Đường dây chạy chế độ thương binh tại Yên Bái

Thứ Năm, 21/09/2006, 13:56

Mộc giới thiệu cho Liên 30 người có nhu cầu làm hồ sơ thương binh giả để nhận 24 triệu đồng “tiền hoa hồng”. Sau này, thấy ngon ăn, Mộc trực tiếp “chế tác” 15 bộ hồ sơ thương binh giả để ăn trọn gói.

Qua nguồn tin của quần chúng, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Yên Bái phát hiện trên địa bàn đang hình thành một đường dây chạy làm hồ sơ thương binh giả có quy mô lớn. Đường dây này do Nguyễn Ngọc Liên, 43 tuổi, trú tại tổ 13, phường Yên Ninh cầm đầu.

Cùng thời gian này, thực hiện công văn của Văn phòng Tỉnh uỷ và ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc về việc giải quyết đơn thư phản ánh của người dân về đường dây chạy chế độ, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đã khẩn trương vào cuộc, thu thập tài liệu. Qua nhiều hồ sơ thương binh đã được hưởng chế độ, các trinh sát phát hiện hầu hết các bộ giấy tờ này đã được tẩy xoá, sửa đổi hòng hợp thức hóa về mặt thủ tục, chiếm đoạt tiền.

Với những căn cứ đã thu thập được, ngày 8/9, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Yên Bái đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Liên. Tại nhà đối tượng, CQĐT thu giữ hơn 63 triệu đồng, một sổ tiết kiệm có giá trị là 130 nghìn đồng cùng khoảng 30 bộ hồ sơ xin chạy chế độ thương binh và một số  giấy tờ giả có đóng dấu khống của một số đơn vị.

Ngày 11/9, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đã thực hiện quyết định khởi tố bị can đối với Liên về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Quá trình điều tra xác định: Sau ngày xuất ngũ trở về địa phương, Nguyễn Ngọc Liên về làm việc tại Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh. Do một số sai phạm trong quá trình hoạt động, Liên được điều chuyển sang làm cán bộ tại Công ty Cơ khí và xây lắp công nghiệp tỉnh Yên Bái và hiện đang được nghỉ để chờ chế độ hưu.

Việc làm giấy tờ giả để chạy chế độ thương binh của Liên bắt đầu từ năm 2004, thông qua các mối quan hệ xã hội và những hiểu biết của bản thân về việc làm các thủ tục nhận tiền chế độ thương binh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Thủ đoạn phạm tội của Liên rất tinh vi, có nhiều trường hợp Liên mượn hồ sơ của người khác để làm chế độ thương binh, nhưng bản thân thì lại được hưởng tiền chế độ hàng tháng như  trường hợp của anh Hồ Thanh Bình, trú tại Âu Lâu, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Anh Bình trước đây từng là bộ đội xuất ngũ và đang được hưởng chế độ mất sức. Thông qua mối quan hệ xã hội (vợ của anh Bình có quen với Liên) nên Bình và Liên đã làm quen với nhau. Bằng việc tẩy xoá, Liên đã làm thủ tục cho anh Bình được hưởng chế độ thương binh từ năm 1993 đến nay. Nhưng thực chất số tiền chế độ thương binh hàng tháng thì Liên được hưởng, còn anh Bình chỉ cần quyển sổ trên để tạo chế độ chính sách cho con mình trong các trường hợp như thi tuyển đại học...

Sự liều lĩnh của Liên còn thể hiện ở chỗ, anh ta sẵn sàng làm giả toàn bộ giấy tờ, chuyển người từ vùng này sang vùng khác để hợp thức hoá thủ tục như trường hợp của anh Trần Đức Tú là một giáo viên hợp đồng tại tỉnh Quảng Ninh. Tú là anh rể của Liên. Liên đã làm giấy tờ giả hợp thức hoá việc anh này ở Yên Bái và làm chế độ để anh Tú được hưởng chế độ thương binh từ năm 2006, với số tiền là 300 nghìn đồng/tháng.

Theo lời khai của Liên tại CQĐT thì để hợp thức hoá các thủ tục, Liên cũng dựa trên những bộ hồ sơ của các đối tượng xuất ngũ. Với những bộ hồ sơ không có đủ điều kiện (nghĩa là không bị thương), Liên đã sửa chữa, tẩy xoá, sau đó lợi dụng vào sự hiểu biết của cán bộ thụ lý hồ sơ về các thủ tục để tạo ra những bộ giấy tờ giả cho hợp lý.

Với những bộ hồ sơ của những người đã nhập ngũ trước năm 1975, thiếu giấy tờ gốc, Liên sẽ bổ sung bằng các giấy tờ giả, hoặc tẩy sửa, ghi thêm các điều kiện. Với những đối tượng đã được giám định rồi mà không đủ điều kiện để làm chế độ thương binh, Liên tẩy xóa phần xác nhận đó xem như chưa giám định để làm giấy chứng thương. Ngoài ra, thông qua một số giấy chứng thương khống chỉ, (những giấy này Liên mua của một đối tượng không quen biết), anh ta đã điền nội dung không có thật vào đó để làm chế độ thương binh giả, trong đó đã có người được hưởng với chế độ thương binh từ mức thấp nhất là 274.000 đồng -  560 nghìn đồng/tháng/người.

Bước đầu CQĐT xác định, từ năm 2004 đến nay, bằng thủ đoạn làm giả giấy tờ, Liên đã nhận 135 hồ sơ làm chế độ thương binh giả, đã thực hiện được 100 hồ sơ để chiếm đoạt  gần 700 triệu đồng.

Ngày 19/9, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Yên Bái đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Hữu Mộc, 53 tuổi, trú tại thôn 3, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Theo lời khai của Mộc thì thông qua các mối quan hệ, ông ta quen biết với Liên và biết được ông này có đường dây chạy hồ sơ thương binh. Ông Mộc và Liên đã thỏa thuận, mỗi hồ sơ thương binh Mộc giới thiệu, ông ta sẽ được hưởng 500 nghìn đồng. Mộc đã giới thiệu cho Liên 30 người, trong đó có 25 người trực tiếp đưa tiền cho Mộc với tổng số là 147 triệu đồng, 5 người trực tiếp nộp tiền cho Liên. Qua việc môi giới, Mộc đã kiếm được 24 triệu đồng.

Thời gian sau này, thấy việc làm giấy tờ chạy chế độ thương binh giả thu lời nhanh, Mộc đã trực tiếp làm giả 15 hồ sơ.

Vụ việc hiện đang được Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đấu tranh, làm rõ

Xuân Mai
.
.
.