Những cô gái không kịp dừng tay trước tội ác

Chủ Nhật, 22/08/2010, 14:15
Những thiếu nữ mà tôi đã gặp trong các trại giam, mỗi người gây án trong một hoàn cảnh khác nhau. Người gây án trong một phút bột phát tức thì, người gây án có toan tính, dự định từ trước.  Nhìn nhan sắc đang độ xuân thì của các cô, tôi thấy xót xa bởi tất cả họ đều chịu mức án cao. Khi ra trại, tuổi xuân đã qua, ít nhất họ sẽ phải chịu thiệt thòi về thiên chức làm vợ, làm mẹ. Những ngày trả giá trong trại giam, họ đã sám hối  bằng cả sự chua xót, ân hận: Tại sao không dừng tay trước tội ác?

Nhát dao oan nghiệt giải quyết nỗi uất hận bị lừa tình

Theo Luật sự, Thạc sỹ Hoàng Nguyên Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Bình An, Đoàn Luật sư Hà Nội, người phạm tội bột phát là do cơ chế tâm lý và bản chất tâm lý. Cơ chế tâm lý là do vi phạm những chuẩn mực về hành vi ứng xử xét ở mọi khía cạnh; lúc đầu chỉ là va chạm nhỏ nhưng người ta không biết dừng lại mà cứ để cho mâu thuẫn đó lớn dần tới một đỉnh điểm thì tất yếu sẽ thành tội phạm.

Còn bản chất tâm lý biểu hiện là những ngộ nhận về hành vi, vi phạm từ chuẩn mực này đến chuẩn mực khác. Bởi trong suy nghĩ lúc thực hiện tội ác, người phạm tội  cứ nghĩ đối phương ứng xử với mình như thế thì mình phải có hành động tương xứng mới tạo ra cân bằng. Hành động được đẩy đến mức cao nhất và vượt quá giới hạn cho phép lúc nào không hay, thế là thành tội phạm. Những phân tích diễn biến tâm lý tội phạm này hoàn toàn phù hợp với trường hợp phạm nhân Lê Thị Bình (25 tuổi), Trại giam số 5 (Thanh Hóa).

Bên cánh gà sân khấu Hội diễn "Tiếng hát tình đời" cụm công tác Đảng và quần chúng số 3 do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an tổ chức, phạm nhân Lê Thị Bình lúi húi trang điểm, làm tóc cho các diễn viên chuẩn bị lên sân khấu. Mặt mộc, nhưng gương mặt thanh tú của Bình lại nổi bật so với tất cả những phạm nhân nữ xung quanh. Ngày Bình gây án và bị bắt, không ít phóng viên khi được tiếp xúc với cô đã trầm trồ khen ngợi nhan sắc của người con gái vùng cao Hà Giang này.

Cuộc đời của cô gái trẻ đã rẽ một bước ngoặt khi quyết định xuống Hà Nội tìm việc vào tháng 7/2008. Cô xin vào một cửa hàng cắt tóc gội đầu tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Chân ướt chân ráo xuống Hà Nội, khi quen biết anh Hoàng Trung Hậu (SN 32 tuổi) ở Thái Nguyên, Bình đã trao trọn mối tình đầu ngây thơ mà không hề biết Hậu đã có vợ con ở quê. Hai tháng sau, khi đã học xong nghề, Bình trở về Hà Giang mở cửa hàng tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang. Trước khi chia tay, Bình và anh Hậu trao đổi số điện thoại để liên lạc.

Cuối tháng 10/2008, Bình gọi điện vào số máy nhà riêng của anh Hậu. Ở đầu dây bên kia, tiếp chuyện cô là một người phụ nữ giới thiệu là vợ anh Hậu. Bình cay đắng, uất hận vì đã bị người tình lừa dối. Tình yêu của cô bị tổn thương. Cô đề nghị Hậu chấm dứt quan hệ, nhưng Hậu nằn nì giải thích quan hệ vợ chồng đang trục trặc, chờ ly hôn xong sẽ cưới Bình. Phụ nữ vốn dễ tha thứ. Nghe những lời van xin của Hậu, mọi bực dọc trong Bình nguôi ngoai.

Ngày 10/11/2008, Bình đi xe khách từ Hà Giang về Hà Nội mua mỹ phẩm phục vụ việc kinh doanh của cửa hàng. Dọc đường, Hậu điện thoại hẹn khi nào xe về bến Mỹ Đình sẽ đến đón. Đầu giờ chiều cùng ngày, anh Hậu đi xe ôtô từ Thái Nguyên xuống Hà Nội đón Bình. Hai người đến nhà nghỉ Thanh Thủy ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy thuê phòng.

Sau khi quan hệ, Hậu đưa cho Bình vỉ thuốc tránh thai dặn phải uống ngay. Tối đó, sau khi đi giải quyết công việc, nửa đêm Hậu quay về nhà nghỉ. Sau những phút giây yêu đương nồng thắm, Hậu hỏi Bình xem gia đình Bình đã biết quan hệ giữa hai người chưa? Bình trả lời mọi người chưa biết, Hậu nói: Thế thì tốt, không lại to chuyện. Đồng thời, Hậu cầm điện thoại di động của Bình xóa các số máy liên lạc của Hậu cài trong đó. Nỗi uất hận vì bị lừa dối ngày nào giờ lại bùng lên trong cô gái trẻ. Cho rằng Hậu duy trì mối quan hệ với mình chỉ để thỏa mãn tình dục chứ không phải yêu thương thật sự như anh ta nói, trong Bình nảy sinh ý định phải giết Hậu.

Sáng sớm 11/11/2008, khi Hậu đang ngủ say, Bình lấy con dao nhọn đâm vào cổ Hậu. Hậu vùng dậy, chạy ra cửa kêu cứu. Bình đuổi theo đâm tiếp vào lưng cho đến khi dao gãy cán. Lúc đó Hậu cũng gục ngã và tử vong khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bình bị xử 18 năm tù giam về tội giết người.

Bình xin phép không nhắc lại chuyện cũ bởi cô đã đào sâu, chôn chặt trong lòng. Giết người yêu để giải quyết nỗi hận tình, trong chốc lát, Bình đã thỏa mãn nỗi thù hận tích tụ trong lòng. Nhưng liền sau đó là sự sợ hãi và ân hận. Bình bảo thỉnh thoảng vẫn mơ thấy hình bóng của Hậu, nhưng gương mặt rất mờ nhạt, thoảng qua trong những giấc ngủ chập chờn ngày đầu vào trại giam. Trước khi cầm dao sát hại người yêu, chắc chắn cô không thể nghĩ hết hậu quả sau này đối với bản thân, với người mẹ già lúc nào cũng canh cánh về cô con gái út xinh xắn mà đường tình duyên lận đận, chưa yên bề gia thất. Nếu nghĩ được điều đó, chắc hẳn cô đã chùn tay nghĩ lại...

Khi tội ác có toan tính

Hôm tôi đến Phân trại nữ Trại giam Ninh Khánh, ngạc nhiên vì trong phòng làm việc của cán bộ quản giáo có khá nhiều giỏ hoa xinh xắn được làm từ vải. Cán bộ quản giáo cho biết đó là sản phẩm của phạm nhân Phạm Thị Quế (21 tuổi) ở Đại Thắng, Vụ Bản, Nam Định, đang thụ án tù chung thân về tội giết người, cướp tài sản. Đáng chú ý, khi gây án, Quế đang học Trường Cao đẳng Công nghiệp dệt may Nam Định. Gặp Quế đang miệt mài với công việc kẻ vẽ, trang trí tại khu giam giữ, một lần nữa, tôi giật mình tự hỏi: Tại sao tội ác lại có thể ẩn nấp trong khuôn mặt thiếu nữ xinh đẹp như vậy?

Lật giở những trang hồ sơ về Phạm Thị Quế, tội ác của cô gái trẻ này chắc sẽ khiến nhiều người giật mình. Có quan hệ tình cảm với bạn học là Đoàn Văn Duy nhưng Quế vẫn duy trì tình cảm thân mật với anh Triệu Quốc Việt, 23 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định. Đơn giản vì với Duy là tình yêu sinh viên trong sáng, nhưng nhà Duy nghèo. Còn anh Việt có khá nhiều tài sản mà một cô gái xuất thân từ nông thôn như Quế đang ao ước. Từ cô thôn nữ ngày đầu lên thành phố học tập, Quế bị cuốn hút bởi cuộc sống hào nhoáng nơi thành thị.

Cô thú nhận đã vay của mẹ 5 chỉ vàng, nói dối để làm ăn nhưng thực chất đã ăn tiêu, chơi bời hết. Cũng như Quế, Duy bị sa ngã bởi cuộc sống vật chất, nợ nần nhiều người. Thấy anh Việt tỏ ra si mê Quế, thường xuyên đến thăm, tặng quà, Duy bàn với Quế giăng bẫy tình để sát hại anh Việt, cướp tài sản. Theo kế hoạch, chiều 25/11/2007, Quế rủ anh Việt đến phòng trọ của mình trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Nam Định chơi và mời uống rượu đã được pha sẵn thuốc ngủ.

Đến 20h cùng ngày, thấy anh Việt đã ngấm thuốc, buồn ngủ, Quế rủ anh Việt ra khu vực ngõ vắng gần nhà trọ để tâm sự. Do đã bàn bạc từ trước, trong lúc hai người đang mặn nồng, Duy dùng tuýp sắt vụt liên tiếp vào đầu anh Việt và bóp cổ đến chết. Sau khi lục soát lấy tài sản của nạn nhân như xe máy, dây chuyền, lắc, nhẫn vàng, điện thoại di động..., hai đứa bàn nhau chở xác anh Việt đến đoạn sông Đào thuộc địa phận xã Tân Thành, huyện Vụ Bản ném xuống sông phi tang. Ngày 16/11/2007, khi Duy mang xe máy của nạn nhân lên Hà Nội tiêu thụ đã bị cơ quan Công an bắt giữ. Tòa án tuyên tử hình Duy, còn Quế án chung thân.

Cũng như nhiều phạm nhân khác, khi vào trại giam, Phạm Thị Quế mới tỏ rõ sự ân hận về những việc mình làm. Dường như khi vào đây, cái ác không còn nơi trú ngụ thì phần thiện trong con người lại được nhân lên. Quế cặm cụi lao động bởi cô ý thức được rằng, với mức án đang chấp hành thì chỉ có lao động cải tạo tốt mới có cơ hội trở về. "Em rất ân hận vì đã đẩy Duy vào chỗ chết. Duy rất yêu em và nghe lời em. Nếu hôm đó em biết dừng lại, thì cả em và Duy đều đã có một tương lai tốt đẹp...".

Quế bảo trước khi ra đi, Duy đã viết thư gửi cho cô. Duy gửi lời chào tạm biệt và dặn Quế hãy sống để trở thành người tốt, sống cả cho phần của Duy những năm tháng sau này. Ở trong trại, mỗi phạm nhân có một cách sám hối khác nhau. Với Quế, cô bảo để tĩnh tâm, cô cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, trừ mối liên hệ với gia đình. Bạn bè gửi thư động viên, thăm hỏi rất nhiều, cô không hồi âm. Nhưng có điều Quế tha thiết nhờ tôi chuyển đến bạn bè, tới tất cả những người đang còn trẻ, hãy dừng lại trước ranh giới tội ác. Phạm tội khi mới 18 xuân xanh, Quế là người thấu hiểu thế nào là sự trả giá của tuổi trẻ...

Hương Vũ
.
.
.