Sự thật về việc chống phá nhà nước của Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân

Chủ Nhật, 18/03/2007, 14:36

Tại nơi ở của Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và Văn phòng Thiên Ân, Cơ quan An ninh đã thu được hàng chục kilôgam tài liệu mà chủ yếu là vu cáo, bôi đen chính quyền, xuyên tạc chính sách của Nhà nước, xúc phạm cá nhân...

Lại một chuyện không vui đối với giới luật sư, đó là việc Nguyễn Văn Đài, Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Ân và  Lê Thị Công Nhân đã bị Cơ quan An ninh điều tra của Công an Hà Nội khởi tố bắt tạm giam vì những hành vi chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Thế là đã có những luật sư bị bắt vì tham gia chạy án, vì nhận hối lộ, vì tống tiền, nay lại có người bị bắt vì tội xâm hại an ninh quốc gia... Quả là chuyện không bình thường đối với những người hành nghề luật sư, một nghề được đánh giá cao ngang bác sĩ và nhà giáo.

Vậy Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân là người thế nào? Vì sao họ hoạt động chống lại đất nước, dân tộc và kẻ nào đứng đằng sau giúp đỡ họ tiền bạc, đào tạo, nuôi dưỡng, bày mưu tính kế và xúi giục họ "thọc gậy bánh xe?".

Cuối năm 2005, giới luật sư ở Hà Nội xôn xao vì chuyện Nguyễn Văn Đài, Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Ân và là Giám đốc Công ty TNHH Việt Luật được đi Mỹ  tham dự một chương trình “Khách tham quan quốc tế” (International Visitor Program - IVP) từ ngày 17/1 đến 10/2/2006.

Việc Nguyễn Văn Đài có thậm thụt quan hệ với một số người tại một số cơ quan đại diện ngoại giao ở Hà Nội thì chả ai lạ gì. Chẳng thế mà cứ mỗi khi Đài có những việc làm sai trái bị Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nhắc nhở hoặc chính quyền cảnh cáo thì y như rằng lại có vài nhân vật ngoại giao đến can thiệp hoặc “thăm dò phản ứng”.

Đây là chương trình hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ giao cho Phòng Thông tin Văn hóa Sứ quán Mỹ ở các nước thực hiện. Năm 2006, chủ đề của chương trình này là “các nhà hoạt động chính trị ở cấp cơ sở”. Lịch của chương trình là ngày 17 mới bắt đầu nhưng Đài xin đi từ ngày 10/1.

Sau này, Đài  đã khai  mục tiêu của chương trình này là: Thúc đẩy sự hiểu biết về hình thức dân chủ của Mỹ, ý nghĩa của việc công dân tham gia các tiến trình dân chủ; thảo luận cách tìm kiếm nguồn tài chính của các tổ chức phi chính phủ để tồn tại và nâng cao hiệu quả của các tổ chức chính trị cơ sở...

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, chương trình tham quan này chính là một “khóa học” ngắn ngày nhằm dạy cách lập tổ chức đối lập với chính quyền hiện tại mà Mỹ đang có quan hệ ngoại giao.

Khóa học kết thúc, nhưng Nguyễn Văn Đài ở Mỹ thêm hơn chục ngày để giao du với những gã phản động lưu vong người Việt tại Mỹ như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Đình Thắng là Giám đốc tổ chức  “Cứu trợ thuyền nhân”, gặp Vũ Quốc Dụng, thành viên tổ chức nhân quyền IFGM tại Đức.

Người viết bài này cũng được dự  một số buổi  họp của một nhà ngoại giao Mỹ khi tới làm việc với lãnh đạo Bộ Công an. Tại các buổi này, phía Mỹ đều khẳng định là luôn luôn phản đối và không ủng hộ bất cứ tổ chức, cá nhân nào có  âm mưu làm mất ổn định chính trị và phá hoại một nước Việt Nam thống nhất. Nhân vật ngoại giao này cũng thừa nhận có một vài người trong chính giới Mỹ vẫn ngấm ngầm nuôi dưỡng xúi giục những kẻ như Nguyễn Văn Đài; vẫn tìm cách can thiệp, bảo vệ cho một số người như Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Lê Thị Công Nhân...

Sau khóa học ở Mỹ, Đài lại được một tổ chức cho đi học ở Philippines. Khóa học có cái tên rất chi là lương thiện “cách làm báo điện tử”, nhưng thực chất là đi học về kỹ thuật vượt tường lửa, kỹ thuật xâm nhập mạng...

Trở về nước, Đài càng tỏ ra hung hăng và lao vào những hoạt động chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Chính quyền sở tại đã nhiều lần cảnh cáo Đài và đưa anh ta ra kiểm điểm trước dân. Và tại những buổi này, Đài hoàn toàn vứt bỏ cái danh luật sư mà hiện nguyên hình là kẻ ăn nói càn rỡ, ngông nghênh, thậm chí chửi cả bà con trong khu vực. Với quyết tâm “gây tiếng vang” tại Hội nghị APEC 14, Đài tổ chức đi khảo sát các tuyến đường đi của các đoàn khách nước ngoài và tìm địa điểm để chặn xe các đoàn, đưa đơn khiếu kiện.

Trong giới luật sư (mà cụ thể là ở Đoàn Luật sư Hà Nội) thì Nguyễn Văn Đài không được xếp vào thứ bậc nào cả, bởi lẽ, từ khi tốt nghiệp Đại học Luật năm 1995 cho tới khi bị bắt tạm giam, anh ta chưa bào chữa được vụ nào cho ra hồn và “danh tiếng” của anh ta chỉ là vài vụ làm hộ đơn khiếu kiện rồi kích động bà con biểu tình, gây rối trật tự công cộng hoặc bịa đặt thông tin vu cáo Công an Hà Nội như hồi Sea games 22...

Nguyễn Văn Đài sinh năm 1969, tuổi con Gà. Học xong lớp 12 ở quê (Dạ Trạch, Châu Giang, Hưng Yên), vì không đỗ đại học cho nên xin học Trung học Kỹ thuật điện ở Sóc Sơn - Hà Nội. Học xong thì Đài đi học nghề ở Đức và trở về nước vào cuối năm 1990.--PageBreak--

Nhờ các mối quen biết của ông bố trước đây là Đội trưởng Đội xe của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài đã xin vào học hệ Đại học mở rộng của Trường đại học Luật. Cũng phải nói thêm rằng từ năm 1989 đến năm 1994, Bộ GD&ĐT có chủ trương tuyển sinh mở rộng cho những đối tượng là con em cán bộ của Bộ, một số đối tượng chính sách, học sinh vùng sâu, vùng xa... được vào thẳng đại học mà không phải qua thi tuyển.

Đài được vào học ở lớp 15B Luật kinh tế, học chung với hệ chính quy, có khác chăng là phải đóng tiền mà thôi. Năm 1993, Đài được chuyển lên học hệ chính quy. Theo nhận xét của nhà trường thì suốt 5 năm, Đài thuộc vào loại học làng nhàng, chả có môn nào khá và cũng không có khuyết điểm gì đặc biệt.

Tốt nghiệp vào loại trung bình, Đài xin vào làm việc ở Công ty Luật Đông Đô và Công ty FPT, với công việc là “nghiên cứu thị trường”. Rồi từ năm 1997 đến hết năm 2002, Đài đã chuyển 3 công ty khác nhau... Năm 1999, Đài được kết nạp làm thành viên của Đoàn Luật sư Vĩnh Phúc và đến năm 2002 thì chuyển về Đoàn Luật sư Hà Nội. Năm 2003, Đài thành lập Văn phòng Luật sư Thiên Ân...

Là người tuy học hành lởm khởm nhưng lại có tính tự cao tự đại, luôn coi người khác “không là cái đinh gì so với mình” và háo danh, vì thế, mới ra trường, Đài đã lao vào con đường... chính trị, đó là  tự ứng cử vào Hội đồng Nhân dân phường Bách Khoa năm 1996, nhưng bị trượt.  Rồi đến năm 2000, anh ta lại tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng cũng bị loại ngay từ vòng đầu...

 Có một sự thật về Đài mà không mấy người biết. Đó là vào năm 2005, vì mâu thuẫn với một số vị chức sắc trong Tổng hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc, Đài đã tố cáo với công an về những hoạt động mà anh ta cho rằng “mờ ám” của họ. Tuy nhiên, Công an Hà Nội đã cảnh giác với những thông tin mà Đài tố cáo theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người” và cũng thừa biết là anh ta muốn mượn tay công an để trả thù những người có mâu thuẫn.

Là tín đồ đạo Tin Lành và lại “có mác” luật sư, cho nên Đài đã được một vài nhân viên ngoại giao chú ý và bí mật gặp gỡ nhiều lần. Sau này thì Đài khai rằng trong các buổi gặp gỡ đó, Đài đã cung cấp cho họ tình hình hoạt động của tín đồ Tin Lành ở miền Bắc do anh ta lượm lặt được.

Phát hiện thấy Đài được một số tổ chức nước ngoài “quan tâm” cho nên một số người bất mãn, cơ hội chính trị như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Lý, Trần Khuê, Thanh Giang, Lê Hồng Hà... cũng tranh thủ và tâng bốc Đài là “nhà chính trị trẻ, ngọn cờ của phong trào đấu tranh dân chủ”.

Trong con mắt của Đài thì Hoàng Minh Chính, Trần Khuê... cũng như một số người khác đều là những người chỉ đáng giữ quan hệ cho “phải phép”, còn không thể bàn bạc, hợp tác “làm chuyện lớn” được bởi họ quá lạc hậu với thời cuộc, lại háo danh và “đường đi nước bước có quá nhiều sơ hở”. Nhưng Đài cũng rất biết lợi dụng số này làm viên đá lót đường cho những mưu toan sâu kín của mình.

Giữa năm 2006, Đài đã vào Huế, móc nối với Nguyễn Văn Lý lập tổ chức trái phép và khuyên Lý không nên gọi “khối 8406” là “tổ chức chính trị" mà nên gọi là “tập hợp những người đấu tranh cho tự do, dân chủ” để “lách luật”, tránh sự ngăn chặn của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nguyễn Văn Đài cũng nhiều lần vào TP HCM để móc nối với những người bất mãn như Đỗ Nam Hải và một số người khác, khuyến khích số này hình thành lực lượng chống đối chính quyền.

Từ năm 2005, Đài tỏ ra ngày càng hung hăng và biết lợi dụng một số luật sư cực đoan, bất mãn và một số sinh viên đại học để phục vụ cho những mưu đồ của mình. Đài đã biết triệt để lợi dụng một số đại diện ngoại giao tại Việt Nam để khuếch trương cho bản thân mình và cho cái gọi là “phong trào dân chủ Việt Nam”.

Thấy Đài ngày càng nổi, một quan chức ngoại giao đã chủ động xin gặp đại diện Bộ Công an Việt Nam để thăm dò phản ứng và gây sức ép. Tại cuộc gặp này, ông ta thể hiện thái độ hai mặt, không bày tỏ sự đồng tình với những hoạt động của Đài nhưng lại mượn mồm một số thượng nghị sĩ Mỹ, gián tiếp đánh giá Đài và cho rằng: "Chính phủ Mỹ cần ủng hộ các hoạt động đấu tranh dân chủ vì nhìn nhận Đài như một nhà lãnh đạo của thể chế dân chủ trong tương lai” (?!).

Trong thời gian SEA games 22 diễn ra tại Hà Nội, có một số vận động viên nước ngoài mang tài liệu tuyên truyền tôn giáo bất hợp pháp vào Việt Nam và đem rải trên một vài tuyến phố của Hà Nội, lực lượng bảo vệ đã bắt giữ một người. Ngay hôm sau, Đài xông đến trụ sở Công an và vu cáo “Công an đánh người” rồi làm đơn gửi khắp nơi. Để tạo áp lực dư luận, Đài còn thuê mướn một vài phóng viên đến “chứng kiến” và đưa tin? Sau sự việc này, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội gọi Đài lên để nhắc nhở.--PageBreak--

Không dừng ở đó, Đài tiếp tục can thiệp vào một số cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai và thông báo cho một số tổ chức nước ngoài biết về một đối tượng vi phạm pháp luật bị Công an Đồng Nai bắt giữ. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cực chẳng đã cũng lại phải gọi Đài lên để làm rõ việc này và yêu cầu Đài không được can thiệp vào công việc của các cơ quan chức năng.

Từ ngày thành lập Văn phòng Luật Thiên Ân, Đài hầu như không thực sự hành nghề luật sư, bảo vệ những người có nhu cầu bào chữa hoặc tư vấn luật một cách nghiêm túc, mà đã biến nơi đây thành bức bình phong để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật của anh ta.

Văn phòng Thiên Ân đã trở thành nơi lui tới của những phần tử chống đối, kích động người khiếu kiện chống chính quyền điều tra, thu thập tin trên nhiều lĩnh vực để hàng tuần cung cấp cho người tổ chức mang danh dân chủ, nhân quyền ở bên ngoài sử dụng chống Việt Nam...  Không những thế, Đài còn ngang nhiên mở các lớp “bồi dưỡng” cho một số sinh viên về “giá trị nhân quyền phương Tây” và giới thiệu về một số “đảng phái đối lập” do hắn tưởng tượng ra. 

Vậy Đài lấy đâu ra tiền để hoạt động?

Những phiếu nhận tiền từ nước ngoài mà Cơ quan An ninh thu được tại nơi làm việc của Đài cho thấy toàn bộ tiền cho Văn phòng Thiên Ân là từ những tổ chức do Nguyễn Đình Thắng cầm đầu “Cứu trợ thuyền nhân Việt Nam” cung cấp. Các tổ chức này thực chất là do những tên phản động lưu vong người Việt ở nước ngoài lập ra. Chính Đài đã khai là hàng tháng, Đài nhận được khoảng trên 1.000 USD từ nước ngoài gửi về. Đài tự trả lương cho mình 700 USD, 4 nhân viên khác được 200 USD...

Thật ra, số tiền Đài nhận được còn nhiều hơn thế, vì vậy mới có tiền cho Công ty TNHH Việt Luật cũng do anh ta dựng lên in ấn tài liệu để tán phát và mở các lớp “bồi dưỡng” về “nhân quyền” cho một số sinh viên và những người hay khiếu kiện kéo dài, rồi lại còn “trợ cấp” học bổng cho 4 sinh viên khác. Không chỉ có thế, Đài còn “xơi” luôn của Tổng hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc 80.000 USD, là tiền tài trợ của một số tổ chức nước ngoài cho Tổng hội.

 Xét thấy những hoạt động của Đài đã làm tổn hại tới uy tín của Tổng hội Thánh Tin Lành miền Bắc cho nên trong phiên họp toàn thể của Ban Trị sự Tổng hội ngày 13/6/2006, các thành viên dự họp đã nhất trí bãi miễn chức danh  “Ủy viên Pháp chế Hội đồng Quản trị sản nghiệp của Tổng hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc”. Ban Trị sự cũng đề nghị Quản nhiệm, Ban Chấp sự Hội Thánh Tin Lành Hà Nội “xem xét tư cách tín hữu và có biện pháp thích hợp khi cần thiết đối với ông Nguyễn Văn Đài... căn cứ theo điều 15 và điều 69 và các điều khoản khác được quy định trong điều lệ và nội quy - giáo luật - kỷ luật, nếu xét thấy các hoạt động hiện nay của ông Đài làm tổn hại tới danh dự và quyền lợi của Hội Thánh”.

Nhưng tất cả những âm mưu và hành động của Nguyễn Văn Đài đã bị nhân dân phát hiện và tố cáo với Cơ quan Công an.

Ngày 3/2 vừa qua, Cơ quan Công an đã bắt quả tang Lê Thị Công Nhân, là cộng sự đắc lực của Đài đang “dạy” cho 3 sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh và Truyền hình Hà Nam về cái gọi là “tình hình nhân quyền” ngay tại Văn phòng Thiên Ân. Công an phường Bùi Thị Xuân đã mời các đối tượng này về để làm rõ và họ đã khai ra toàn bộ “chương trình, nội dung” các lớp học cũng như nộp các tài liệu.

Tại nơi ở của Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và Văn phòng Thiên Ân, Cơ quan An ninh đã thu được hàng chục kilôgam tài liệu mà chủ yếu là vu cáo, bôi đen chính quyền, xuyên tạc chính sách của Nhà nước, xúc phạm cá nhân... Những tài liệu thu được cho thấy Nguyễn Văn Đài đã dùng Văn phòng Luật Thiên Ân và Công ty Việt Luật thành nơi in sao, tán phát tài liệu phản động, tuyên truyền lôi kéo những người bất mãn vào tổ chức chính trị bất hợp pháp để chống chính quyền, là đầu mối tuyển chọn đưa người sang Thái Lan, Philippines cho bọn phản động lưu vong người Việt đào tạo.

Văn phòng Luật Thiên Ân là trụ sở trá hình ở trong nước của bọn phản động lưu vong người Việt ở Mỹ như tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”; “Ủy ban cứu trợ thuyền nhân Việt Nam”; được sự hậu thuẫn, hỗ trợ trực tiếp của “Quỹ  quốc gia hỗ trợ dân chủ”

(Còn nữa)

Bảo Sơn
.
.
.