Mạo danh "cán bộ tòa án" để chạy án

Thứ Năm, 29/06/2006, 08:35

Được gia đình cho biết đã lo gần 10 triệu đồng để chạy án nhưng không có kết quả, từ trong trại giam, bị can Đồng đã viết đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An. Từ đây, chân tướng vị “cán bộ toà án” Phạm Văn Vinh mới lộ rõ.

Đã khá lâu, trên địa bàn một số huyện, thị ở Nghệ An, người dân xì xầm to nhỏ về việc có một đường dây chuyên "chạy án tù" cho các bị can ở trong trại hoặc bị xét xử trước tòa. Có người cho biết, các đối tượng còn đến tận gia đình các bị can đang thụ án trong tù xưng là "cán bộ tòa" để "nhận lo" mức "án treo" hoặc giảm án từ "nặng" xuống "nhẹ" với mức tiền từ 10 - 15 triệu đồng/vụ.

Mọi chuyện bắt đầu hé mở khi ngày 3/3, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an Nghệ An nhận được đơn của Phạm Văn Đồng (22 tuổi), trú tại Châu Quang, Quỳ Hợp tố cáo một "cán bộ tòa án" tên là Phạm Văn Vinh ở Nghi Vạn, Nghi Lộc đã nhận tiền "lo án treo" từ bố mình là ông Phạm Hồng Khánh.

Qua tiếp xúc với bị can Đồng và tiến hành xác minh ban đầu, Công an Nghệ An được biết, vào tháng 2/2005, tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp xảy ra vụ án "cướp tài sản" và 4 bị can đã bị khởi tố trong đó có Phạm Văn Đồng. Ông Phạm Hồng Khánh, bố đẻ của Đồng vốn rất thương con nên trong một lần đến nhà anh Lâm ở khối 12, thị trấn Quỳ Hợp chơi đã thổ lộ chuyện buồn của gia đình.

Tình cờ tại đây ông đã gặp một thanh niên bảnh bao tên là Phạm Văn Vinh quê ở Nghi Lộc và được anh ta giới thiệu là "cán bộ TAND tỉnh Nghệ An". Vinh huyên thuyên rằng mình đã "làm án" nhiều lần, dẫn chứng việc có thể giúp người này, người nọ thoát khỏi án tù…  Ông Khánh liền đặt vấn đề nhờ giúp chạy giảm án cho con trai thì Vinh đồng ý và hứa sẽ lo cho Đồng được hưởng án treo với số tiền chi phí "thuốc nước" là 10 triệu đồng.

Nhà ông Khánh vốn nghèo, lo ngay một khoản tiền như vậy quá khó khăn, song thương con và cũng tin tưởng nên ông Khánh đã phải đi vay người thân, bạn bè để đưa cho Vinh. Nhận đủ tiền ở ông Khánh, Vinh động viên là yên tâm, sẽ được như ý.

Ngày 20/7/2005, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "cướp tài sản" nói trên, Đồng bị tuyên phạt 18 tháng tù giam theo đúng như khung hình phạt và mức độ phạm tội của bị can này. Thấy mức án của con mình không được giảm nên ông Khánh tìm đến nhà Vinh để hỏi thì được giải thích rằng, đó mới xử sơ thẩm, muốn được giảm án thì phải kháng án để Tòa xử phúc thẩm.

Cơ quan điều tra lấy lời khai của Phạm Văn Vinh.

Để ông tin tưởng, Vinh đã soạn thảo đơn kháng cáo gửi cho Tòa án nhưng do viết sai ngày so với thời hạn 15 ngày kháng án nên đến ngày 26/9/2005, Tòa án phúc thẩm tại Hà Nội đã giao cho Tòa án huyện Quỳ Hợp triệu tập Phạm Văn Đồng để xác định xem Đồng có viết đơn kháng án không?

Tại đây Đồng khẳng định mình không viết và khai nhận việc viết đơn do một "cán bộ tòa án" tên là Phạm Văn Vinh viết hộ. Được gia đình cho biết vị "cán bộ toà án" này đã nhận gần 10 triệu đồng để chạy giảm án nhưng không có kết quả, vì vậy bị can Đồng đã viết đơn tố cáo gửi cơ quan CSĐT Công an Nghệ An và chân tướng của Phạm Văn Vinh mới lộ rõ.

Lấy nạn nhân làm "mồi nhử"

Qua nắm tình hình và kết quả xác minh ban đầu biết được hành vi của Phạm Văn Vinh là có hệ thống, xảy ra với nhiều gia đình bị can chứ không chỉ mỗi ông Khánh nên Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An xác lập chuyên án đấu tranh làm rõ. Thượng tá Lưu Quang Cư, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV cùng các cộng sự có nhiều kinh nghiệm đã tìm đến gia đình ông Khánh và các gia đình nạn nhân khác để tìm hiểu và tập trung mở rộng điều tra.

Được biết, lúc gần đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm, Vinh giục ông Khánh đến nhà người quen, người thân vay tiền, nếu không thì sẽ mất cả những khoản đã đưa trước đó. Thậm chí có lần Vinh còn thuê hẳn xe taxi ở TP Vinh đến nhà ông Vinh rồi đòi thanh toán tiền cho lái xe vì hắn phải chạy việc của ông cho kịp thời gian. Để chắc ăn, hắn đi "vay tiền" cùng ông Khánh và còn mò đến cả những gia đình khác có con em phạm tội để nhận "chạy án".

Quá trình chở anh "cán bộ tòa án" đi một số nơi, vô tình ông Khánh kể chuyện anh ta đang chạy giảm án cho con mình, thế là một số gia đình khác tin theo liền đặt vấn đề nhờ cậy Vinh. Điển hình là trường hợp chị Đặng Thị Phương, ở xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp.

Khoảng tháng 5/2005, anh Nguyễn Nhật Tân là chồng chị Phương dùng dao đâm trọng thương một người ở khối 18 thị trấn Quỳ Hợp. Do ông Khánh có quan hệ thông gia với chị Phương và lúc này tin tưởng anh "cán bộ tòa án" chạy được cho con mình giảm án nên vào tháng 7/2005, khi anh Tân đang bị tạm giam thì ông Khánh chở Phạm Văn Vinh đến nhà chị Phương đặt vấn đề "chạy án" cho anh Tân.

Vinh ngon ngọt hứa sẽ "chạy cho anh Tân trắng án, không phải qua pháp luật" và đòi chị Phương phải đưa cho Vinh 10 triệu đồng. Vinh đã nhiều lần lấy tiền từ chị Phương, khi chị đi vay tiền không được, đưa chưa đủ thì hắn đe dọa: "Không có tiền thì chồng em có thể bị xử từ 10 đến 15 năm. Nếu bị giam là sẽ chết trong tù, không vay thêm đưa đủ thì coi như số tiền trước đây là mất trắng".

Nhà quá khó khăn vì bố chồng già yếu bệnh tật nằm một chỗ, chị Phương vẫn phải cắn răng đi vay mượn, cầm cố giấy tờ lo đủ tiền đưa cho Vinh. Khi hỏi Vinh chuyện thủ tục, giấy tờ thì hắn lờ đi, mãi sau mới viết một tờ biên nhận vay tiền với lãi suất 2%/tháng. Vụ việc của chồng chị Phương cuối cùng vẫn chẳng tiến triển gì. Số tiền này, sau khi lấy, Vinh đã sử dụng cho cá nhân mình. Đã thế, Vinh lại sử dụng chị Phương, ông Khánh như những "mồi nhử" những gia đình bị can nhẹ dạ, cả tin khác sập bẫy "chạy án" của mình.

Những người bị lợi dụng này, vì đã "trót theo lao" nên cũng đành tiếp tục "kể chuyện gia đình mình" cho người khác nghe theo ý đồ đã sắp đặt của tên Vinh. Cứ thế, danh sách nạn nhân vướng vào màn kịch lừa đảo ngày một dài thêm, số tiền họ mất cũng nhiều lên...

Hiện Công an Nghệ An đang mở rộng điều tra và chiều 28/6 đã có thêm một số nạn nhân khác đến CQĐT tố cáo

Chí Long - Hữu Huỳnh
.
.
.