Phát bệnh tâm thần sau khi gây án

Thứ Hai, 19/12/2016, 08:57
Gây ra trọng án nhưng nhiều đối tượng khi bị bắt bỗng dưng hóa điên khiến các Cơ quan tiến hành tố tụng phải mất thêm thời gian, công sức để điều tra và chứng minh tội phạm.

Theo lịch xét xử, ngày 20-12 này, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án Nguyễn Đăng Thành (35 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) ra xét xử về tội "giết người". Như vậy sau gần 5 năm gây án, đối tượng này mới được đưa ra xét xử sau một thời gian dài đình chỉ điều tra để đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

Theo cáo trạng, sau một thời gian dài quen biết (từ năm 2004), đến năm 2010, Thành có tình cảm với chị V.T.H.A. (con gái của một giáo sư nổi tiếng sống tại TP Hồ Chí Minh). Không được chị A đáp lại, Thành bắt đầu ghen ghét chị A.. Năm 2011, nghi ngờ chị A. có quan hệ tình cảm với anh Đ.T.L., người làm cùng công ty nên Thành đã đến tận công ty chị A đang làm việc gây sự, đánh anh L.. Sau lần đó, Thành nhiều lần gọi điện đe dọa anh L. khiến anh này lo sợ phải nhờ người can thiệp.

Khoảng 10h ngày 27-2-2011, Thành mang theo dao giấu trong vớ giày rồi điều khiển xe máy đến gần nhà chị A để theo dõi. Một lúc sau, Thành nhìn thấy chị A. đi ra cổng nói chuyện với một người bạn trai nên Thành đứng đợi. Khi bạn trai chị A. vừa đi khỏi, Thành tiến tới và chộp tay kéo lại.

Ngay tức khắc, Thành cúi xuống lấy con dao giấu trong giày đâm liên tiếp nhiều nhát chí mạng vào ngực, lưng, bụng, tay chị A. khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Sau khi gây án, Thành bỏ trốn. Đến ngày hôm sau đối tượng đã bị Công an bắt giữ.

Tại Cơ quan điều tra (CQĐT), Thành khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu trên. Đến tháng 11-2011, Thành có biểu hiện trầm cảm nên Cơ quan điều tra đã cho Thành đi giám định.

Theo kết quả giám định của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương 2, trước và trong khi gây án Thành bị trầm cảm ở mức trung bình. Về pháp luật, vào thời điểm gây án, đương sự đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhưng có phần hạn chế.

Hiện tại, đương sự bị trầm cảm nặng, cần thiết phải điều trị chuyên khoa một thời gian. Sau khi có kết quả nói trên, đầu tháng 12-2011, CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Thành để đưa đối tượng đi chữa bệnh bắt buộc. Sau một thời gian dài điều trị, bệnh tình của Thành đã ổn định, đến cuối tháng 6-2016, CQĐT đã phục hồi điều tra, Thành bị VKS truy tố về tội “Giết người” theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.

Đối tượng Liên và Thành được cho là hóa điên sau khi gây án.

Tương tự, như trong vụ án sát hại người tình đồng giới trong khách sạn mà TAND TP Hồ Chí Minh mới đưa ra xét xử gần đây, hung thủ Lê Thị Liên (33 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) cũng được xác định là khả năng nhận thức và điều khiển hành vi có phần hạn chế vào thời điểm gây án khiến gia đình nạn nhân bức xúc vì cho rằng Liên cố tình giả bệnh để được giảm án.

Theo cáo trạng, sau một thời gian yêu đương và có quan hệ đồng tính với chị Nguyễn Thị Phượng, bị gia đình nạn nhân phát hiện và ngăn cấm, như mọi lần, đêm 20-8-2013, Liên gọi điện hẹn người tình đến khách sạn quen để tâm sự. Sáng hôm sau, mọi người phát hiện người nữ đến cùng Liên đã tử vong, còn Liên đã biến mất. Sau một thời gian bỏ trốn, cuối tháng 12-2014, Liên bị bắt theo lệnh truy nã.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra, Liên im lặng và chỉ khai tên mình là Kimmora - con nuôi người Hàn Quốc. Liên không thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận nhân thân, lai lịch, các mối quan hệ với nạn nhân Phượng, kể cả những người quen biết, gia đình ruột thịt của mình. Tuy nhiên, khi cho người thân trong gia đình của Liên và những người quen biết nhận dạng, những người này đều xác nhận Kimmora chính là Liên.

Kết quả giám định pháp y tâm thần xác định, Liên bị bệnh "định hướng tình dục đồng giới"; thời điểm gây án và hiện nay là "có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng hạn chế". Cơ quan này cho rằng, việc Liên giả bệnh là "có chủ ý".

Tại phiên tòa xét xử, Liên vẫn không thừa nhận nhân thân lai lịch của mình như đã nêu trên. Liên vẫn tự cho rằng mình là Kimmora, con nuôi của người Hàn Quốc và khai báo rất lung tung. Tuy nhiên, dựa vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của nhân chứng và những người liên quan, HĐXX xác định hung thủ trong vụ án này không ai khác mà chính là Liên. Từ đó, HĐXX đã tuyên phạt Liên mức án 20 năm tù. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Tài (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trường hợp, người phạm tội trước và trong khi gây án đủ nhận thức và điều khiển hành vi nhưng sau đó có lâm vào tình trạng tâm thần trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng hình phạt nhẹ hơn so với người bình thường gây án. Đây là chính sách khoan hồng thể hiện tính nhân đạo của nhà nước.

Tuy nhiên, lợi dụng chính sách này nhiều đối tượng phạm tội, đặc biệt là những đối tượng phạm tội nghiêm trọng đã cố tình giả bệnh rồi "chạy" bệnh án tâm thần để được án nhẹ.

Để ngăn chặn được tình trạng này, theo luật sư Nguyễn Văn Tài, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải thể hiện hết trách nhiệm của mình như phải điều tra xem trước khi các đối tượng này khi phạm tội có tiền sử mắc phải bệnh tâm thần hay không? Hay trong quá trình phạm tội các đối tượng này có nhận thức và điều khiển hành vi của mình hay không?

Nếu nghi ngờ các đối tượng này đã cố tình giả điên hoặc "chạy" hồ sơ bệnh án tâm thần thì các cơ quan tố tụng có quyền yêu cầu các cơ quan có chuyên môn giám định lại để đảm bảo tính khách quan.

A.Huy
.
.
.