Vụ nhóm đối tượng sử dụng mạng Internet chiếm đoạt hàng tỷ đồng:

Thuê máy chủ ở nước ngoài để che giấu hành vi phạm tội

Thứ Sáu, 14/06/2013, 16:01
Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 12/6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và Công an Thừa Thiên - Huế đã phá chuyên án, bắt giữ 3 đối tượng chuyên sử dụng mạng Internet chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Đến ngày 13/6, cơ quan chức năng đã bắt giữ thêm 1 đối tượng, đồng thời tiếp tục truy bắt những kẻ đồng phạm.

Khi cán bộ chiến sĩ Trung tâm Phục hồi dữ liệu chứng cứ điện tử (Phòng 5), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế làm rõ đường dây tội phạm chuyên tạo trang web giả, đường link để ăn cắp mật khẩu, dữ liệu của người sử dụng để chiếm đoạt tiền, mọi người khác ngạc nhiên khi biết cầm đầu là một đối tượng nữ, làm nghề buôn bán.

Cô ta tên là Trần Thị Kim Cúc, 32 tuổi, trú ở xóm 2, xã Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Cúc vốn tốt nghiệp Đại học Công nghệ thông tin (CNTT) nhưng sau khi ra trường, cô ta không theo ngành này mà mở cửa hàng kinh doanh sim, thẻ điện thoại.

Cuộc sống tưởng cứ thế êm đềm trôi qua, nhưng với vốn hiểu biết về CNTT của mình, Cúc đã vào diễn đàn của tội phạm mạng, trao đổi tìm hiểu thông tin, cách thức tạo trang web, đường link có chứa virus ăn cắp mật khẩu người sử dụng. Ở diễn đàn trên, Cúc quen biết với Hoàng Bảo Anh, quê ở Đắk Lắk, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cùng bàn bạc các thức thực hiện hành vi phạm tội...

Đường dây này bị CBCS Trung tâm Phục hồi dữ liệu chứng cứ điện tử (Phòng 5), C50 phát hiện từ thông tin của chị Nguyễn Thị T., là cán bộ ngoại giao. Chị T. cho biết mình bị đối tượng giả danh một người bạn lừa đảo chiếm đoạt của 100 triệu đồng.

Cụ thể, bạn chị T. làm ở Đại sứ quán Nga, hai người thường xuyên chat với nhau qua yahoo. Trong 1 lần chat, người bạn này đã đề nghị nạp giúp 100 triệu đồng vào tài khoản 1 số điện thoại. Thời điểm đó đang có đoàn cán bộ cấp cao của Việt Nam sang thăm Liên bang Nga nên chị T. nghĩ bạn mình cần liên lạc nhiều nên không nghi ngờ gì về việc nhờ nộp số tiền lớn như vậy. Vì thế, chị T. đã ra cửa hàng mua hàng trăm thẻ cào mệnh giá 300.000đ – 500.000đ về nhà kỳ cục cào lấy mã rồi nhắn cho bạn tới khi đủ 100 triệu đồng.

Nạp tiền xong, chị T. gọi điện lại cho bạn mình xem có cần giúp việc gì nữa không mới bất ngờ khi người bạn nói rằng không hề nhờ nạp hộ tiền điện thoại, nick yahoo thường chat đã bị kẻ xấu hack mất. Ấm ức vì bị lừa trắng trợn, chị T. đã trình báo cơ quan Công an.

Đi sâu xác minh, làm rõ, Phòng 5, C50 phát hiện đối tượng cầm đầu là Trần Thị Kim Cúc, thường trú ở Huế nên phối hợp với Công an Thừa Thiên - Huế điều tra, làm rõ. Điều khá bất ngờ là Cúc cũng chính là đối tượng mà CBCS Phòng 3, C50 đã phát hiện được nhưng chưa chứng minh được con người thật của cô ta. Ngoài ra, qua phá chuyên án trộm cắp thông tin nick chat, mail, Công an TP Hà Nội cũng đã phát hiện có đối tượng tên là Cúc nhưng không biêt cô ta ở đâu, con người thật thế nào.

Đại tá Trần Văn Thắng, Trưởng phòng 5, C50 cho biết sở dĩ khó xác định được nhân thân, con người thật của Cúc bởi mọi việc chỉ diễn ra trên mạng, bản thân các đối tượng khác cũng không biết chính xác Cúc là ai, ở đâu. Hơn nữa, để tránh bị phát hiện, đối tượng này đã thuê máy chủ ở nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội nên việc xác minh, làm rõ nhân thân, hành vi phạm tội của chúng gặp nhiều khó khăn.

Sau khi thập đủ chứng cứ, ngày 12/6, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Phòng 5, C50 đã đồng loạt bắt giữ 4 đối tượng gồm Trần Thị Kim Cúc; Hoàng Bảo Anh và 2 đối tượng mua đường link của Cúc và Bảo Anh là Nguyễn Thanh Tùng, 17 tuổi, trú ở Nguyễn Thị Lý, thị xã Quảng Trị; Trần Nghĩa, 21 tuổi, ở Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị.

Cơ quan chức năng đã làm rõ, Cúc và Bảo Anh tạo ra các trang web giả, đường link rồi bán cho Tùng và Nghĩa cùng nhiều đối tượng trên toàn quốc để các đối tượng này đột nhập vào các hộp thư điện tử của người khác, trong vài trò là chủ hộp thư điện tử để trao đổi, câu nhử bạn bè, người thân nạp tiền điện thoại nhà mạng viễn thông Mobifone và Viettel hoặc thẻ Game VTC cho chúng. Sau khi nhận được mã số cào của nạn nhân, Nghĩa, Tùng… bán lại cho Cúc với tỷ lệ chiết khấu từ 20%- 30% .

Được biết, qua kiểm tra tài khoản của Cúc tại các ngân hàng, lực lượng chức năng phát hiện số tiền giao dịch của Cúc lên tới nhiều chục tỷ đồng. Có những ngày, số lượng thẻ Cúc mua của các đối tượng lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo thống kê sơ bộ, riêng trang web do Cúc và Bảo Anh tạo ra dùng để giao dịch, đã có hơn 500 đối tượng mở tài khoản.

Bước đầu, cơ quan Công an đã làm rõ các đối tượng trên gây ra 8 vụ trộm nick chat, mail giả danh người thân, chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. Các đối tượng khai nhận đã lừa đảo hàng trăm người, với số tiền hàng tỷ đồng. Đề nghị ai là bị hại, cần liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế ĐT 0543.826.666 để tố giác hành vi phạm tội của nhóm đối tượng trên

Thủy - Hòa
.
.
.