroin.

Để đối phó với các lực lượng chức năng, thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển thuê hiện nay rất tinh vi. Vì vậy, để hiệu quả đấu tranh chống tội phạm đạt kết quả cao, phía Công an các huyện biên giới và lực lượng biên phòng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ. Theo đó, phía Công an có tài liệu, cung cấp ảnh, hồ sơ và lý lịch của những đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi mua bán phụ nữ và ma túy, thường xuyên đi lại, làm ăn cho lực lượng Biên phòng. Từ những tài liệu này, lực lượng Biên phòng ở cửa khẩu dễ dàng hơn trong công tác quản lý đồng thời có thông tin với Công an nước bạn phối hợp phá án

Xuân Mai
.
.
.