Dọa giết người qua điện thoại

Thứ Sáu, 22/09/2006, 08:35
Mỗi ngày, nhà bà Đào nhận được vài chục cuộc điện thoại với nội dung: "Dùng xe ôtô đâm vào nhà, dùng thuốc nổ sát hại những người thân trong gia đình...". Nhiều đêm khuya, những tiếng chuông reo vang khiến cả nhà giật mình, hoang mang, lo sợ.

Trong lá đơn gửi tới Báo CAND, bà Nguyễn Thị Đào cho biết: Từ tháng 6/2006 đến những ngày cuối tháng 9 này, chiếc điện thoại cố định của gia đình cứ như một nỗi ám ảnh với các thành viên trong nhà. Kẻ đe doạ đã dùng nhiều số máy điện thoại di động gọi đến đe dọa tính mạng, tài sản của tất cả mọi người trong gia đình bà Đào.

Mỗi ngày, hắn gọi đến vài chục cuộc điện thoại. Khi nhấc máy, đầu dây bên kia là một giọng nam dữ dằn chửi bới, đe doạ: "Dùng xe ôtô đâm vào nhà, dùng thuốc nổ sát hại những người thân trong gia đình...". Nhiều đêm khuya, những tiếng chuông reo vang khiến cả nhà giật mình, hoang mang, lo sợ.

Để có thể biết số điện thoại của kẻ gọi đến, bà Đào lắp đặt dịch vụ hiển thị số và phát hiện rất nhiều số điện thoại di động gọi đến của cả hai mạng điện thoại Viettel và Vinaphone: 0988.087xxx, 0986621xxx, 0985.815xxx, 0918.995xxx. 0917.246xxx... Có số gọi cố định khoảng một giờ trong ngày, còn những số khác thì gọi bất kể giờ nào, ngay cả đêm khuya.

Kiểm tra các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình bà Đào thấy không có mâu thuẫn với ai. Chỉ có một chút xô xát nhỏ với một khách hàng đến quán cơm của nhà nên mọi người đặt sự nghi vấn vào đó.

Để nhắc nhở các chủ số điện thoại trên, con rể bà Đào dùng máy điện thoại di động gọi, nhắn tin thì ngay lập tức anh cũng trở thành nạn nhân bị "khủng bố" qua điện thoại. Lo lắng nguy cơ có thể xảy ra như lời đe dọa qua điện thoại, gia đình bà Đào đã có đơn trình báo tới hai mạng điện thoại di động trên và Công an tỉnh Hòa Bình.

Chúng tôi cũng đã nhận được khá nhiều phản ánh của bạn đọc về nội dung như trên. Việc bị khủng bố tinh thần qua điện thoại hiện đang trở thành vấn nạn. Hầu hết các cuộc thoại đe dọa nghiêm trọng, thời gian kéo dài đều có chủ đích của đối tượng gọi đến. Do không giải quyết được mâu thuẫn hoặc nhằm một mục đích nào đó, họ thường dùng điện thoại di động thuê bao trả trước gọi điện đe dọa, tác động mạnh vào tâm lý khiến nạn nhân sợ hãi, hoang mang.

Những lá đơn phản ánh bị đe dọa qua điện thoại gửi tới Báo CAND.

Ngoài việc đe dọa giết người có mục đích, hiện nay khách hàng dùng điện thoại di động còn nhận được nhiều cuộc nháy máy hoặc thư rác (gọi là Spam call) có nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt. Và để chặn đứng hiện tượng trên, tạm thời chỉ có hướng xử lý là trình báo cơ quan Công an và đơn vị cung cấp dịch vụ điện thoại di động, nhưng cũng phải theo một quy trình khá lâu. Cơ quan Công an cũng đã từng xử lý nhiều đối tượng đe dọa, quấy rối qua điện thoại.

Tâm lý của những người bị đe dọa qua điện thoại hầu hết là muốn cắt ngay số điện thoại di động "thủ phạm" và xử lý nghiêm khắc chủ thuê bao đó. Nhưng theo quy định, việc ngừng thuê bao trong những trường hợp này phải do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Tất Dũng, Trưởng ban Chính sách bưu chính viễn thông, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội cho biết, mạng di động Viettel có nhận được một số phản ánh qua điện thoại của khách hàng bị đe dọa, quấy rối, nhưng ít người phản ánh bằng đơn thư. Thời gian vừa qua, công ty đã phối hợp với một số cơ quan của Bộ Công an xác định thông tin, vị trí và chặn cắt chiều đi, chiều đến của 432 thuê bao.

Theo Nghị định 160/2004-NĐ-CP ngày 3/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Bưu chính viễn thông về viễn thông: "Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm bí mật các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông bao gồm tên, địa chỉ, số máy chủ gọi, số máy bị gọi, thời gian gọi và các thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp".

Đối với mạng điện thoại di động Vinaphone thì cũng phải thực hiện theo quy định này. Nếu khách hàng bị quấy rối, đe dọa bằng số điện thoại thuê bao của Vinaphone thì phải làm đơn có xác nhận của cơ quan Công an có thẩm quyền hoặc công văn đề nghị của cơ quan Công an. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ có trách nhiệm thông báo tới chủ thuê bao, nếu cố tình vi phạm trong thời hạn nhất định thì mới ngừng cung cấp dịch vụ. 

Những trường hợp bị đe dọa như gia đình bà Đào ở tỉnh Hòa Bình và nhiều trường hợp khác rất mong cơ quan Công an nhanh chóng điều tra làm rõ để giúp họ ổn định tinh thần, yên tâm sinh sống và làm việc. Việc đe dọa giết người qua điện thoại là hành vi vi phạm pháp luật và nhất thiết phải bị nghiêm trị theo pháp luật

Việt Hà
.
.
.