Giải thoát một giám đốc Công ty TNHH bị bắt cóc

Chủ Nhật, 30/04/2006, 08:41

Long, Phồn, Chương và Quyết lái xe ôtô ra Hà Nội tìm Thông để ăn chặn 160 triệu đồng mà Thông, Giám đốc Công ty TNHH Hạnh Thông, nhận để chạy thủ tục đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan cho một số người. Phồn mặc bộ quần áo an ninh, dùng 1 mảnh giấy lì xì màu đỏ cho vào ví da, giả danh công an vào bắt Thông.

19h30 ngày 15/4/2006, một xe 4 chỗ ngồi màu trắng mang biển kiểm soát (BKS) 37H-8831 và một xe taxi lao đến đậu chắn ngay trước lối ra vào quán bia hơi trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). 4 người mở cửa bước vội ra khỏi xe, đi nhanh đến góc khuất - nơi có một đôi nam nữ đang trò chuyện, uống bia.

Một thanh niên khoác bộ quần áo an ninh nhưng không mang cầu vai cấp hiệu, rút trong túi ngực ra một ví da màu đen, xòe ra trước mặt hai người, để lộ một tờ giấy màu đỏ, nghiêm mặt hỏi: “Anh có phải tên là Thông, Giám đốc Công ty TNHH Hạnh Thông?”. "Đúng vậy!". “Tôi là Cảnh sát điều tra kinh tế Công an tỉnh Nghệ An được cấp trên giao nhiệm vụ ra đây tìm bắt anh về cơ quan điều tra (?!) Yêu cầu anh ra  xe về Nghệ An để làm  việc...”. "Các anh bắt tôi về tội gì...?". "Tội gì thì về cơ quan điều tra sẽ rõ".

Nói xong, cả 4 người trong nhóm xốc nách vị khách đưa lên xe taxi đang nổ máy chờ sẵn bên lề đường, sau đó tăng ga lao đi. Còn xe ôtô mang BKS 37H-8831 bám theo sau. Ra đến đường Giải Phóng - Hà Nội, một người ngồi trên xe taxi nhảy xuống sau đó cả 2 xe chạy theo hướng về Nghệ An.

Ngồi trên xe, anh Thông nhận ra 1 trong 4 người lạ mặt bắt anh có một người tên là Long, quê Nghệ An. Đã có một vài lần Long ra Hà Nội tìm gặp Thông để môi giới cho người đi lao động ở Đài Loan. Long vỗ vai Thông, giới thiệu với Thông: "Đây là sếp Phồn, Thượng tá Cơ quan Cảnh sát điều tra kinh tế Công an Nghệ An, người trực tiếp thụ lý vụ án này. Anh yên tâm! Chúng tôi đưa anh về Nghệ An được thì cũng đưa anh quay ra Hà Nội được. Miễn là anh phải có động thái “tích cực”, hợp tác với chúng tôi...!".

Những kẻ bắt cóc.

Sau đó người có tên là Phồn bắt anh Thông phải đưa điện thoại di động và chứng minh nhân dân cho nhóm người này. Phồn và Long nói như hăm dọa: 2 tên Thuận và Doanh - bạn của anh đã bị bắt. Nếu anh “thích vào” Trại tạm giam ở Nghi Kim “thăm” 2 vị đó thì tôi đưa vào (?!)... Nói xong, Phồn rút điện thoại gọi cho ai đó, nói như ra lệnh: “Alô! Chú bố trí anh em trực cơ quan chịu khó chờ để đưa đối tượng vào trại nhé!".

Đúng 1h30, xe chở anh Thông về đến ngã ba Quán Bánh, nhưng không rẽ vào Trại tạm giam Công an tỉnh mà chạy thẳng vào TP Vinh, rồi rẽ vào một ngôi nhà và được biết nhà này là của “sếp" Phồn, ở khối 6, phường Hà Huy Tập. Tại đây anh Thông bị “nhốt” trong buồng tối. Sau đó, Phồn vào đưa giấy bắt Thông viết 2 bản tường trình về việc nhận tiền làm thủ tục đưa đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan chưa trả lại và một giấy xin ra đầu thú trước cơ quan pháp luật - theo yêu cầu của Phồn.

Khi anh Thông viết xong, Phồn rút ra 1 bình - nghi là bình xịt hơi cay đặt trước bàn, nói: “Phải biết ngoan ngoãn nghe lời... nếu chống cự là... không xong”... Phồn lấy điện thoại của  anh Thông gọi cho vợ Thông: “Chúng tôi là cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An, yêu cầu nội nhật ngày mai chị phải có 10.000 USD đem vào nộp gấp, nếu không chúng tôi sẽ truy tố chồng chị... Nói xong, Phồn đưa điện thoại bắt Thông nói với vợ theo chỉ đạo của Phồn: “Ngày mai em xoay tiền đưa vào cho anh. Địa điểm gặp ở đâu anh thông báo sau!".

Bắt vợ nộp tiền để “chuộc chồng”

Sáng 16/4, nhóm người này đưa anh Thông lên xe chở ra nhà của một người có tên là Quảng, ở cuối xóm 18B, xã Nghi Liên, huyện Nghi Lộc (cách TP Vinh khoảng 15 km). Trên đường đi, Phồn đưa điện thoại để Thông gọi cho em trai tên là Trần Văn Trung, giáo viên trường tiểu học xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu và bắt anh Thông phải nói với nội dung đại ý là 17h chiều nay phải mang đủ 160 triệu đồng, hoặc 10.000 USD vào nộp cho Công an, nếu không cho xe đặc chủng đến chở, tống vào trại tạm giam ở Nghi Kim...

Khoảng 17h chiều 16/4, Quảng có đưa đến một người đàn ông. Khi người đó ra về, Quảng nói với Thông: đó là “trưởng công an” huỵện Nghi Lộc. Quảng bỏ đi, lúc quay về hỏi Thông: “Thế nào rồi, vợ đã mang tiền vào chưa?". "Vợ tôi đã vào đến Diễn Châu, anh nán đợi chút nữa" - Thông nói. Quảng đến nhấc điện thoại bàn gọi: “Anh Tuấn à! Anh cho một xe thùng cùng anh em đến nhà tôi... Đồng thời cho anh em trực chiến tại đơn vị”... Phồn ngồi bên cạnh Quảng, nói: “Chú Quảng... hãy... từ từ đã!...". Nói xong, Phồn quay sang nói với anh Thông: “Quảng là phó công an huyện - phụ trách hình sự, tính nóng như lửa! Chú yên tâm, mọi việc có gì anh lo!".

Chiều đến, đang ăn cơm thì Trung, em ruột anh Thông gọi điện thoại vào máy của Thông mà Phồn đang giữ: “Anh đang ở đâu để em và chị Điệp mang tiền đến”. Quảng  vui vẻ trả lời: “Chú đang ở đâu... Cứ chờ đấy... ăn cơm xong anh ra đón ngay...”. Sau khi điện báo cho anh Thông xong, Trần Văn Trung, em ruột Thông thống nhất với chị Điệp phải báo cho lực lượng phản ứng nhanh của Công an tỉnh Nghệ An biết.--PageBreak--

Nhận được tin báo: Có một số đối tượng giả danh là Công an Nghệ An ra Hà Nội “bắt cóc” anh Trần Văn Thông, là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại nhằm đòi tiền chuộc, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Đội Cảnh sát 113 kết hợp với PC14 và Công an huyện Nghi Lộc tổ chức lực lượng mật phục bắt quả tang các đối tượng.

Qua quan sát, các chiến sĩ Cảnh sát 113 phát hiện trong nhà Quảng có 5 đối tượng là nam giới đang chụm đầu bên chiếc bàn nhỏ uống nước, thì thầm to nhỏ. Còn anh Thông ngồi co ro ở xó tường, tâm trạng sợ hãi.

Đúng như kế hoạch, khoảng 5 phút sau, lực lượng 113 phát hiện 2 người, 1 nam, 1 nữ  đến nhà Quảng gõ cửa và giới thiệu là người nhà anh Thông đến nộp tiền phạt để “chuộc chồng”. Vừa dứt lời, một đối tượng to cao, bước đến  mở cửa. Khi chị Điệp và anh Trung bước vào nhà, Quảng kiểm tra “mật khẩu,” thấy an toàn mới cho ngồi xuống bàn. Quảng tự giới thiệu với chị Điệp: “Tôi và anh Phồn là công an huyện. Anh Phồn là người cao nhất ở đây, giải quyết vụ này, có gì gia đình cứ làm việc với anh Phồn".

Chị Điệp mở túi xách, lấy ra 62 triệu đồng đặt trước mặt Phồn và viết giấy bảo lãnh để xin được đưa chồng về, nhưng Phồn không nghe, đòi chị phải nộp đủ tiền. Anh Thông lột luôn dây chuyền vàng đeo trong người trao cho Phồn, nhưng Phồn vẫn không đồng ý. Bỗng chuông điện thoại bàn reo. Quảng chạy lại nghe, trả lời rằng hiện gia đình mới đưa  vào 62 triệu, chưa xong... anh em cứ tập trung ở đó...

Trong lúc chị Điệp viết giấy bảo lãnh cho chồng và xin khất nợ số tiền còn lại 2 ngày sau vào trả hết, bất ngờ lực lượng cảnh sát 113 xô cửa ập vào nhà, bắt quả tang cả 5 đối tượng. Lợi dụng đêm tối 2 đối tượng chuồn cửa sau chạy trốn, nhưng bị các lực lượng mai phục bên ngoài đuổi theo bắt giữ.

Tại Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An, bọn chúng gồm Nguyễn Quốc Chương, 36 tuổi; Nguyễn Văn Quyết, 25 tuổi; Phạm Bá Long, 27 tuổi đều quê ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên; Ngô Đức Phồn, 46 tuổi, trú tại xã Nghi Công và Nguyễn Văn Quảng, 33 tuổi, trú tại xã Nghi Liên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Quảng hiện công tác ở Công ty Cổ phần Thương mại; Long là cán bộ Công ty TNHH Bắc Hồng Hà và Quyết là lái xe, các tên còn lại sống bằng nghề làm ruộng. Ngô Đức Phồn, người khoác bộ quần áo an ninh và chìa “thẻ đỏ” bắt anh Thông đã từng bị C14 Bộ Công an truy tìm về hành vi làm hộ chiếu giả.

Theo lời khai của các đối tượng, thì sau một thời gian biết anh Thông thay đổi cơ quan, chỗ ở và không liên lạc được, Long, Phồn, Chương và Quyết lái xe ôtô ra Hà Nội tìm Thông, mục đích là để ăn chặn 160 triệu đồng do Thông nhận của một số người ở Hưng Nguyên, Nghệ An để làm thủ tục đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan, không được nhưng chưa trả lại.

Đến Hà Nội, cả 4 đối tượng liên lạc được với một người phụ nữ, người này biết số điện thoại của Thông. Sau khi người phụ nữ gọi điện cho Thông và hẹn gặp nhau tại một quán bia trên đường Lê Trọng Tấn để bàn chuyện làm ăn. Thông nhận lời và hẹn đúng 17h có mặt. Khi phát hiện Thông và người phụ nữ ngồi nói chuyện tại quán bia trên đường Lê Trọng Tấn thì bọn chúng lấy bộ quân phục an ninh đưa cho Phồn mặc.

Sau đó dùng 1 mảnh giấy lì xì màu đỏ (thường để mừng tuổi trẻ con) cho vào ví da, đưa cho Phồn, để giả danh công an vào bắt Thông. Khi Thông gọi bia ra chưa kịp uống, cả 4 đối tượng bất ngờ ập đến. Phồn chìa ví da, miễn là để cho Thông nhìn thấy  mảnh giấy màu đỏ, rồi vội gập lại cho vào túi áo, sau đó chúng cắp nách Thông ra xe đưa về Vinh.

Về đến Vinh, sợ bị “lộ tẩy”, Long gọi điện báo với Quảng là đã bắt được Thông, đồng thời bàn với Quảng là đưa Thông vào nhà Quảng để thực hiện việc trao đổi, nhận tiền. Quảng đồng ý...

Ngày 22/4/2006, Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can và thi hành bắt tạm giam Ngô Đức Phồn, 46 tuổi, trú ở xã Nghi Quang, Nghi Lộc; Phạm Bá Long, 27 tuổi, trú ở Hưng Đạo, Hưng Nguyên (Nghệ An) về tội: "Giả mạo chức vụ, quyền hạn" và "Bắt giữ người trái pháp luật"

Hữu Trọng
.
.
.