Thái Bình: Triệt phá ổ nhóm sản xuất tiêu thụ giấy tờ giả với số lượng lớn

Thứ Hai, 09/01/2006, 07:20

Ấp ủ ý tưởng sản xuất văn bằng giả để kiếm lời, Vũ Trung Hòa học hỏi các kỹ thuật in ấn rồi tự mình thiết kế một phòng sản xuất văn bằng giả. Hoà đã làm giả bằng lái các phương tiện (chỉ trừ tàu hoả, máy bay) và văn bằng tốt nghiệp từ tiểu học đến đại học. Cơ quan chức năng đã thu giữ gần 2.000 loại giấy tờ, văn bằng giả từ “phòng sản xuất” của Hoà.

Từ đầu năm 2005 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Thái Bình đã liên tiếp triệt phá được một số đường dây làm giấy tờ, văn bằng giả. Nhưng theo kết quả điều tra của các trinh sát Văn phòng Cơ quan Điều tra Công an tỉnh thì số đối tượng làm văn bằng giả cho những người có nhu cầu ở Thái Bình khá đông đảo. Tuy nhiên, chúng hoạt động rất tinh vi và liên kết các đối tượng ở nhiều tỉnh thành khác nhau nên để đánh “tận gốc” đường dây này, quả không phải đơn giản.

Đến cuối tháng 11/2005, phát hiện các đối tượng đang bộc lộ “điểm yếu”, đó là việc ồ ạt đi tiếp thị làm giấy phép lái xe (GPLX) ôtô (vì bắt đầu từ đầu năm 2006, Bộ GT-VT sẽ thay đổi mẫu mã GPLX ôtô nên việc làm giả sẽ khó hơn), các trinh sát đã báo cáo lãnh đạo Phòng xin lập án đấu tranh. Với sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc Công an tỉnh, một kế hoạch phá án đã được vạch ra.

Ngày 21/12, khi đối tượng Nguyễn Trọng Sáng, SN 1963, ở thôn Hu Trì, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang từ Hải Phòng sang Thái Bình giao 2 GPLX ôtô cho Phạm Văn Diện, SN 1963, ở xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, các trinh sát đã phục kích, bắt quả tang. Đồng loạt sau đó, các trinh sát, điều tra viên của Văn phòng Cơ quan Điều tra đã tiến hành khám nhà đối tượng Diện và Sáng, đồng thời tiến hành bắt và khám nhà thêm 2 đối tượng khác trong đường dây là Lê Văn Sản, SN 1959 và Vũ Trung Hòa, SN 1958, cùng ở thôn Hu Trì, xã Vinh Quang.

Tại nhà Sản và Sáng, các trinh sát thu được hàng trăm loại văn bằng giả. Nhưng cả 3 tên Diện, Sáng và Sản cũng chỉ là “chân rết” chuyên đi tìm người có nhu cầu mua bằng, thu tiền và giao hàng trực tiếp cho họ, đồng thời đi thu gom, mua lại các loại giấy tờ thật như CMND, GPLX.... bán tại các cửa hàng cầm đồ mang về cho “ông trùm” Vũ Trung Hòa nghiên cứu và sản xuất.

Gia đình Hòa mở cửa hàng in ấn danh thiếp, lúc đầu, anh ta thuê một số nhân viên khá giỏi về máy tính để chế bản và pha trộn màu. Vốn đã ấp ủ ý tưởng sản xuất văn bằng giả để kiếm lời gấp bội nên Hòa đã tìm cách học hỏi rất nhanh các kỹ thuật trong nghề in ấn. Sau đó, anh ta cho nhân viên nghỉ gần hết, tự mình thiết kế một phòng sản xuất văn bằng giả. Căn phòng này được thiết kế rất kín đáo và không cho bất cứ ai ra vào, kể cả những “cộng sự” trong đường dây như Sản, Sáng cũng không bao giờ được bén mảng, vì Hòa sợ họ học “mót” mất bí quyết làm nghề và sẽ mất vai trò cầm đầu. Hầu hết các loại giấy tờ trên chỉ cần 3 ngày là xong, tiền chi phí thì phải chăng, như GPLX môtô giá 700 ngàn đồng, GPLX ôtô khách là 2,5 triệu đồng, bằng lái tàu thủy là 8 triệu đồng... Nhưng thực tế, tất cả các loại văn bằng trên đều làm giả từ “xưởng” của tên Hòa.

Căn cứ vào những GPLX, CMND mà bọn Sản, Sáng mua về, Hòa đã tẩy xóa, điền tên của người mua vào và thay đổi một số dữ liệu, chẳng hạn để hoàn thành một GPLX ôtô, chúng chỉ cần dùng GPLX môtô thật, nhưng tẩy xóa tên tuổi, hạn sử dụng (từ vô thời hạn của môtô thành có thời hạn của ôtô và ghi lại hạng đằng sau)...

Để làm được các loại văn bằng tốt nghiệp giả, Hòa cũng chỉ đạo đồng bọn đi tìm hiểu tên trường và chức danh của các đồng chí lãnh đạo các sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, trường THPT, cao đẳng và đại học mà bọn chúng đang muốn làm giả, hoặc mượn bằng thật về để quét vào máy tính, phân tích màu của các loại hoa văn để in phôi giả, sau đó chế bản, in từng loại dấu, chức danh, tên tuổi người mua bằng.... hết sức tinh vi. Khám “xưởng” sản xuất của Hòa, Cơ quan Công an đã thu được gần 1 xe ôtô các loại dụng cụ, máy móc chế tạo giấy tờ giả và một hòm các loại phôi bằng, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ học nghề đã hoàn thành, GPLX các loại, CMND... mà Hòa đang tiến hành làm theo yêu cầu của khách hàng.

Ngày 27/12, Cơ quan Công an đã ra lệnh truy nã đối với tên cầm đầu Vũ Trung Hòa và đang tiếp tục mở rộng vụ án. Nhưng vấn đề đặt ra là ai đã và đang bỏ tiền mua và sử dụng các loại giấy tờ, văn bằng giả nói trên?

Theo lời khai của các đối tượng bị bắt thì đường dây mua bán, sản xuất giấy tờ giả của bọn chúng hoạt động từ nhiều năm nay. Và từ số lượng bị bắt quả tang quá lớn nói trên, chúng ta thử cộng xem trong thời gian qua, bọn chúng đã làm và tiêu thụ bao nhiêu loại văn bằng, giấy tờ giả? Bọn chúng lại rất liều lĩnh, nhận làm giả tất cả các loại giấy tờ, văn bằng ở các lĩnh vực khác nhau, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm, đòi hỏi trình độ thực sự như sư phạm, y dược, lái xe khách... Theo sự khoe mẽ của nhóm người này, thậm chí kể cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ nếu có người thuê, chúng cũng làm được hết (may mà loại văn bằng cao cấp này chưa ai dám thuê làm giả).

Khách hàng của bọn chúng ở nhiều tỉnh như Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, thậm chí cả ở Đồng Nai. Trên thực tế, chắc chắn đã có một số lượng rất lớn những người không có trình độ nhưng vẫn dùng văn bằng giả của bọn Hòa lọt vào làm trong các cơ quan Nhà nước.

Hiện nay, Cơ quan Công an cũng đang tìm hiểu về những người đã và đang sử dụng các loại giấy tờ, văn bằng giả do bọn Hòa sản xuất và tiêu thụ. Có thể cũng có người vẫn cho rằng mình đang sử dụng văn bằng thật vì bọn Hòa làm giả rất tinh vi, nhưng dù thế nào chăng nữa thì việc không có trình độ, nhưng muốn đi “đường tắt” để có văn bằng, “chui” vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước là việc làm vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó là lời cảnh báo cho tất cả những người  không trung thực

T.Hòa
.
.
.