Lê Thị Công Nhân và sự mù quáng của 1 nữ LS trẻ

Thứ Tư, 11/04/2007, 13:08

Trong thuật ngữ của các tổ chức phản động lưu vong, người ta gọi hành động lôi kéo "Lê Thị Công Nhân về Văn phòng Luật sư Thiên Ân của Đài để tiêm nhiễm tư tưởng chống đối Nhà nước là cách thức "phát triển kết nạp lực lượng".

Nếu ai được biết hoàn cảnh của Lê Thị Công Nhân có thể  không dè sẻn lời khen để nói rằng đó là một cô gái có nghị lực. Sinh năm 1979 ở Gò Công Tây, Tiền Giang, năm 2 tuổi Lê Thị Công Nhân phải chịu cảnh bố mẹ chia tay nhau, từ đó đến nay cô gái này vẫn chưa được gặp lại người cha đẻ của mình là ông Lê Minh Đức. Hiện không rõ ông Đức làm gì, ở đâu vì thất lạc tin tức.

Lên 5 tuổi, Nhân theo mẹ từ Gò Công Tây, Tiền Giang, ra Hà Nội sống cùng mẹ và cha dượng là một giáo sư danh tiếng của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những năm 1980, với đồng lương ít ỏi của mẹ là bà Trần Thị Lệ, một cán bộ bình thường của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có thể nói cuộc sống của một gia đình 4 - 5 miệng ăn chắc cũng chẳng dư dả gì. Vậy mà, Lê Thị Công Nhân dẫu mới chuyển về Thủ đô nhưng có thể nói đã khá tu chí học hành để thi đỗ vào Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ra trường năm 2001, Nhân học tiếp một thời gian nữa để được cấp bằng luật sư và từ đó Nhân dường như muốn theo đuổi nghề luật sư lâu dài thì phải. Nếu nhìn ở góc độ nhân văn, phải chăng vì ngay từ bé, Lê Thị Công Nhân sống thiếu bố nên thường có mặc cảm bị bất công, vì thế khi trưởng thành cô muốn theo đuổi nghề luật sư để bảo vệ công lý, bảo vệ sự bình đẳng cho giới phụ nữ.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự phỏng đoán của người viết bài này. Bởi theo một lô gích bình thường thì biết đâu đi theo con đường chính thuận, Lê Thị Công Nhân hoàn toàn có cơ hội phấn đấu trở thành một nữ luật sư tài năng ở Việt Nam.

Bởi khác với Nguyễn Văn Đài phải đi đường vòng lên Vĩnh Phúc để được tham gia Đoàn Luật sư, Lê Thị Công Nhân được cấp bằng luật sư đàng hoàng ngay từ năm 2003 và sau đó có thời gian ngắn làm thư ký quan hệ quốc tế của Đoàn Luật sư Hà Nội. Như vậy, chí ít Nhân cũng có vốn ngoại ngữ thuộc diện "đọc thông viết thạo" mới được đảm đương nhiệm vụ đó.

Thế nhưng, dường như là không may khi đang còn quá trẻ, Lê Thị Công Nhân lại bị vướng vào "từ trường" của Nguyễn Văn Đài lúc cô gái này cần thời gian rèn luyện bản lĩnh nhất.

Vậy là có thể nói không ngoa rằng, Lê Thị Công Nhân bị Nguyễn Văn Đài lôi kéo, cám dỗ và trở thành thân tín của Đài trong các hoạt động chống đối Nhà nước. Trong thuật ngữ của các tổ chức phản động lưu vong, người ta gọi hành động lôi kéo "nữ nhi" Nhân về Văn phòng Luật sư Thiên Ân của Đài để tiêm nhiễm tư tưởng chống đối Nhà nước là cách thức "phát triển kết nạp lực lượng".

Khi bị bắt quả tang cùng Nguyễn Văn Đài đang tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam tại Văn phòng số 10 Đoàn Trần Nghiệp, Lê Thị Công Nhân đã thừa nhận rằng chính Nguyễn Văn Đài đã giới thiệu cô ta quy đạo Tin lành tại Hội thánh Tin lành số 2 Ngõ Trạm, Hà Nội.

Trước đó, từ năm 12 tuổi, Lê Thị Công Nhân là tín đồ BAHA"I (tức đạo Bà hai, ánh sáng), nhưng từ năm 2005, Lê Thị Công Nhân và mẹ là Trần Thị Lệ đã bị Hội đồng tinh thần đạo BAHA"I Việt Nam truất quyền đầu phiếu do có những hoạt động vi phạm giáo lý, giáo luật… Thì ra việc "chuyển đạo", "đổi tín đồ" của Lê Thị Công Nhân là thể hiện cá tính bất ổn của cô, góp phần tạo nên những tiền đề thực hiện mưu đồ chống phá Nhà nước sau này.

Có lẽ vừa bị cám dỗ, vừa bị tiêm nhiễm lúc còn quá trẻ tuổi, cho nên chỉ trong một thời gian ngắn khi về Văn phòng Luật sư Thiên Ân, Lê Thị Công Nhân lao như con thiêu thân vào các hoạt động chống đối Nhà nước.

Ví như vào tháng 4/2006, Lê Thị Công Nhân đã ký tên ủng hộ cái gọi là "Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam 2006" và chủ động cùng Nguyễn Văn Đài tham gia "khối 8406" mà kẻ khởi xướng là Nguyễn Văn Lý, đối tượng lợi dụng tôn giáo ở Huế hoạt động vi phạm pháp luật vừa bị TAND Thừa Thiên - Huế xử 8 năm tù giam. Đây là một tổ chức được Nguyễn Văn Lý và đồng bọn thành lập một cách trái phép nhằm thực hiện hoạt động xuyên tạc, vu cáo, chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Bản thân Lê Thị Công Nhân cũng thừa nhận đã ủng hộ cái gọi là "Hội dân oan Việt Nam" do Đài lập ra. Đặc biệt, theo lời Nhân khai, vào tháng 9/2006, cô ta đã chủ động xin gia nhập vào cái gọi là "đảng Thăng tiến Việt Nam" cũng do Nguyễn Văn Lý câu kết với bọn phản động lưu vong người Việt vừa nặn ra.

Không rõ vì bị kích động hay vì lý do gì nữa mà Lê Thị Công Nhân rất hăng hái ủng hộ cái đảng phản động này. Quyết liệt đến mức, từ 2/9 đến 5/9/2006, Nhân - một cô gái chưa chồng, nhưng đã dám chủ động "xăm xăm băng lối... tàu khuya một mình" vào tận Huế để gặp Nguyễn Văn Lý và một số nhân vật trong ban đại diện thành lập "đảng Thăng tiến Việt Nam" là Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào ở 69 Phan Đình Phùng - Huế... Tại đây Nhân tham gia cùng bàn luận về nội dung của dự thảo "cương lĩnh" tạm thời, bàn việc quyết định tuyên bố công khai đảng này trên mạng Internet vào ngày 8/9/2006.--PageBreak--

Đáng chú ý là nhóm này thống nhất phân công cho Lê Thị Công Nhân làm "phát ngôn viên" của đảng tại Hà Nội, đồng thời có nhiệm vụ truyền đạt những ý kiến, quan điểm sau khi đã được thảo luận, thống nhất trong đảng. Vì đã "quy phục" như thế, cho nên sau này, Lê Thị Công Nhân đã nhiều lần trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài, tuyên truyền với người thân trong gia đình và bè bạn về mục tiêu, cương lĩnh đấu tranh của đảng này, qua đó để xuyên tạc, vu cáo thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Chính cô ta cũng khai báo với cơ quan Công an rằng, cô tự nguyện xin được làm phát ngôn viên của đảng này. Thực ra, Nhân cũng biết việc tham gia "đảng Thăng tiến Việt Nam" và các "nhóm" khác cũng chỉ trò đánh trống ghi tên nhằm mục đích moi tiền từ các tổ chức phản động bên ngoài để kiếm sống mà thôi.

Có một điều dường như không phải là ngẫu nhiên, đó là sau khi tạo được chiếc áo khoác là thành viên "đảng Thăng tiến Việt Nam" được mấy ngày, Lê Thị Công Nhân đã móc nối và được nhóm người Việt phản động ở Ba Lan mời sang tham dự hội nghị Vacsava 2006 về quyền lao động  nhằm thành lập cái gọi là "ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam" do Trần Ngọc Thành (cầm đầu tổ chức "Đàn chim Việt" tại Ba Lan) làm Chủ tịch.

Nguyễn Văn Đài đã xăng xái lo liệu cho Nhân chuẩn bị lên đường, mục đích của Đài và Nhân muốn thông qua chuyến đi nước ngoài này để "quốc tế hoá" vai trò "nhân vật đối lập" của Nhân ở trong nước; đồng thời họ móc nối, tìm hậu thuẫn từ Trần Ngọc Thành và một số tên phản động ở nước ngoài để vận động thành lập cái gọi là "Công đoàn độc lập Việt Nam". Thành và Đài, Nhân "sắp khoai trong ấm" rằng, chỉ cần Nhân có mặt đúng ngày khai mạc Hội nghị ở Ba Lan, họ sẽ tuyên bố vận động công đoàn trên thế giới lập "ủy ban yểm trợ công đoàn độc lập Việt Nam".

Sau này Nhân khai rằng, để tham dự hội nghị trên, Nhân đã soạn thảo bài viết dài 6 trang giấy A4 nhan đề "Khía cạnh pháp lý của vấn đề đình công và nhu cầu có một công đoàn độc lập tại Việt Nam" đòi công đoàn độc lập này không nằm trong Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng không là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhân đã gửi tài liệu trên sang Ba Lan qua Email để kiếm chác ít tiền mua vé máy bay và kinh phí ăn ở từ nước ngoài. Tuy nhiên, Nhân đã không được phép xuất cảnh, vì thế cô ta không thực hiện được ý đồ xấu trên.

Cũng như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân đã hoạt động rất manh động trong việc viết bài, trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài nhằm mục đích xuyên tạc, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Ví như tháng 11/2006, Lê Thị Công Nhân đã viết và tung lên mạng Internet bài "Sự thật về việc bãi bỏ Nghị định 31/CP ngày 14/4/1997".

Với giọng lưỡi quá điêu toa và ác khẩu, Nhân vu cáo: "Nghị định 56/CP về văn hóa và thông tin vừa mới ra đời ngày 6/6/2006 còn tinh vi hơn... trong việc đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ...". Quả là lố bịch!

Sau này Nhân còn trả lời phỏng vấn báo Đối thoại (tờ báo của bọn phản động lưu vong người Việt ở Mỹ) và bình luận xuyên tạc Chỉ thị 37/TTg-2006 là xâm phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, kích động tư tưởng "dân chủ đa nguyên" trong giới phóng viên báo chí. Sau này Lê Thị Công Nhân đã thừa nhận mình "đã cảm tính cá nhân, không đưa ra được những bằng chứng cụ thể khi bịa chuyện phóng viên trong nước phản ứng mạnh mẽ Chỉ thị 37/TTg-2006 "(?).

Một bằng chứng rõ ràng nhất trong hành vi chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật của Lê Thị Công Nhân, đó là cô ta cùng với Nguyễn Văn Đài đã lôi kéo một số người khiếu kiện và sinh viên tụ tập tại Văn phòng Luật sư Thiên Ân (số 10 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội) để tuyên truyền chống chế độ, xuyên tạc vu cáo Nhà nước ta vi phạm, đàn áp dân chủ, nhân quyền. Hai sinh viên tham gia lớp học này đã làm đơn tố cáo Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân kích động lôi kéo họ tham gia tổ chức phản động.

Có thể nói rằng, Lê Thị Công Nhân có quan điểm riêng về chuyện đa nguyên, đa đảng ấy là quyền tự do tư tưởng cá nhân. Tuy nhiên, Lê Thị Công Nhân có nhiều hoạt động viết, tuyên truyền vu cáo xuyên tạc tình hình trong nước, thành lập đảng phái trái phép là vi phạm pháp luật.

Bản thân Lê Thị Công Nhân đã nhiều lần được Đoàn Luật sư Hà Nội và cơ quan bảo vệ pháp luật cảnh báo, giải thích, phân tích để Nhân hiểu rõ các hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, nhưng đáng tiếc Lê Thị Công Nhân vẫn ngoan cố, thậm chí còn chống đối quyết liệt, vi phạm nghiêm trọng luật pháp Nhà nước CHXHCN Việt Nam, buộc các cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý để bảo đảm an ninh quốc gia và sự nghiêm minh của pháp luật.

Thật đáng tiếc cho sự lầm đường của một thiếu nữ có học như Lê Thị Công Nhân. Một chút nhan sắc, một ít kiến thức ở nhà trường chưa đủ, những người con gái trẻ tuổi như Lê Thị Công Nhân còn cần một bản lĩnh sống trường đời để tỉnh táo không bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng vào những hoạt động chính trị nguy hiểm.

Suy cho cùng, cả Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đều tìm mọi thủ đoạn để "đánh bóng" mình, chống đối Nhà nước một cách ngông cuồng, quyết liệt nhằm thỏa mãn tham vọng cá nhân. Những hành vi ngông cuồng để thực hiện ảo vọng và kiếm đồng tiền lẻ của các thế lực thù địch. Hành vi của họ đã phá vỡ cuộc sống bình yên của người dân, của những người ruột thịt, vi phạm pháp luật, bị dư luận xã hội lên án, cần phải xử lý nghiêm

Nguyễn Thế Hoàng
.
.
.