Ngày đầu xét xử Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn

Thứ Năm, 10/04/2008, 08:31
Sáng 9/4, TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên toà sơ thẩm hình sự vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn tại Hội trường TAND tỉnh Đồng Nai do thẩm phán Lê Thị Hương làm chủ tọa. Đây là vụ án điểm mà Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TW đề nghị phải điều tra, xét xử sớm, được dư luận đặc biệt chú ý.
>> Nguyễn Lâm Thái cùng 45 đồng phạm sắp hầu tòa 

Nguyên 19 giám đốc hầu tòa

Tính chất nghiêm trọng của vụ án thể hiện ở chỗ, chỉ mình Nguyễn Lâm Thái, Giám đốc một Công ty TNHH nhưng vòi bạch tuộc của anh ta đã bám và lừa đảo nhiều bưu điện các tỉnh, kéo theo hàng chục cán bộ công chức phạm tội.

Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án cùng số lượng bị cáo rất đông và thời gian xét xử kéo dài (dự kiến đến một tháng) nên những người tham gia tố tụng tại phiên toà là 12 người (ngoài chủ tọa còn có hai thẩm phán (một dự khuyết), 4 hội thẩm nhân dân (một dự khuyết), 2 thư ký và 3 đại diện VKS) tham gia phiên toà.

Với số lượng bị cáo và luật sư tham gia quá đông nên hội trường chỉ chứa đủ bị cáo và các luật sư tham gia bào chữa. Lực lượng báo chí và người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ tham gia phiên toà được bố trí ở hai phòng riêng biệt có trang bị màn hình tivi 40 inch để theo dõi diễn biến phiên tòa.

Nguyễn Lâm Thái bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 139 BLHS; trốn thuế theo khoản 3 điều 161 BLHS và lưu hành các giấy tờ có giá giả khác theo khoản 3 điều 181 BLHS.

Đáng lưu ý là trước khi bị bắt, Thái đã từng có tiền án, tiền sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị TAND TP Hà Nội năm 1988 xử phạt 15 tháng tù giam.

Các bị cáo Vũ Anh - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sách và thiết bị văn hóa xã, Vũ Ngọc Hoan - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Siêu điện tử HPT, Vũ Công Đại - nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM kỹ thuật điện tử bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 139 BLHS và trốn thuế theo khoản 3 điều 161 BLHS.

Phạm Văn Tiến - nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM & DV quảng cáo Sao Bắc, Nguyễn Quang Huy - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ mới và Điện tử tin học, Nguyễn Vi Thành - nguyên Giám đốc Công ty TNHH DVTM Sao Sáng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 139 BLHS, trốn thuế theo khoản 2 điều 161 BLHS.

Đặng Thị Thu Hà - kế toán công ty Nguyễn Lâm Thái bị truy tố về tội trốn thuế theo khoản 3 điều 161 BLHS. Lê Thanh Hùng - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xây dựng và Quảng cáo Tam Thanh và Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM kỹ thuật Việt Thông bị truy tố về tội lưu hành các giấy tờ có giá giả khác theo khoản 3 điều 181 BLHS.

Các bị cáo Nguyễn Văn Thức, Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên Giám đốc và cán bộ Trung tâm Thẩm định giá Bộ Tài chính, Trương Hồng Khoa - nguyên cán bộ Chi cục Thuế quận Đống Đa, Hà Nội bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 điều 285 BLHS. 33 bị cáo còn lại bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Tham gia phiên toà, có 29 luật sư tham gia bào chữa cho 42 bị cáo tại phiên toà, trong đó có 27 luật sư tham gia bào chữa cho 39 bị cáo theo yêu cầu, 7 bị cáo không mời luật sư, trong đó có 3 bị cáo Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Vi Thành và Vũ Anh do bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất (tử hình) nên HĐXX mời hai luật sư Phan Thiên Vượng và Lê Quang Y - thuộc Đoàn luật sư Đồng Nai bào chữa theo quy định của pháp luật.

Luật sư của Nguyễn Lâm Thái: Thái có dấu hiệu tâm thần

Mất hết gần buổi sáng (đến 10h30'), toà mới tiến hành xong phần thẩm vấn lý lịch của 46 bị cáo. Ý kiến về phần thủ tục, luật sư Trịnh Anh Dũng - tham gia bào chữa cho Nguyễn Lâm Thái đã có ý kiến nghi ngờ kết quả giám định tâm thần đối với bị cáo này.

Theo luật sư Dũng, Thái có dấu hiệu tâm thần vậy mà cơ quan giám định chỉ tiến hành giám định trong 10 ngày với khối lượng công việc khổng lồ: xét nghiệm, điều tra xác minh tại địa phương, gia đình, trường học trong khi việc giám định tâm thần phải thực hiện trong thời gian dài mới có thể đưa ra một kết luận có tính khoa học.

Với lập luận trên, luật sư Dũng đã yêu cầu toà hoãn phiên toà để triệu tập giám định viên tư pháp về tâm thần ra tòa để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo tại phiên toà.

Luật sư Nguyễn Đặng Quang bào chữa cho Thái còn đề nghị triệu tập các giám định viên của Bộ Tài chính để tham khảo giá thực tế các trang thiết bị Nguyễn Lâm Thái mua và bán.

Riêng luật sư Bùi Quang Nghiêm - bào chữa cho Nguyễn Hoàng Nhân cho rằng, Viện KSND tối cao mời đại diện bưu điện các tỉnh là nguyên đơn dân sự trong khi HĐXX lại công nhận họ tạm thời là nhân chứng là không ổn…

Ý kiến thành phần HĐXX, luật sư Nghiêm còn yêu cầu cần thiết phải có sự thay đổi Hội thẩm nhân dân là bà Nguyễn Thu Liễu vì bà này đang là luật sư tập sự của Đoàn luật sư Đồng Nai.

Vào đầu giờ làm việc buổi chiều, HĐXX không đồng ý hoãn phiên toà theo yêu cầu của luật sư Dũng.

Theo toà, về phần giám định tại phiên toà đã có sự tham gia của đại diện tổ trưởng tổ giám định là ông Dương Văn Hòa là đủ; đối với ý kiến cần triệu tập giám định viên tâm thần của bị cáo Thái tòa ghi nhận sẽ lưu ý trong phần xét hỏi (nếu cần thiết sẽ triệu tập giám định tâm thần).

Về ý kiến của luật sư Nghiêm, HĐXX cho rằng việc bà Liễu tham gia vào HĐXX không rơi vào điều cấm của luật, vì vậy không cần thiết phải thay đổi người vừa là luật sư vừa là hội thẩm. 

Kết thúc phần thẩm vấn, trước khi chuyển qua phần xét hỏi, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên toà đã công bố cáo trạng. Theo lịch, đến cuối ngày 10/4, cáo trạng dài 109 trang mới được công bố xong.

Dự kiến, vào ngày 11/4, Tòa mới chuyển sang phần xét hỏi (dự kiến kéo dài từ 7 đến 8 ngày), đến ngày 23/4 sẽ chuyển sang phần đề nghị và tranh luận (dự kiến 5 đến 6 ngày) và dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 2/5.

Có 9 bị cáo trong vụ án bị tạm giam là Nguyễn Lâm Thái, Vũ Anh, Vũ Ngọc Hoan, Vũ Công Đại, Phạm Văn Tiến, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Vi Thành, Lê Thanh Tùng và Nguyễn Tiến Dũng. 37 bị cáo còn lại được tại ngoại, trong đó có 11 bị cáo nguyên là giám đốc bưu điện các tỉnh An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bình Định, Ninh Thuận, Cần Thơ, Phú Yên, Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau và 22 nhân viên dưới quyền. Như vậy, tổng cộng có đến 19 giám đốc hầu toà.

Liên quan đến vụ án 11 đối tượng liên quan khác được miễn truy tố trách nhiệm hình sự cũng bị triệu tập ra toà với tư cách là người làm chứng, người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, trong đó Trần Tạo - nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Long An và Lâm Đợi - nguyên Giám đốc Bưu điện Thừa Thiên - Huế (trước đó bị truy tố về tội cố ý làm trái nhưng đã được đình chỉ điều tra) đã có đơn xin vắng mặt.

Anh Huy
.
.
.