Dư luận bất bình việc bà trùm băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen được tại ngoại

Thứ Sáu, 20/02/2009, 15:30

Gần một tháng qua, dư luận ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bày tỏ thái độ ngạc nhiên khi nhìn thấy bị can Trần Thị Hoàng Ánh, biệt danh "Ánh Phú", 44 tuổi, trú ở 34/7A Nguyễn Thiện Thuật, phường Tân Lập - một đối tượng chủ chốt trong băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" bị  triệt xoá hồi tháng 10/2006, đã được tại ngoại.

Nhiều đơn thư tố cáo đã được gửi đến các cơ quan chức trách ở Trung ương và địa phương.

Hơn 10 năm trước, "Ánh Phú" bước vào thế giới "tín dụng đen" và trở thành "trùm" cho vay nặng lãi ở Nha Trang, hoạt động dưới hình thức trả góp cả gốc lẫn lãi mỗi ngày hoặc mỗi tháng với lãi suất từ 8 đến 45%. Khi các con nợ không có tiền trả, "Ánh Phú" tung chiêu cho vay mới để trả nợ cũ, dẫn đến nhiều người khánh kiệt vì nợ nần chồng chất.

Để mở rộng lãnh địa làm ăn, Ánh cấu kết, nuôi dưỡng một số đối tượng cộm cán trong giới giang hồ như "Hạnh Nhật", "Minh tàng", "Cu ghẻ" với số tiền "bo" mỗi tháng 30 triệu đồng. Đã từng có không ít người né tránh hoặc trả tiền nợ vay không đúng hạn, Ánh trực tiếp hoặc chỉ đạo "Hạnh Nhật" huy động đàn em lùng tìm dằn mặt, đe dọa tính mạng, đánh đập, cưỡng đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, trong số những người bị bắt chẹt từ chiêu thức cho vay nặng lãi có 6 nạn nhân là Trần Thị Thảo, Nguyễn Thị Như Thủy, Nguyễn Hữu Thu, Huỳnh Minh Cảnh, Nguyễn Thị Cảnh và Mai Kim Duyên ở TP Nha Trang. Họ vay của Ánh tổng số tiền 2.657.500.000 đồng. Sau đó Ánh thu được 3.371.260.000 đồng, trong đó có khoản tiền lãi bất chính gần 764 triệu đồng.

Trong lúc điều hành đường dây cho vay nặng lãi, "Ánh Phú" đã giở chiêu cưỡng đoạt tài sản của con nợ hết sức táo tợn. Để vay được của Ánh 50 triệu đồng, lãi suất mỗi tháng 9%, tháng 7/2002, anh Cao Thành Sơn, trú ở 152/14 Trần Quý Cáp, phường Phương Sài phải mượn giấy tờ sở hữu ngôi nhà 152/16 Trần Quý Cáp của người anh trai là Cao Hiệp để thế chấp cho bà "trùm". Hai tháng sau do bị thoát vị đĩa đệm nên anh Sơn phải vào Bệnh viện Quân y 175 ở TP Hồ Chí Minh để điều trị.

Cho rằng Sơn trốn nợ, nên Ánh vào bệnh viện lùng tìm và buộc trả nợ gốc và lãi 110 triệu đồng. Sơn hẹn nợ, nhưng Ánh vẫn ép Sơn điện thoại buộc anh Hiệp bán lại ngôi nhà. Do bị bức ép bằng những lời lẽ đe dọa, Sơn phải thực hiện yêu cầu của Ánh. Lập tức, Ánh liên lạc với chồng là Trương Văn Phú đến "lấy" nhà của anh Hiệp với giá 129 triệu đồng để khấu trừ nợ anh Sơn đã vay. Kết cục anh Hiệp phải giao nhà cho vợ chồng "Ánh Phú" nhưng chỉ nhận được… 19 triệu đồng, phần còn lại đã bị Ánh cưỡng đoạt!

Trường hợp chị Phạm Thị Bích Thu, trú ở 2T khu Quân Trấn, phường Lộc Thọ vay của Ánh 5 triệu, nhưng do đau ốm không trả góp đúng hạn, nên đã bị Ánh "gộp" nợ đến mức sau gần 1 năm cật lực trả góp 21 triệu đồng, nhưng  Ánh vẫn cho rằng chị Thu còn nợ 9 triệu đồng. Nhiều lần chị Thu xin xóa nợ, nhưng vẫn bị Ánh chặn đường, dùng điện thoại đập vào mặt gây thương tích 5%.

Chị Đinh Thị Lài, chủ quán bia 7G3 Hùng Vương, phường Lộc Thọ không trả nợ vay đúng hạn, Ánh chi tiền "bo" cho "Hạnh Nhật" huy động đàn em mang xác cá thối, nước phân ném vào quán, rồi cầm mã tấu chém chồng chị Lài là Nguyễn Văn Nghĩa thương tích 15%.

Với những hành phạm tội nêu trên, Ánh bị truy tố ba tội danh cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản và cố ý gây thương tích. Ngoài Ánh còn có 11 bị can vào vòng tố tụng về tội cố ý gây thương tích.

Trần Thị Hoàng Ánh tại một phiên tòa

Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, trong đó có ba lần TAND TP Nha Trang đưa vụ án ra xét xử vào các ngày 14/7, 24/10 và 1/12/2008 nhưng không thể tuyên án. Lần thứ nhất toà trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, lần thứ hai luật sư bào chữa cho Ánh xin hoãn phiên tòa. Tại phiên xử lần thứ ba, Ánh tiếp tục phản cung chối tội, nên "điệp khúc" trả hồ sơ tái diễn. Theo tòa, Ánh còn phạm tội khác, đồng thời đề nghị điều tra bổ sung một số tình tiết khác.

Tại bản kết luận điều tra bổ sung ngày 2/1/2009, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định giữ nguyên quan điểm tại các bản kết luận điều tra trước đây, vì hầu hết các yêu cầu bổ sung đều có tại hồ sơ vụ án.

Theo đó, Viện KSND TP Nha Trang tiếp tục truy tố Ánh về ba tội danh nêu trên. Tuy nhiên, điều khiến cho dư luận ngạc nhiên trước câu hỏi: dựa vào căn cứ nào mà trước Tết Nguyên đán, cơ quan kiểm sát ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Trần Thị Hoàng Ánh từ tạm giam sang tại ngoại, trong khi vụ án chưa có phán quyết của cấp sơ thẩm.

Hơn thế nữa, trong vụ án này, Ánh bị truy tố ba tội danh, đã gây ra hàng chục vụ án rất nghiêm trọng, nhưng lại được "ưu ái" ung dung ngoài xã hội trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu.

Tiếp xúc với chúng tôi, không ít điều tra viên và người dân cho rằng cần phải kiểm chứng lại trình tự thủ tục bảo lãnh để Ánh tại ngoại. Mặt khác, TAND TP Nha Trang cần sớm đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không để tái diễn "điệp khúc" trả hồ sơ điều tra bổ sung vượt quá quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự

PV
.
.
.