Từ vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ở một số địa phương:

Không được lợi dụng gây mất an ninh trật tự

Thứ Tư, 10/04/2013, 09:22
Những ngày qua, vụ việc liên quan đến cái chết của anh Nguyễn Tuấn Anh, trú tại phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã thu hút sự chú ý của dư luận. Thực chất, đây là một án hình sự bình thường, nhưng đã bị một số đối tượng quá khích kích động gia đình nạn nhân, có lúc đám đông tụ tập 300 đến 500 người đưa quan tài nạn nhân đi diễu phố, rồi đưa ra những yêu sách vô lý.

Tuy nhiên, sau hai ngày nỗ lực, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, có sự phối hợp của các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, đã giải quyết tốt tình hình, giải tán đám đông, giải thích, vận động gia đình nạn nhân đưa quan tài người xấu số về an táng. Cũng như một số vụ việc ở các địa phương từng bị các đối tượng quá khích đẩy lên phức tạp, để giải quyết tốt tình hình, cơ quan Công an đã phải nỗ lực rất lớn và có phương pháp giải quyết hợp lý…

Bài 1: Tung tin sai lệch và hiệu ứng tâm lý đám đông

Các vụ việc kể trên ban đầu chỉ là những vụ án hình sự, hoặc chết người bình thường. Nhưng lợi dụng một khía cạnh nhạy cảm của vấn đề (trong vụ Vĩnh Phúc các đối tượng tung tin liên quan đến con rể đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, vụ ở Bắc Giang do bị can có người nhà là cán bộ của cơ quan tố tụng…) nên các đối tượng đã kích động người dân tạo áp lực với chính quyền, gây mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

Đối tượng quá khích lợi dụng kích động người dân

Ở các vụ việc kể trên, phải khẳng định rằng, đều do các đối tượng quá khích lợi dụng vụ việc xảy ra để "bé xé ra to", kích động gia đình các nạn nhân và đám đông hiếu kỳ có những hành vi chống lại chính quyền và lực lượng chức năng. Hành vi của chúng đều xuất phát từ sự bực tức do những đòi hỏi, khiếu kiện của mình không được như mong muốn.

Trong vụ liên quan đến cái chết của anh Tuấn Anh ở phường Hội Hợp (Vĩnh Phúc), chính gia đình nạn nhân cũng thừa nhận rằng, khoảng 9h ngày 17/3, khi đến trụ sở Công an tỉnh Vĩnh Phúc gửi đơn yêu cầu cơ quan Công an bắt giữ các đối tượng liên quan, được tuyên truyền, giải thích, họ đã trở về địa phương.

Tuy nhiên, sau khi khám nghiệm tử thi, một số đối tượng quá khích đã lôi kéo gia đình và một số người dân dùng xe lôi kéo quan tài của nạn nhân đến cổng trụ sở Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để gây áp lực từ 15h đến 17h. Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo Thành ủy Vĩnh Yên, lãnh đạo phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên đã tiếp đại diện gia đình nạn nhân và giải thích vụ việc xảy ra, kết quả điều tra ban đầu như việc xử lý, bắt tạm giam các đối tượng… Gia đình đã xin lỗi đồng chí Giám đốc Công an tỉnh để xảy ra vi phạm trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận và hứa cam kết đưa xác nạn nhân về mai táng.

Tuy nhiên, đến 17h30' cùng ngày, khi đến ngã tư Km37 - QL2A thuộc địa phận phường Hội Hợp (nơi gia đình nạn nhân sinh sống), một số đối tượng quá khích đã kéo ghìm quan tài của nạn nhân lại, không cho gia đình đưa về và tiếp tục kích động hàng trăm người dân tiếp tục tụ tập ở ngã tư, gây áp lực với cơ quan Công an, yêu sách đưa 5 đối tượng bị bắt đến nơi để quan tài và…  xử bắn ngay.

Cơ quan Công an đã tạm giữ 3 đối tượng quá khích có hành vi xô đẩy, ném đá vào cán bộ, chiến sỹ Công an đang thi hành nhiệm vụ thì cả 3 đối tượng này đều chẳng liên quan gì đến gia đình nạn nhân, mà chúng thuộc những gia đình đang có việc khiếu kiện đất đai kéo dài.

Trong vụ sản phụ Trần Thị Loan tử vong sau khi sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, do bệnh viện chậm trễ, không kịp thời gặp gỡ, giải thích nguyên nhân tử vong nên khoảng 20 người là thân nhân của chị Loan đã kéo đến bệnh viện yêu cầu làm rõ nguyên nhân, đòi hành hung y bác sĩ. Lợi dụng việc trên, một số công dân phường Đại Phúc đã kéo đến bệnh viện mang theo quan tài, loa, đài phát nhạc hiếu, vòng hoa, bàn thờ di ảnh của chị Loan gây náo loạn trước cửa bệnh viện, thậm chí đem theo cả cuốc, xẻng đến đào đất, đòi chôn xác nạn nhân ngay trong khuôn viên bệnh viện. Không chỉ gây rối, các đối tượng còn đập phá cửa và các tài sản khác của bệnh viện...

Các đối tượng gây rối TTCC, chống người thi hành công vụ (trong vụ lợi dụng việc anh Nguyễn Văn Khương chết) bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án.

Thấy sự kiện như vậy, hàng ngàn người dân hiếu kỳ cũng tụ tập xung quanh khu vực Bệnh viện Kinh Bắc dẫn đến ùn tắc giao thông và gây mất an ninh trật tự (ANTT)... Công an và chính quyền địa phương kiên trì thuyết phục, vận động nhân dân không tham gia tụ tập, gây mất ANTT, phân công những đồng chí lãnh đạo tổ chức đối thoại, vận động gia đình sản phụ Loan kiềm chế; đồng thời tác động, phân hóa các đối tượng quá khích, cầm đầu;  kiên quyết bảo vệ an toàn tài sản của bệnh viện, đồng thời tháo "ngòi nổ" yêu cầu bệnh viện giải thích rõ về cái chết của nạn nhân. Nhờ đó, ANTT đã ổn định trở lại.

Các đối tượng quá khích sẽ có nhiều chiêu, trò để kích động đám đông. Chẳng hạn, trong vụ ở Vĩnh Phúc, chúng vin vào cớ sự việc liên quan đến con rể của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, kích động người dân gây áp lực với cơ quan Công an đòi phải xử lý lập tức anh này và đồng bọn. Rồi chúng giở ngay điện thoại, đọc các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng Internet, như lúc thì cho rằng nạn nhân bị đánh gãy răng, lúc cho rằng Công an kết luận nạn nhân bị chết đuối dưới nước… để kích gia đình nạn nhân tiếp tục tụ tập, dùng quan tài đem đi diễu phố…

Vụ gây rối TTCC, chống người thi hành công vụ ở tỉnh Bắc Giang cũng tương tự như vậy. Vì cho rằng Nguyễn Thế Nghiệp (nguyên Thiếu úy Công an huyện Tân Yên) - người làm chết anh Nguyễn Văn Khương có người nhà là cán bộ của cơ quan tố tụng nên một số đối tượng lợi dụng, cho rằng có sự bao che để kích động người dân tham gia.

Hiệu ứng không tốt từ tâm lý đám đông

Trong vụ việc xảy ra ở Vĩnh Phúc, có những lúc đám đông tụ tập đến 300 - 500 người, hò hét, gây áp lực với chính quyền và cơ quan Công an. Theo sự phân hóa của cơ quan Công an, trong số này chỉ có rất ít người là người nhà nạn nhân, một số là các đối tượng quá khích, còn lại là đám đông người dân tụ tập hiếu kỳ. Họ tham gia hầu như chẳng có mục đích gì cụ thể, chỉ là tò mò và hiếu kỳ, thế nhưng đã vô tình gây ra sự ách tắc giao thông, để các đối tượng quá khích lợi dụng và gây khó khăn cho việc giải tỏa của cơ quan Công an.

Khi bị gọi hỏi, một số đối tượng tham gia các vụ gây rối trên khai rằng, họ đang ở nhà, hoặc ngồi tụ tập ở quán nước, thấy mọi người bảo đi xem vụ mang quan tài diễu phố thì tò mò chạy theo. Mặc dù họ chẳng biết anh Tuấn Anh là ai, cũng chẳng hiểu mô tê gì sự việc, nhưng cứ thấy đám đông là nhập vào, thấy người ta hò hét, cũng hò hét theo…

Vụ sản phụ Trần Thị Loan chết ở bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc cũng tương tự như vậy. Trong số những người tụ tập, gây áp lực thì chỉ có khoảng 30-40 người là thân nhân hoặc có quen biết với chị Loan, một số là đối tượng cơ hội còn phần đông là người dân hiếu kỳ "thấy đông thì đến xem", thậm chí, có người còn gọi bạn bè từ các huyện xa đến để xem vụ việc, gây phức tạp về ANTT, ách tắc giao thông. Đây là tâm lý, thói quen không tốt, thói a dua của một bộ phận dân cư…

Sau đó, Công an TP Bắc Ninh đã khởi tố vụ án gây rối TTCC, làm rõ 9 đối tượng có hành vi gây rối, quá khích. Điều đáng nói là tất cả các đối tượng trên đều không phải là người nhà nạn nhân mà đều là công dân của phường Đại Phúc đang có thắc mắc, khiếu kiện với chính quyền về việc đền bù đất đai.

Cụ thể nhất là vụ gây rối TTCC, chống người thi hành công vụ ở Bắc Giang, trong 10 đối tượng bị khởi tố, bắt giam thì đa phần có hộ khẩu thường trú tại TP Bắc Giang, không quen biết gì với nạn nhân nhưng vì thiếu suy nghĩ dẫn đến quá khích, không làm chủ được bản thân. Tại phiên tòa xét xử 10 bị cáo trên, tất cả đều rất ăn năn, hối hận, xin được giảm nhẹ hình phạt bởi chính họ đã nhận ra sai lầm của mình và mong muốn được có cơ hội để sửa chữa

T. Hòa - P. Thủy
.
.
.