Những tình tiết khó ngờ trong vụ mua bán hơn 19 tấn vàng

Thứ Bảy, 05/12/2015, 19:51
Chỉ hơn 2 năm, 3 tiệm vàng tại Cà Mau gồm: Hoàng Khiêm (của DNTN Hoàng Khiêm), Xuân Trang (cùng thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi) và tiệm vàng Tuấn Kiệt (Công ty TNHH vàng bạc DVTM Tuấn Kiệt, xã Tắc Vân, TP Cà Mau) đã xuất bán lượng vàng “khủng” là 765.601 lượng vàng, tương đương hơn 19 tấn, cho nhiều DN, ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh. 


Tình tiết bất ngờ nhất mà cơ quan chức năng vừa phát hiện là trong số những DN cung cấp vàng nguyên liệu đầu vào cho 3 tiệm vàng kể trên có một số đối tượng từng bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ do có liên quan đến vụ kinh doanh trái phép xuyên biên giới với số lượng vàng gần 400kg.

Hẳn độc giả còn nhớ, vào rạng sáng 4-2-2010, trên đường dẫn vào cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, thuộc xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, lực lượng phối hợp thuộc Công an tỉnh Tiền Giang đã dừng phương tiện ôtô hiệu Ford Everest BKS 67M-2029 và phát hiện trên xe có tổng cộng 92 thỏi vàng (tương đương 92kg). 

Số vàng này được giấu dưới ghế ngồi, trong các hộc đựng hàng hóa và trong người của các đối tượng đang trên xe, gồm Lê Văn Don, Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi (cùng ngụ ở An Giang). Những người này khai chỉ là người vận chuyển thuê cho Nguyễn Ngọc Luân 62kg và Nguyễn Thị Tuyết Vân (cùng ngụ An Giang) 30kg.

Tiệm vàng Tuấn Kiệt – một trong những nơi tham gia bán lượng vàng “khủng”.

Vân khai nhận với cơ quan điều tra, Vân thuê Sanh và Lợi vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh giao cho Phạm Tùng Nguyên – chủ tiệm vàng Kim Nguyên (90 Đỗ Ngọc Thạch, quận 5) 20kg và Trịnh Thị Hồng Vân (quận 6, TP Hồ Chí Minh) 10kg. Còn Luân thuê Don vận chuyển vàng giao cho Nguyên 32kg và Tiêu Khai Phến – chủ tiệm vàng Kim Bình (28 Nguyễn Thị Nhỏ, quận 5) 30kg. 

Cơ quan điều tra xác định chỉ trong 7 ngày đầu tháng 2-2010, Luân đã mua bán vàng trái phép từ Campuchia về Việt Nam tổng cộng 201kg rồi vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh bán lại cho chủ tiệm vàng Kim Nguyên và chủ tiệm vàng Kim Bình, trong đó 62kg vàng bị bắt giữ ngày 4-2-2010 trị giá 43,5 tỉ đồng. Còn Vân đã mua bán 126kg vàng lậu qua biên giới, trong đó 30kg vàng bị bắt giữ ngày 4-2-2010 trị giá 21 tỉ đồng.

Trở lại câu chuyện hơn 19 tấn vàng (765.601 lượng) được 3 tiệm vàng tại Cà Mau bán ra, với doanh số gần 23.000 tỉ đồng, theo xác định mới đây của Công an tỉnh Cà Mau, từ tháng 11-2008 đến 3-2011, tiệm vàng Tuấn Kiệt đã bán cho Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC (Công ty SJC) 83.520 lượng vàng 9999, tức gần 2.940 tỉ đồng. Cũng trong thời gian trên, 2 tiệm vàng Hoàng Khiêm và Xuân Trang bán ra 682.081 lượng vàng, thu hơn 20.000 tỉ đồng.

Cũng cần kể thêm, trước khi Công an Cà Mau vào cuộc, Thanh tra tỉnh này đã có kết luận tiệm vàng Hoàng Khiêm có doanh thu bán vàng 7.700 tỉ đồng và đề nghị truy thu thuế GTGT và TNDN gần 60 tỉ đồng. Điều này cũng có nghĩa tương ứng với doanh số “khủng” từ việc bán ra hơn 19 tấn vàng, 3 tiệm vàng trên sẽ phải nộp thuế khoảng 180 tỉ đồng.

Liên quan đến tiệm vàng Hoàng Khiêm, báo cáo của Công an tỉnh Cà Mau còn cho biết trong thời gian “làm ăn được” kể trên, DN này đã sử dụng hóa đơn thông thường xuất bán cho 2 DN và 1 ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tổng cộng 682.081 lượng vàng nguyên liệu 9999, tương đương trên 20.000 tỉ đồng. Về nguồn gốc vàng đầu vào, có 7 DN ở Đầm Dơi bán cho DN Hoàng Khiêm với số lượng là 1.562 lượng vàng các loại; phần còn lại khoảng 680.519 lượng có nguồn gốc không phải từ Cà Mau mà là của 3 DN tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có tiệm vàng Kim Nguyên và tiệm vàng Kim Bình mà chúng tôi đã kể trên.

Đối với số vàng mà 3 tiệm vàng Cà Mau bán ra, dư luận đang đặc biệt chú ý đến một “đối tác” thu mua khá nhiệt tình từ số lượng vàng hơn 19 tấn kể trên, đó là Công ty Sài Gòn SJC. Công an Cà Mau cho biết từ tháng 11-2008 đến 3-2011, tiệm vàng  Hoàng Khiêm bán cho Công ty Sài Gòn SJC là 7.641 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong 28 tháng, Công ty Sài Gòn SJC mua vàng từ Cà Mau gần 300.000 lượng vàng, với tổng số tiền hơn 10.000 tỉ đồng.

Tiệm vàng Hoàng Khiêm không chỉ xuất bán vàng nguyên liệu 9999 mà còn mua vàng miếng của Công ty Sài Gòn SJC 46.739 lượng, tương đương 1.189 tỉ đồng; tiệm vàng Tuấn Kiệt bán cho Công ty SJC 83.520 lượng vàng, thành tiền 2.939 tỉ đồng và mua lại 77.201 lượng vàng miếng SJC, khoảng 2.722 tỉ đồng. Từ khi DN Hoàng Khiêm bị phát hiện có nhiều dấu hiệu làm ăn bất thường, Công ty Sài Gòn SJC cũng không tiếp tục trao đổi mua bán với tiệm vàng Tuấn Kiệt.  

Binh Huyền
.
.
.