Tái xuất hiện nhiều băng nhóm “xã hội đen”

Thứ Sáu, 19/12/2008, 10:25
Trong năm 2008, lực lượng CSHS cả nước đã triệt phá 4.069 băng nhóm, bắt giữ xử lý 13.666 đối tượng. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện vẫn còn khoảng 313 băng nhóm với 1.460 đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội theo kiểu "xã hội đen".

Theo báo cáo của Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C14) - Bộ Công an, năm 2008, toàn quốc đã xảy ra 53.594 vụ phạm pháp hình sự các loại, tăng 4,3%, trong đó đã điều tra khám phá 38.962 vụ, bắt giữ xử lý 50.604 đối tượng, đạt tỷ lệ 72,7%. Phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế, song còn diễn biến phức tạp…

Nổi lên nhiều băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen"

Năm qua, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen", hoạt động phức tạp tại 14 địa phương trọng điểm. Bọn chúng đã gây ra hàng loạt các hành vi phạm tội cực kỳ manh động và tàn ác.

Đó là: Giết người nhằm mục đích thanh toán, trả thù, bịt đầu mối; đâm thuê, chém thuê, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cá độ bóng đá quốc tế… Các băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp hoạt động ngày càng manh động, hoạt động mang tính chất liên tuyến, liên vùng miền gây ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Băng nhóm côn đồ từ Thái Nguyên về Hà Nội trả thù bị bắt giữ.

Giữa năm 2008, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ, Cục C14 triệt phá băng nhóm do Nguyễn Bá Thi, 37 tuổi, trú tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cầm đầu.

Bọn chúng sử dụng ôtô di chuyển từ Nam ra Bắc, sử dụng vũ khí nóng tấn công bảo vệ các cơ quan để trộm cắp két bạc, thùng đựng tiền. Khi bắt giữ chúng, trong các tang vật thu được có cả 2 khẩu súng bắn điện, 7 viên đạn, 3 kiếm và 1 khẩu súng Colt. Qua đấu tranh, các đối tượng đã khai nhận hơn chục vụ cướp và trộm cắp với hình thức táo tợn như trên.

Đồng thời, theo lực lượng Cảnh sát hình sự, gần đây đã có sự liên kết giữa các băng nhóm tội phạm của các tỉnh, thành phố, chúng rất manh động và cơ động, chỉ cần một cuộc điện thoại là sẵn sàng tập hợp, tràn xuống địa bàn khác thanh toán mâu thuẫn cho nhau. Vì không biết mặt nạn nhân nên bọn chúng còn sẵn sàng "chém nhầm hơn bỏ sót" khiến nhiều người dân vô tội phải chịu hậu quả.

Do mâu thuẫn trong quá trình chăn dắt gái mại dâm, Vương Việt Phong, 27 tuổi, trú tại phường Quan Thánh (Ba Đình, Hà Nội) đã gọi nhóm côn đồ ở Thái Nguyên gồm 15 đối tượng đi 2 xe ôtô 7 chỗ ngồi xuống Hà Nội thanh toán anh Phạm Cao Đức, làm nghề chở xe ôm. Bọn Phong đón ở Hà Nội phân phát dao, mã tấu cho cả nhóm. Đến số nhà 3D Láng Hạ, phát hiện anh Đức, chúng đã bao vây, chém anh Đức gục tại chỗ. Bạn anh Đức cũng bị chúng chém thành thương.

Vũ khí "nóng" cũng đang ngày càng xuất hiện nhiều trong các cuộc thanh toán lẫn nhau của các băng nhóm. Đang xôn xao dư luận hiện nay chính là vụ xả súng, giết chết 6 người, gây thương tích cho 1 người ở cảng Làng Khánh, TP Hạ Long (Quảng Ninh). Theo nhiều nguồn thông tin thì khả năng đây là một vụ thanh toán lẫn nhau theo kiểu "xã hội đen" trong khu vực.

Trong năm 2008, lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH đã triệt phá 4.069 băng nhóm, bắt giữ xử lý 13.666 đối tượng. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện vẫn còn khoảng 313 băng nhóm với 1.460 đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội theo kiểu "xã hội đen".

Ngày càng nhiều học sinh, sinh viên phạm tội

Theo đánh giá của Cục C14, tình trạng phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên, số học sinh, sinh viên đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Năm 2008 đã có 2.273 bị can là học sinh, sinh viên (chiếm 7,4%), trong đó đã xảy ra một số vụ nghiêm trọng như giết bạn cùng lớp, cùng trường, giết người, bắt cóc trẻ em tống tiền, cầm đầu các băng nhóm tội phạm….

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 147.000 học sinh, sinh viên bỏ học, đây chính là điều kiện để tội phạm lợi dụng lôi kéo các em vào con đường phạm tội.

Từ chỗ bỏ nhà đi bụi, sống lang thang, tụ tập với nhau theo kiểu bầy đàn, bọn trẻ sẽ nhanh chóng bị lôi kéo vào con đường phạm tội để có tiền phục vụ cho những nhu cầu của thói hư, tật xấu.

Nhóm cướp nhí gồm 5 đối tượng ở lứa tuổi 14-15 vừa bị Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) bắt giữ là ví dụ. Chúng bỏ học, sống theo kiểu "giang hồ", bạ đâu là nhà từ vài năm nay. Trong ba lô chúng mang theo toàn dao nhọn. Túng tiền, chúng rủ nhau đi cướp tài sản của người đi đường, thậm chí cả tiền của lái xe taxi…

Gia tăng tội phạm chống người thi hành công vụ

Tội phạm chống người thi hành công vụ đang được đánh giá là gia tăng nhiều nhất và gây bức xúc nhất trong năm qua. Toàn quốc đã xảy ra 542 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 70 vụ, tương đương 14,8%.

Có nhiều vụ công khai, trắng trợn, thể hiện sự lộng hành, coi thường luật pháp như ngang nhiên dùng hung khí tấn công Cảnh sát, dùng xe đâm thẳng vào CSGT khi bị kiểm tra, xử lý, đập phá xe Cảnh sát...

Đã xuất hiện nhiều đối tượng tội phạm là người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc…) vào Việt Nam qua con đường tham quan, du lịch gây ra một số vụ giết người, trộm cắp, lừa đảo, buôn bán phụ nữ.

Điển hình như vụ một người Hàn Quốc gây ra vụ giết người, đốt xác và vụ đối tượng người Trung Quốc giết người do va chạm giao thông với nạn nhân đều xảy ra tại Hà Nội. Đáng chú ý, số đối tượng phạm tội là người Việt Nam đã cấu kết với số đối tượng là người Campuchia tổ chức các đường dây buôn bán vũ khí sang Việt Nam bán cho các đối tượng hình sự.

Năm 2009, theo dự đoán, tình hình tội phạm hình sự sẽ diễn biến phức tạp, nổi lên vẫn là hoạt động của các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", sự cấu kết giữa các tổ chức tội phạm trong nước và tổ chức tội phạm từ nước ngoài ngày càng nhiều và chặt chẽ hơn.

Chính vì thế, nhiệm vụ của lực lượng Công an cả nước nói chung, lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH càng nặng nề hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ vừa phải tinh thông nghiệp vụ, vừa phải có tinh thần trách nhiệm và đổi mới hơn nữa công tác chỉ huy, chỉ đạo và phương thức hoạt động của lực lượng trinh sát, điều tra

Hoà Mai
.
.
.