Cảnh báo ngư dân sập bẫy cò lao động

Những giải pháp giúp đỡ người dân tránh bị lừa đảo

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:45
Để người lao động tìm đến đúng địa chỉ làm hồ sơ, các thủ tục cần thiết để đi xuất khẩu lao động lại đang rất cần sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan chức năng các địa phương.

Bài 2: Những giải pháp giúp đỡ người dân tránh bị lừa đảo


Trên tất cả địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có hàng chục trung tâm giới thiệu việc làm do nhà nước quản lý. Các trung tâm này đều liên kết với các công ty xuất khẩu lao động để tuyển và đưa lao động đi làm việc ở các nước. Song để người lao động tìm đến đúng địa chỉ làm hồ sơ, các thủ tục cần thiết để đi xuất khẩu lao động lại đang rất cần sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan chức năng các địa phương.

Cầu nối giữa các trung tâm giới thiệu việc làm và người lao động

Việc bắc cầu nối để người lao động chọn đúng địa chỉ, trung tâm giới thiệu việc làm trước hết thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) các tỉnh. Song trong quá trình tìm hiểu để thực hiện bài viết, chúng tôi nhận thấy, ngành LĐ,TB&XH một số tỉnh đã không làm hết sức mình trong việc bắc cầu nối.

Bởi chính trung tâm giới thiệu việc làm hoặc sàn lao động việc làm của ngành LĐ,TB&H một số tỉnh đang trục lợi trên mỗi suất bay đi xuất khẩu lao động của người lao động.

Chẳng hạn hằng năm, Bộ LĐ,TB&XH phân bổ chỉ tiêu về cho các tỉnh đưa người đi vừa học vừa làm, hay lao động ở các nước như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc…, ngành LĐ,TB&XH các tỉnh đều tìm cách lặng lẽ giao cho trung tâm giới thiệu việc làm hoặc sàn lao động việc làm của chính ngành mình quản lý để tìm lao động, không thông báo rộng rãi cho các trung tâm khác.

Theo quy định, những lao động được chọn khi đi vừa học vừa làm hay xuất khẩu lao động ở Nhật Bản chỉ mất chưa đầy 10 triệu đồng, thì nhân viên của các trung tâm giới thiệu việc làm hoặc sàn lao động việc làm đã móc ngoặc buộc người lao động nộp từ 3.000 đến 6.000 USD.

Bên cạnh đó, một số trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn các tỉnh thuộc các ngành do nhà nước quản lý cũng tìm cách “đục nước béo cò” đối với người lao động.

Ví dụ, theo quy định của nhà nước, một lao động đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo kỳ thi tuyển tiếng Hàn hằng năm khi trúng tuyển lẽ ra chỉ mất khoảng 30 triệu đồng, nhưng nhân viên các trung tâm giới thiệu việc làm vẫn thu 8.000 đến 12.000 USD của người lao động. Chính vì vậy một số cò xuất khẩu lao động đã đánh trúng tâm lý người lao động khi chúng hạ mức giá tiền phải nộp để đi xuất khẩu lao động, và hứa làm thủ tục đi nhanh hơn… và người lao động đã sập bẫy.

Ngoài ra, một số công ty treo mác xuất khẩu lao động nhưng không có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động vẫn cho các cò lao động lùng sục các làng quê để tuyển người, nhận tiền của mỗi lao động hàng chục ngàn USD, sau đó chúng gửi ngân hàng để lấy tiền lãi. Sau 3 đến 6 tháng, thậm chí kéo dài cả năm trời không thể đi xuất khẩu lao động, người lao động đòi riết quá chúng mới tìm cách trả lại tiền cho người lao động, hoặc tìm cách chiếm đoạt số tiền của lao động đã nộp.

Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An được coi là những tỉnh có số lượng người đi xuất khẩu lao động nhiều. Nhiều làng quê ở Quảng Bình từ thôn xóm nghèo nay trở thành những vùng đất giàu có, nhiều nhà cửa cao tầng, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang có phần đóng góp rất lớn từ những con em đang đi xuất khẩu lao động ở các nước như Nhân Trạch, Đại Trạch, Thanh Khê, Lý Hòa…

Và hơn 10 năm qua, Trung tâm giới thiệu việc làm của Tỉnh đoàn Quảng Bình và Trường Nghề số 9 thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là những đơn vị đóng trên địa bàn đã hỗ trợ, giúp đỡ cho hàng chục ngàn lao động sang các nước.

Song không phải người lao động nào có nhu cầu xuất khẩu lao động trên địa bàn Quảng Bình cũng biết đến những đơn vị này, bởi các nhân viên của các đơn vị này chủ yếu làm công tác đào tạo, giảng dạy tiếng và hỗ trợ hồ sơ cho người lao động, chứ họ không thể về các làng xã để làm công tác tuyên truyền, giới thiệu.

Vì vậy, chúng tôi nghĩ, chính quyền các địa phương nếu niêm yết công khai các đơn vị nhà nước có chức năng làm tốt công tác xuất khẩu lao động ở UBND nhân dân các xã, phường, nhà văn hóa thôn… chắc chắn sẽ giúp người lao động tránh được rủi ro, bị lừa tiền khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

Lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc cho người lao động ở Quảng Bình.

Những bài học cảnh giác cho ngư dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài

Trở lại vụ hàng chục ngư dân ở xã Hải Ninh, Quảng Ninh và Nhân Trạch, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị các cò lao động lừa nhiều tỷ đồng để đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, chúng tôi thấy mánh khóe lừa đảo của các đối tượng là làm giả visa cho người lao động và hẹn lịch bay.

Bởi trên visa giả mà đối tượng Chu Mạnh Sơn làm cho người lao động có số, ngày sinh… của người lao động hầu như trùng nhau. Lẽ ra nếu cảnh giác hơn, người lao động thấy sai ngày tháng năm sinh của mình thì đã không tin, không chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng.

Bên cạnh đó, khi chưa biết các đối tượng đến tuyển lao động có trụ sở rõ ràng, thuộc đơn vị nào quản lý và có các hợp đồng liên quan chặt chẽ thì người lao động cần cảnh giác không lựa chọn. Tất cả người lao động khi đi xuất khẩu lao động, các công ty trong nước liên kết với phía đối tác đều cần giấy xác nhận tiền án, tiền sự đối với lao động.

Mẫu giấy xác minh này do Sở Tư pháp các tỉnh cấp mẫu và Phòng Hồ sơ, Công an các tỉnh xem xét chứng nhận. Vì vậy, khi các đối tượng gặp người lao động giới thiệu không cần mẫu giấy trên đồng nghĩa với việc chúng đang lừa đảo người lao động.

UBND các xã cần tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động của nhà nước, đồng thời giới thiệu cho người dân trên địa bàn các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác xuất khẩu lao động để người dân tìm đến đúng địa chỉ. Các ngành chức năng liên quan cần sớm vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình lợi dụng chính sách hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu để trục lợi, lừa đảo để răn đe.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Lê Văn Khởi - Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình cho biết, ngay sau buổi làm việc với phóng viên, Đảng ủy xã Hải Ninh đã thông báo rộng rãi đến người dân về chính sách xuất khẩu lao động, cảnh báo đến người dân để tránh bị lừa đảo, đồng thời xã sẽ làm cầu nối với các đơn vị chính thống của nhà nước trong công tác đưa người đi làm việc nước ngoài khi người dân cần.

Dương Sông Lam
.
.
.