Mạnh tay để răn đe các tài xế "xe điên"

Thứ Bảy, 02/10/2010, 18:23
Sáng 30/9, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với Phòng Hướng dẫn, điều tra xử lý tai nạn giao thông và tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt về vấn đề nóng hổi mà các báo chí đăng liên tục trong thời gian qua: Đó là tai nạn giao thông do các lái "xe điên" gây ra và trách nhiệm của họ. Các lái xe này sẽ bị khởi tố về tội gì? Làm thế nào để hạn chế tình trạng trên?
>> Các tài xế "xe điên" bị xử lý thế nào?

Hậu quả đau lòng từ sự vô lương tâm của lái xe "điên

Như Báo CAND đã thông tin, khoảng 23h ngày 18/9, tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội), xe ôtô Captiva Chevrolet BKS 30N - 1380 có 5 thanh niên ngồi trên phóng nhanh, lạng lách đã tông vào xe máy nhãn hiệu Piaggio Liberty do anh Cao Xuân Thắng, 17 tuổi, trú ở 242 Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội điều khiển, phía sau chở bạn là Nguyễn Trường Giang, 18 tuổi, trú ở 12 Lò Đúc.

Thắng bị ôtô chèn qua tử vong tại chỗ còn Giang bị thương. Không dừng lại, chiếc ôtô 30N-1380 tiếp tục tháo chạy, tiếp tục gây tai nạn cho một số người. Người điều khiển chiếc "xe điên" trên là Nguyễn Minh Trí, 17 tuổi, ở 841 đường Giải Phóng, là kỹ sư. Sau vụ tai nạn trên, một số người cho rằng việc Trí bỏ chạy là do quy định của Luật Giao thông đường bộ cho phép(!).

Chúng tôi đã trao đổi với Trung tá Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra xử lý tai nạn giao thông và tuyên truyền được biết, theo quy định tại Điều 36 Luật Giao thông đường bộ thì khi xảy ra tai nạn, người lái xe và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có trách nhiệm: Dừng ngay xe lại; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người lái xe cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc trường hợp vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan Công an.

Trong trường hợp lái xe Nguyễn Minh Trí lái "xe điên" tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài (Hà Nội) rõ ràng hành vi bỏ chạy của đối tượng Nguyễn Minh Trí là không được phép vì khi Trí gây tai nạn đối với anh Cao Xuân Thắng, mọi người xung quanh chỉ la ó, kêu có vụ tai nạn xảy ra chứ không ai đe dọa lái xe.

Hiện trường vụ tai nạn gây ra cái chết của em Cao Xuân Thắng.

Trong trường hợp nào bị khởi tố về tội giết người?

Trung tá Hoàng Văn Viễn, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt) cho biết: Một số lái xe táng tận lương tâm, sau khi gây tai nạn khiến nạn nhân bị thương nặng đã cố tình chèn nạn nhân cho đến chết. Lý do mà các đối tượng thực hiện hành vi mất nhân tính đó chính là khoản tiền vài chục triệu đền bù nạn nhân.

Họ cho rằng, nếu nạn nhân chết vì tai nạn giao thông thì cũng chỉ bị đền bù khoảng 30-40 triệu đồng, còn nếu bị thương nặng thì việc đền bù sức khỏe, thuốc men… sẽ kéo dài và có khi lên đến trăm triệu đồng. Còn về việc xử phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự thì gây tai nạn giao thông cho nạn nhân với tỉ lệ thương tích từ 31% đến chết thì đều bị khởi tố hình sự về tội vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Điển hình như vụ tài xế  xe container Đặng Hữu Anh Tuấn, 25 tuổi, quê ở Bình Thuận cán chết em Nguyễn Thị Hội, 17 tuổi, lúc 22h5' ngày 14/5/2009 trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh). Hành vi của Đặng Hữu Anh Tuấn đã bị cơ quan CSĐT khởi tố về tội giết người; Tuấn đã bị Tòa án xử phạt 18 năm tù giam.

Trung tá Hoàng Văn Viễn cho biết: Muốn khởi tố một vụ án giết người về lĩnh vực tai nạn giao thông không hề đơn giản, bởi phải chứng minh được động cơ giết người của đối tượng lái xe, cố ý tước đoạt mạng sống của người khác.

Trong vụ Nguyễn Minh Trí gây tai nạn tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài (Hà Nội) có nhiều luồng dư luận cho rằng cần phải khởi tố Trí về tội giết người. Hiện nay, cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ vẫn đang giữ quan điểm khởi tố Trí tội danh vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng "xe điên"?

Chính vì các vụ tai nạn giao thông do các "xe điên" liên tiếp xảy ra, gây hoang mang cho người tham gia giao thông, khiến mỗi khi ra đường, mọi người đều nơm nớp lo sợ.  Trung tá Hoàng Văn Viễn cho rằng, để hạn chế các tai nạn xảy ra trước hết phải nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.

Hiện nay, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đang chỉ đạo Cảnh sát giao thông các địa phương đào tạo, sát hạch lại các trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX). Qua công tác này, chúng tôi phát hiện ra rằng, chất lượng đào tạo lái xe ở nhiều nơi còn yếu, nhiều lái xe hầu như không biết về các quy định trong Luật Giao thông.

Thứ 2: cần phải quản lý chặt chẽ các lái xe sau khi cấp giấy phép. Trước kia, theo quy định Bộ Công an đào tạo, sát hạch GPLX thì công tác quản lý hồ sơ lái xe rất cẩn thận. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức lái xe. Có như vậy, mới có thể dần giảm những tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra

Thu Hòa - Phương Thủy
.
.
.