Gom tiền chất ở VN mang sang Úc sản xuất ma túy

Thứ Hai, 11/08/2008, 11:16
Mua được Actifed, Trung, Tự, Tài, Đoàn và Ninh tập trung lại, xay thuốc thành bột mịn, đóng vào các vỏ bao rồi chuyển sang Australia cho "khách hàng" để sản xuất ma túy tổng hợp.

Ngày 10/8, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý (C17) cho biết đang chuẩn bị hoàn thành kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ vụ án Phùng Bảo Ninh cùng đồng bọn mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại TP HCM sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố các bị can.

Đường dây này hình thành từ 2 đối tượng Việt kiều Australia tên là Nguyễn Quang Trung và Phan Đình Tài. Một tổ chức tội phạm ở Australia đã bắt mối với Trung, Tài và đặt mua nguồn thuốc Actifed nhằm sản xuất ma tuý. Trung biết được rằng, ở Việt Nam, thuốc Actifed được bán bình thường ở các hiệu thuốc.

Khoảng mùng 5, 6 Tết Nguyên Đán, từ Australia, Trung điện thoại về Việt Nam cho em rể là Dương Nam Tư, ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng nhờ mua thuốc Actifed.

Mùng 8 Tết, Tư bay vào TP HCM, điện thoại cho bạn là Phùng Bảo Ninh đón, chở đến nhà Tạ Văn Đoàn để bàn về việc mua thuốc Actifed với số lượng lớn, tiền công là 1 triệu đồng/kg.

Ngày 26/2, tức ngày 12 Tết, Trung và Tài từ Australia bay về TP HCM. Dưới sự hướng dẫn của 2 đối tượng này, việc mua bán thuốc Actifed và vận chuyển sang Australia mới thực sự được vận hành một cách chuyên nghiệp.

Do quen biết nhiều, Phùng Bảo Ninh nhận nhiệm vụ đi mua thuốc Actifed. Ninh đến Công ty Dược liệu TW 2 đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1, TP HCM, hỏi mua thuốc Actifed với số lượng lớn của dược sỹ Nguyễn Thị Ngọc Sương. Sương có báo cáo Giám đốc Trung tâm kinh doanh thuốc của công ty là Bùi Thị Bích Thu.

Mặc dù sau đó, Ninh cung cấp tên giả là Phùng Thế Hùng, ở phường 2, quận Tân Bình nhưng Giám đốc Thu và dược sỹ Sương không hề kiểm tra giấy tờ tùy thân cũng như giấy tờ về kinh doanh thuốc, vẫn bán cho Ninh 3 lần với tổng số lượng là 15.980 hộp thuốc Actifed. Lần thứ 4, do Giám đốc Thu trả lời là hết hàng, Ninh đã nhờ em trai đi mua của người quen là chủ nhà thuốc thêm 3.000 hộp Actifed nữa.

Tất cả số thuốc Actifed do Ninh mua về được Trung và Tài tập kết tại nhà Tạ Văn Đoàn ở quận Bình Thạnh.

Có mặt đủ 5 người: Trung, Tư, Tài, Đoàn, Ninh, Trung hướng dẫn mọi người bóc ra, rồi xay thuốc Actifed thành bột mịn, đóng vào các vỏ bao mang nhãn hiệu massage mới chuyển sang Australia được.

Trung cũng giải thích rõ rằng người bên đó đặt mua thuốc Actifed để sản xuất ma túy tổng hợp. Bọn chúng đã sử dụng toàn bộ tên và giấy tờ giả để gửi các lô hàng có tiền chất sang Australia.

Ngày 12/3/2007, Tạ Văn Đoàn cùng Tài, Tư đến Công ty Vận chuyển VOSA Sài Gòn gửi 44kg bột thuốc Actifed nhưng dùng tên và CMND mang tên Nguyễn Đức Quế mà Đoàn nhặt được. Hôm sau, Tư về Hải Phòng, những đối tượng còn lại vẫn tiếp tục việc vận chuyển bột thuốc Actifed ra nước ngoài.

Ngày 22/3, Tài, Trung và Ninh đến Công ty Vận chuyển VOSA Sài Gòn dùng CMND của em trai Ninh là Phùng Bảo Toàn (đã chết) để gửi 58kg bột thuốc Actifed.

Đến tháng 5/2007, Ninh tiếp tục dùng giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Khánh Thắng (do Ninh nhặt được), thay ảnh của anh ta vào, đến Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL-VNPT ở phường 4, quận Tân Bình chuyển 2 lần bột thuốc Actifed đi Australia. Lần thứ nhất 8kg, lần 2 cũng khoảng 8kg thì bị bắt. Tổng cộng, bọn chúng đã vận chuyển đi Australia 118,267kg bột thuốc Actifed, trọng lượng Pseudophedrine (tiền chất ma tuý) là khoảng hơn 20kg.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, cơ quan CSĐT đã khởi tố Phùng Bảo Ninh, Dương Nam Tư, Tạ Văn Đoàn về tội mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, Ninh thêm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Nguyễn Quang Trung và Phan Đình Tài đã xuất cảnh về Australia nên cơ quan Công an ra lệnh truy nã, tách thành vụ án khác, khi nào bắt được xử lý sau.

Nhưng rõ ràng, qua vụ án này, trước đó có vụ Nguyễn Bá Trí gửi bột thuốc Actifed sang Australia cho con trai, có thể thấy hiện nay, tội phạm ở nước ngoài đang có xu hướng lợi dụng địa bàn Việt Nam để thu gom tiền chất chuyển sang sản xuất ma tuý. Đây là tình trạng đáng báo động, đòi hỏi việc quản lý tiền chất ở Việt Nam phải được xiết chặt hơn

T. Hoà
.
.
.