Nhiều nạn nhân sa bẫy bán nhà

Thứ Sáu, 12/05/2017, 10:17
Hàng chục vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được khám phá với cùng một thủ đoạn là đóng giả chủ sở hữu nhà để bán cho người khác.

Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hồ Chí Minh đang thụ lý điều tra hàng chục vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức” với cùng một thủ đoạn là đóng giả chủ sở hữu nhà để bán cho người khác. Đối tượng lừa đảo dễ dàng qua mặt nạn nhân và công chứng viên (CCV) để thực hiện trót lọt hành vi phạm pháp…

Cán bộ điều tra Lê Minh Mẫn (Đội 8, Phòng PC45 Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua các vụ án mà mình thụ lý giải quyết (như trường hợp của ông Nguyễn Hồng Lam, chủ sở hữu nhà số 93/47, đường Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh; ông Nguyễn Văn Thắng chủ sở hữu nhà 76, đường 18B, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) thì chủ sở hữu đều bị mất giấy tờ trước đó.

Dương Gia Huy (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) - một đối tượng chuyên làm giả hồ sơ, giấy tờ để lừa đảo vừa bị PC45 bắt giữ cho biết, phần lớn giấy tờ bị rơi trên đường đều do những người lái xe ôm nhặt được. Tuy nhiên, thay vì trả lại cho khổ chủ thì những người này bán lại cho các đầu nậu có nhiều ở các bến xe như miền Đông, miền Tây, An Sương…

Và các đầu nậu này bán lại cho kẻ lừa đảo với mức giá một bộ hồ sơ có khi lên đến vài chục triệu đồng. Khi có bộ hồ sơ, kẻ lừa đảo chỉ cần làm giả CMND, sổ hộ khẩu khớp với giấy tờ nhà đất là ra công chứng trót lọt…

Một thủ đoạn khác để có được giấy tờ nhà đất là đánh tráo giấy giả lấy giấy thật. Ông Lê Tấn Thành rao bán căn nhà F29, cư xá Phú Lâm, quận 6, TP Hồ Chí Minh do con ruột của mình là anh Lê Đỗ Hoài Phương đứng tên.

Vài ngày sau, có một đôi nam nữ đến hỏi mua nhà và đề nghị photocopy một bộ giấy tờ căn nhà. Khi quay lại lần hai, đôi nam nữ này yêu cầu cho xem giấy tờ bản chính rồi hẹn sẽ quay lại đặt cọc mua nhà. Nhưng đợi mãi không thấy ai đến, nghĩ họ không mua, ông Thành đem cất giấy tờ vào tủ. Ít tháng sau có kẻ đóng giả anh Phương bán căn nhà trên để chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng.

Một số đối tượng đóng giả người khác để bán nhà.

Điều tra viên Nguyễn Hải Triều, Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh – người thụ lý vụ án này, phân tích: “Khi đến hỏi mua lần đầu, đối tượng xin bản photo để mang về làm giả y như vậy. Lần sau đối tượng quay lại, lợi dụng sơ hở của gia chủ đánh tráo giấy tờ giả lấy bản thật”.

Ngoài ra, theo điều tra viên Nguyễn Hải Triều, còn có trường hợp khác là người nhà cấu kết với bên ngoài để thực hiện vụ lừa đảo. Như vụ Nguyễn Thị Anh Châu (45 tuổi, ngụ phường 1, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) thông đồng với một đối tượng tên Hưng đóng giả chồng mình nhằm bán 2 căn nhà chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng.

Khi vụ lừa đảo đóng giả người khác bán nhà xảy ra thì nạn nhân không phải là chủ sở hữu thật sự của bất động sản mà chính là người đã mua nhầm.

Có một thực tế đáng trách là lâu nay, người chuyển  bất động sản chỉ chú tâm nhờ các phòng công chứng xem giấy tờ bất động sản có thật hay không mà ít khi để ý đến giấy tờ tùy thân của người bán. Từ đó kẻ lừa đảo mới thực thiện trót lọt phi vụ.

Vậy vai trò của CCV (cũng như của Tổ chức công chứng-TCCC) ở đâu? Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm từ tháng 6-2006 trở về trước, theo quy định của pháp luật thì một trong những điều kiện được phép tham gia giao dịch bất động sản là không có tranh chấp, không bị kê biên.

Để đảm bảo thực thi, các TCCC thường yêu cầu các cá nhân, tổ chức xuất trình giấy xác nhận tình trạng nhà không bị tranh chấp, kê biên có xác nhận của UBND cấp xã. Tuy nhiên sau đó, Thông tư liên tịch số 04/2006/YYLT/BTP-BTNMT giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng… không quy định phải có giấy xác nhận này.

Từ đó, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh có công văn đề nghị các TCCC bổ sung vào hợp đồng giao dịch bất động sản là bên bán và bên mua phải tự cam kết tài sản giao dịch không có tranh chấp, không bị kê biên và đã tìm hiểu kỹ về tình trạng pháp lý của tài sản giao dịch.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các CCV chỉ cần chứng kiến  hai bên ký tên và lăn tay đúng với dấu vân tay trong CMND mà hai bên xuất trình. Còn việc giấy tờ nhà đất, giấy tờ tùy thân có giả hay không thì hai bên phải… tự chịu trách nhiệm! Thế cho nên, có giai đoạn các CCV tha hồ mà công chứng, chẳng quan tâm thật giả ra sao.

Đến khi có quá nhiều vụ lừa đảo làm giả giấy tờ ra công chứng thì người nhận chuyển nhượng mới bắt đầu cảnh giác và nhờ các TCCC giám định giấy tờ nhà đất.

Để cạnh tranh, nhiều phòng công chứng buộc phải đầu tư mua thiết bị máy móc đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”. Từ đó kẻ lừa đảo mới chuyển sang thủ đoạn dùng giấy tờ nhà đất thật nhưng giấy tùy thân giả như chúng tôi đã đề cập ở trên. Mà như vậy để phòng kẻ gian thì người nhận chuyển nhượng chỉ cần yêu cầu TCCC giám định giấy tờ tùy thân của người chuyển nhượng là được.

“Hầu hết các vụ lừa đảo mua bán nhà đất thì giá cả giao dịch rất “bèo” so với giá thị trường nên người mua vì hám lời nên vội vã công chứng mua bán mà thiếu tìm hiểu cặn kẽ dẫn đến bị lừa. Mấu chốt của vấn đề chính là lòng tham của nạn nhân mà ra!”- một điều tra viên bộc bạch.

M.Hải
.
.
.