Chuyện điều tra dấu vết khó nói

Chủ Nhật, 04/04/2010, 11:25
Những vụ án xâm hại tình dục (XHTD) tự thân nó đã hàm chứa sự tế nhị, điều mà ngay cả nạn nhân cũng thường tìm cách né tránh khi khai báo hay muốn giấu đi. Nhưng trong khoa học hình sự, chuyện có khó nói đến mấy cũng phải được lý giải bằng khoa học, bằng chứng cứ.
>> Chuyện "nghề" điều tra trọng án Hà Nội

Lắt léo vụ án "người thứ ba bí ẩn"!

Trong môi trường bị phủ bởi văn hóa mạng mà chỉ cần "enter" là có, nạn nhân bị XHTD đang có xu hướng tăng lên. Có nhiều nguyên cớ để giải thích cho hành động của những gã đàn ông bị dục vọng thao túng, biến thành tội phạm, nhưng ở góc độ xã hội học, người ta quy cho văn hóa mạng với phim ảnh, Internet đồi trụy biến người xem lệ thuộc và hành động như phim.

Lý giải đó về xã hội học là có cơ sở, nhưng trong xử lý hình sự, nguyên cớ do phim sex thao túng, kích động không thể được coi là yếu tố giảm nhẹ. Thật khôi hài khi chứng kiến có bị cáo trước tòa, lời sau cùng nói rằng nếu không coi phim sex thì... không phạm tội. Giải nghĩa này cũng giống như kẻ say rượu gây án, nói rằng nếu không uống rượu thì đã khác.

Giám định sinh hóa giúp giải mã nhiều uẩn khúc vụ án. Ảnh CTV.

Nghĩa là, đời thường có thể hiểu như vậy, và dễ cảm thông phần nào đó, nhưng trước pháp lý, chẳng có lý do nào ngụy biện cho hành động phạm pháp vì bị kích thích bởi tác động ngoại cảnh kiểu phim ảnh, băng hình. Hiểu theo nghĩa đó, mỗi người cần phải có sự chế ngự bản thân, còn khi bị dục vọng điều khiển, xâm hại danh dự, nhân phẩm của người khác thì tất cả sự biện minh đã muộn.

Việc bị hại che giấu hay né tránh khai báo trung thực khi bị XHTD khiến việc điều tra gặp khó khăn. Ngay việc giám định những dấu vết "chỗ ấy" - một yêu cầu bắt buộc khi chưa rõ thủ phạm thì không ít bị hại tỏ ra sợ hãi, e ngại khiến CQĐT phải dùng những nữ điều tra viên có kinh nghiệm để động viên chị em...

Chuyện trái khoáy nhất có thể kể là vụ án hiếp dâm, cướp của ở Phú Thọ xảy ra lúc chạng vạng tối tại đồi Chùa Trì, phường Nông Trang, TP Việt Trì. Vụ án được Phòng PC16, Công an Phú Thọ thụ lý điều tra. Anh K. và chị N. đến cơ quan Công an tố giác: Khi họ đang tâm sự trên đồi Chùa Trì thì bất ngờ có 2 thanh niên đến cầm gậy đập vào đầu, cướp toàn bộ tài sản, sau đó khống chế, thay nhau làm nhục chị N. Vụ án xảy ra trong đêm, khi đó việc khám nghiệm hiện trường rất khó khăn nhưng các điều tra viên Phòng PC16 đã nhanh chóng lên đồi Chùa Trì thu thập dấu vết liên quan.

Vụ án đang triển khai, sau ít ngày bất ngờ chị N. thay đổi lời khai, nói rằng hai tên chỉ cướp tiền, vàng chứ không hãm hại chị. Chị N. nói hai tên cướp mặc quần đùi tấn công, còn chị và anh K. đang ăn mặc bình thường, ngồi nói chuyện. Sau chính anh K. cũng nói bọn cướp không XHTD bạn gái mình. Trung tâm y tế khi khám chị N cũng cho kết luận rằng, chị bình thường, chỗ ấy còn "nguyên vẹn", không có dấu vết biểu hiện sinh hoạt tình dục hay bị hãm hiếp. Thế nhưng trạng thái tâm lý của chị N rất hoảng loạn...

Nếu như lời khai của bị hại cho rằng không có chuyện bị XHTD, hiển nhiên vụ án hiếp dâm "đóng cửa", chỉ khởi tố tội cướp tài sản. Nhưng các điều tra viên Phòng PC16, Công an Phú Thọ nhận định khả năng XHTD là có thật nhưng do bị hại lo lắng, hoảng hốt và lo ngại vì đụng chạm chuyện tế nhị nên ban đầu tố giác mình bị hại, sau thấy dân làng xì xào bàn tán nên thay đổi lời khai.

Trước tình hình đó, CQĐT giao 2 nữ điều tra viên trực tiếp trao đổi với chị N., anh K., đề nghị khai báo sự thật để việc điều tra được thuận lợi, có cơ sở xử lý nghiêm kẻ phạm tội. Nhận thấy điều tra viên là nữ, nói thấu lý nên rốt cuộc chị N thừa nhận đúng là mình bị 2 kẻ xấu làm chuyện đồi bại trên đồi Chùa Trì.

Việc khám nghiệm trước đó phát hiện có "chất đàn ông" ở chỗ kín chị N. Mẫu này được gửi đến Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, trưng cầu giám định, mục đích để xác định liệu đây có phải là "sản phẩm" của hai tên cướp, và nếu đúng thì là của tên cướp nào, hay của cả hai?

Kết quả giám định sau đó được chuyển về cho thấy, dịch này không phải chỉ 1 loại mà có tới… 3 loại, tức phải có 3 người quan hệ trong cùng khoảng thời gian. Đến lúc này, vụ án hé lộ chân tướng hai tên cướp của, XHTD nhưng từ đây lại một vướng mắc nữa, cực kỳ trái khoáy: Chị N khai chỉ có 2 tên, không hề có tên cướp thứ… 3!

CQĐT lại giao nữ điều tra viên có kinh nghiệm cùng trao đổi, nói chuyện chị em. Đến lúc này chị N mới thừa nhận sự thật, đó là khi 2 anh chị đang làm "chuyện ấy" thì chúng ập vào, dùng gậy khống chế, cướp của và làm việc đồi bại.

Nhưng dù có dấu vết nói trên song thủ phạm chưa rõ, việc xác định ai là thủ phạm cũng hết sức khó khăn. Nhận định đối tượng nhiều khả năng là người trong địa bàn, CQĐT cho rà soát gần 300 đối tượng, sau khi sàng lọc xác định tên Trần Văn Tĩnh và Nguyễn Văn Cường có nhiều dấu hiệu nghi vấn nhất. Tuy nhiên hai tên này từ chối, thậm chí chúng còn rỉ tai bảo "súng bắn vào tai cũng không khai nhận".

Trong lúc chưa có giám định AND thì tên Cường đã lộ rõ bản chất khi giáp mặt chị N, bị chị N khẳng định chính hắn là thủ phạm. Ban đầu hắn vẫn chối cãi, cho rằng trời tối làm sao chị N biết rõ mặt. Rốt cuộc, sau vài tiếng đấu trí, Cường đành cúi đầu nhận tội. Hắn cũng khai tên Tĩnh tham gia vụ này. Kết quả giám định sau đó cũng trả lời chính Tĩnh, Cường và... người yêu của chị N là tác giả dấu vết để lại.

Giải mã những uẩn khúc

Cuối năm 2009, Báo CAND nhận được đơn tố giác tội phạm của bà mẹ có con gái bị kẻ xấu hãm hại ngay tại nhà. Chị Phạm Thị S., trú tại Sơn Trường, Hương Sơn (Hà Tĩnh) tất tưởi đưa con gái ra Hà Nội, tới Tòa soạn Báo CAND gửi đơn tố giác. Trong đơn, chị cho biết, con gái chị là em T., mới 13 tuổi, bị đối tượng tên Dũng, người cùng xã hãm hại. Sự việc được tố giác ngay sau đó nhưng bản khám nghiệm tổn thương của trung tâm y tế địa phương lại đưa ra kết luận: vùng kín không bị tổn hại, không phát hiện dấu vết gì. Đau đớn trước cảnh con gái bị xâm hại mà kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, chị phải khăn gói ra Hà Nội.

Giám định gen tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Ảnh: Trung Xuyền.

Cháu T. được giám định ngay trong buổi chiều và sự thật được giải mã với kết luận giám định sau đó được Viện gửi về Công an huyện theo đường bưu điện. Kết luận giám định do giám định viên, bác sỹ Bùi Dũng, TS Đào Quốc Tuấn và TS Nguyễn Văn Hò ký ngay sau khi giám định cơ quan sinh dục cháu T., đã có kết luận nhưng đáng nói là kết luận này ngược lại với chẩn đoán của trung tâm y tế địa phương. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Giám đốc Nguyễn Thanh Tân chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm thủ phạm, đồng thời yêu cầu CQĐT Công an huyện phải làm việc đúng quy định pháp luật.

Trên thực tế, không phải cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm đánh giá đồng nhất trong trường hợp thủ phạm quanh co chối tội. Có những vụ án cho tới khi nạn nhân tố giác thì đã qua nhiều ngày, không thể lấy mẫu, dấu vết từ nạn nhân để trưng cầu giám định.

Viện vào lý do này, thủ phạm tìm cách thoái thác, không nhận tội. Giải mã những uẩn khúc vụ án, ngoài việc trưng cầu giám định còn phải có sự tham gia của các y, bác sỹ có kinh nghiệm trong ngành y. Đơn cử như vụ án Phạm Văn Tiến (Thủy Nguyên, Hải Phòng) phạm tội hiếp dâm trẻ em, vụ việc do bị phát giác muộn, cơ quan chức năng không thu được dấu vết để lại trên người nạn nhân để giám định. Vin vào đó, Tiến một mực chối tội.

Khi xử sơ thẩm, Chánh án TAND huyện Thủy Nguyên cho rằng có căn cứ khẳng định bị cáo phạm tội hiếp dâm nhưng quan điểm của CQĐT, VKS lại không buộc tội hành vi này. Thay vào đó, truy tố Tiến tội "Dâm ô với trẻ em". Vụ án kéo dài gây bức xúc dư luận tại Hải Phòng trong gần 2 năm trời.

Nút thắt của vụ án chính là căn bệnh hoa liễu mà nạn nhân mắc phải do thủ phạm nhiễm bệnh, lây truyền khi quan hệ tình dục. Đó là chìa khóa để cơ quan tố tụng giải mã sự thật. Cơ quan này ở thế bí, đã nhờ sự vào cuộc của các bác sỹ đầu ngành. Theo đó, giải thích khoa học được nhóm bác sỹ đưa ra là: bệnh sùi mào gà chỉ lây qua đường tình dục, không lây qua các hình thức tác động bên ngoài bằng tay…

Quá trình thẩm vấn tại tòa, các giám định viên thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khẳng định: Bệnh sùi mào gà bộ phận sinh dục của người bị hại được lây truyền trực tiếp qua quan hệ tình dục, do trực tiếp giao cấu gây nên. Cùng kết quả giám định dấu vết từ bị cáo Tiến, có căn cứ khẳng định hành vi trên, Tiến bị phạt 19 năm tù.

Điều tra các dấu vết khó nói trong vụ án xâm phạm tình dục thực sự lắt léo, nhưng kết luận khoa học vẫn mang tính xương sống để chứng minh bản chất vụ án. Tế nhị, muốn giấu kín, tâm lý sợ kỳ thị cũng dễ hiểu trong đời sống. Nhưng một khi sự tế nhị không phải lẽ ấy gây cản trở quá trình điều tra thì hóa ra nạn nhân lại thoái thác chính trách nhiệm phải khai báo của mình?

Đăng Trường
.
.
.