Giao dịch ngoại tệ cẩn thận gặp đôla giả

Thứ Ba, 28/04/2009, 10:21
Văn phòng Interpol, Tổng cục Cảnh sát cho hay, gần đây xuất hiện một số vụ người Việt Nam lưu hành tiền giả là ngoại tệ (chủ yếu là đô la giả). Những người này thường lấy lý do số ngoại tệ giả là do các đối tác làm ăn ở nước ngoài thanh toán, không biết đó là tiền giả.
>> Sự thật về "kho báu Hội Hoa Mai"

Mới đây là vụ Nguyễn Hoàng Minh (42 tuổi, trú tại phường Tân Phú, TP HCM) đem theo 1.700 USD giả đến cửa hàng 289 Giảng Võ đổi sang tiền Việt và bị phát hiện.

Minh khai nhận có quan hệ làm ăn với một công ty nước ngoài. Khoảng tháng 10/2008, Minh được trả 3.000 USD tiền công dịch vụ lắp đặt máy phát hình, trong đó có 1.700 USD nêu trên và Minh đã mang số tiền này đi thanh toán.

Văn phòng Interpol Việt Nam đang phối hợp với Cảnh sát Singapore xác minh nguồn gốc số tiền nói trên, phục vụ công tác điều tra.

Liên quan hoạt động tiêu thụ đô la giả, Văn phòng Interpol cũng nhận được thông tin trao đổi của Cảnh sát Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, vừa qua Cảnh sát Macau bắt giữ một số vụ tiêu thụ tiền Hồng Kông mệnh giá 1.000 đô la giả. Cảnh sát Hồng Kông nhận định, các đối tượng vẫn tiếp tục tiêu thụ số đôla Hồng Kông giả đã sản xuất ra trước đây.

Gần đây, cơ quan chức năng cũng phát hiện một số vụ lưu hành đô la giả với mệnh giá lớn. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các tờ tiền do Ngân hàng Mỹ phát hành, lưu thông và có giá trị thanh toán trên thị trường chỉ có các đồng đô la mệnh giá 1, 2, 5, 10, 20, 50 và 100 USD.

Các đồng tiền có mệnh giá lớn như 500 USD, 1.000 USD, 5.000 USD hiện không lưu hành trên thị trường. Còn tờ 100.000 USD không phải là tiền, mà là giấy chứng nhận sở hữu vàng, các tờ chứng nhận này chỉ dành cho Chính phủ trong các giao dịch vàng.

Các tờ tiền mệnh giá lớn bị ngừng in ấn từ năm 1946, và rút khỏi lưu thông vào năm 1969

Phan Đăng
.
.
.