Sẽ làm rõ, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến Tú “khỉ”

Thứ Sáu, 10/05/2013, 09:18
Công an tỉnh Hưng Yên đã thành lập một tổ công tác do Phòng Thanh tra, Tổ chức cán bộ chủ trì để xác minh, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ trong việc để tồn tại băng nhóm trên địa bàn, xác định xem có sự liên quan đến băng nhóm tội phạm do Tú “khỉ” cầm đầu hay không.
>> Băng nhóm của Tú “khỉ” đã khống chế Công ty Sông Hồng và người dân như thế nào?

Như Báo CAND đã đưa, băng nhóm tội phạm do Phạm Khắc Tú, tức Tú “khỉ” cầm đầu đã bị Cục Cảnh sát hình sự (C45) phối hợp với Công an huyện Khoái Châu (Hưng Yên) triệt phá khi đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản của Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất VLXD Sông Hồng (gọi tắt là Công ty Sông Hồng) số tiền 200 triệu đồng.

Sau khi bắt Tú, Cục Cảnh sát hình sự và Công an huyện Khoái Châu đã phối hợp bắt giữ một loạt các đối tượng là đàn em của Tú, đồng thời điều tra, làm rõ các vi phạm khác do băng nhóm này gây ra. Chúng tôi đã trở lại Hưng Yên sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điều tra, xử lí nghiêm các đối tượng, băng nhóm tội phạm bảo kê, lộng hành gây bức xúc trong nhân dân (trong đó có băng nhóm tội phạm do Phạm Khắc Tú cầm đầu).

Bến đò Đông Ninh - nơi là nguyên nhân xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp giữa anh em Tú “khỉ” và Công ty Sông Hồng - khá bình yên. Những chuyến đò từ Khoái Châu sang Thường Tín (Hà Nội) và ngược lại vẫn chầm chậm đưa khách sang sông. Nhưng ít người biết rằng, chính bến đò này lại là nguyên nhân của việc tranh chấp giữa Công ty Sông Hồng và anh em Tú “khỉ”. Theo tài liệu do chúng tôi thu thập được, bến đò này được Chủ tịch UBND xã Đông Ninh giao cho Phạm Khắc Tuấn kinh doanh với thời hạn “khủng” là 49 năm.

Thời gian gần đây, Công ty Sông Hồng được UBND tỉnh Hưng Yên cấp phép thăm dò trữ lượng cát đen tại mỏ cát xã Đại Tập bao trùm lên cả đường xuống bến đò Đông Ninh do anh em Tú quản lí. Phát hiện món mồi béo bở bởi mỏ cát Đại Tập có trữ lượng lớn, cát tốt, bán được với giá cao nên anh em Tú cũng muốn hưởng lợi. Chính vì vậy, yêu cầu Công ty Sông Hồng phải chia cho chúng 50% mỏ cát hoặc chi một số tiền nhất định thì hoạt động của Công ty mới được yên ổn. Công ty Sông Hồng không đồng ý yêu cầu trên nên anh em Tú thường xuyên gây hấn, o ép công ty này bằng cách không cho phương tiện vào lấy gạch và gây cản trở, khó khăn; thậm chí là ném chất bẩn, hành hung khách hàng. Chính vì vậy, Công ty Sông Hồng phải nộp cho Tú 200 triệu đồng. Khi Tú và đồng bọn đang nhận tiền thì bị lực lượng Công an quả tang.

Phóng viên Báo CAND đang trao đổi với Trưởng Công an xã Đông Ninh tại bến đò Đông Ninh.

Sau khi Tú “khỉ” và đồng bọn bị bắt, nhân dân ở huyện Khoái Châu, nhất là tại 3 xã Đông Ninh, Đại Tập, Tứ Dân rất phấn khởi. Họ đều bày tỏ sự tin tưởng vào cơ quan Công an, trong việc điều tra, xử lí các đối tượng trong ổ nhóm côn đồ này. Những người đứng đơn tố cáo sai phạm của chính quyền địa phương, đặc biệt là sai phạm trong quản lý của ông Phạm Ngọc Thơi - nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Ninh - người ký giao bến đò Đông Ninh cho Phạm Khắc Tuấn quản lí (bà con cho là đã có mối “quan hệ” chặt chẽ với băng nhóm của Phạm Khắc Tú) cho rằng, họ rất mong mỏi, băng nhóm côn đồ trên sẽ bịt “triệt tận gốc”, bởi nếu chúng còn tàn dư, có thể lại tiếp tục đe dọa cuộc sống  bình yên của nhân dân.

Phải khẳng định rằng, để băng nhóm tội phạm trên lộng hành trong một thời gian dài, rõ ràng có trách nhiệm của chính quyền và Công an địa phương. Hiện chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan cũng đang tiến hành hàng loạt cuộc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm khi để cho băng nhóm tội phạm này lộng hành. Về phía tỉnh Hưng Yên, sau khi có chỉ đạo của Chính  phủ, ngày 4/5, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Công an, VKS, TAND, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố… tập trung đấu tranh mạnh với các loại tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” tại địa phương, kiên quyết xử lí nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tích cực chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 48 –CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân…

Chính quyền huyện Khoái Châu cũng thừa nhận ông Phạm Ngọc Thơi - nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Ninh có sai phạm, đã nhận hình thức kỷ luật cả về Đảng và chính quyền, hiện đang tiếp tục xử lý bổ sung hình thức kỷ luật đối với ông này. Sáng 8/5, Thường trực Huyện ủy Khoái Châu đã tổ chức cuộc họp giữa các ngành và Thường trực xã Đông Ninh nghe báo cáo tình hình, chỉ đạo các ngành chức năng, kiểm tra, xem xét các thông tin mà báo chí, truyền hình đưa tin; tập trung giải quyết tất cả các vấn đề tồn tại tại xã Đông Ninh; giao Đảng ủy xã Đông Ninh kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên Phạm Khắc Tuấn, trong việc dẫn người đến nhà một số công dân tố cáo sai phạm của chính quyền để hành hung.

Cũng liên quan đến việc để tồn tại ổ nhóm côn đồ trên, Công an tỉnh Hưng Yên đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc tập trung giải quyết các ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” trên địa bàn, đồng thời có điện chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an huyện, thành phố yêu cầu PC45 chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung rà soát, lên danh sách các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” để tập trung lực lượng, đấu tranh, triệt phá; rà soát lại toàn bộ các vụ án, vụ việc đã xảy ra trước đây mà chưa điều tra, làm rõ thủ phạm liên quan đến hoạt động các băng, ổ nhóm đã xác lập để có kế hoạch tiếp tục đấu tranh, khám phá; phối hợp với các cơ quan tố tụng khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

Đồng thời, Công an tỉnh cũng đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Chủ tịch huyện Khoái Châu họp lãnh đạo các xã (liên quan đến hoạt động của băng nhóm Tú “khỉ” để chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong việc để băng nhóm này hoạt động, gây bức xúc dư luận 

Việc chính quyền, Công an địa phương nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả cũng như đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn là những động thái hết sức cần thiết.

Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên.

Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên thẳng thắn thừa nhận để ổ nhóm côn đồ trên tồn tại, có trách nhiệm của lực lượng Công an, từ Giám đốc Công an tỉnh trở xuống.

Thiếu tướng Ngạn cho biết, các phòng nghiệp vụ và Công an huyện Khoái Châu đã nắm tình hình, lập hồ sơ theo dõi về băng nhóm do Phạm Khắc Tú cầm đầu nhưng chưa kịp thời chuyển hóa, đấu tranh triệt phá ổ nhóm tội phạm này. Đây là trách nhiệm trực tiếp của Công an huyện Khoái Châu và một số đơn vị chức năng của Công an tỉnh trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hình sự.

Do vậy, Công an tỉnh đã thành lập một tổ công tác do Phòng Thanh tra, Tổ chức cán bộ chủ trì để xác minh, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ trong việc để tồn tại băng nhóm trên địa bàn, xác định xem có sự liên quan đến băng nhóm tội phạm trên hay không. Quan điểm là cán bộ nào, đơn vị nào vi phạm, sai phạm đến đâu, sẽ xử lí nghiêm đến đó, thậm chí kể cả xử lý bằng pháp luật nếu phát hiện có hiện tượng nhận tiền, bảo kê cho tội phạm hoạt động.

P. Thủy - T. Hòa
.
.
.