“Chạy án” thẳng vào tù

Thứ Hai, 03/08/2009, 10:30
Việc người phạm tội hoặc người thân của người phạm tội nhờ người quen, người thân "chạy án" và đưa tiền để "chạy án" cũng đồng nghĩa với việc, họ sẽ trở thành đối tượng trong một vụ án hình sự khác.

>> Viện kiểm sát tối cao điều tra vụ Phó chánh án bị tố “ăn” hối lộ

Lợi dụng chức năng nhiệm vụ được giao, một số thẩm phán đã trắng trợn yêu sách đối với các bị can phải chi một số tiền lớn "nếu muốn giảm án và được hưởng án treo". Và có những đối tượng không phải là cán bộ Nhà nước nhưng cũng lợi dụng mối quan hệ của mình để lừa đảo người khác dưới chiêu bài "chạy án" nhằm kiếm lời bất chính.

Điều tồi tệ hơn nữa là những kẻ vụ lợi dù biết gia cảnh của bị can rất khó khăn, nhưng chúng vẫn nhẫn tâm "động viên" họ phải xoay xở cho có đủ số tiền mới mong được giảm án. Rốt cuộc, cái giá mà những kẻ vô lương phải trả cho hành vi phạm tội không chỉ là mất chức quyền, mà đau đớn hơn nữa là những năm tháng dài dằng dặc sống trong trại giam để cải tạo và suy nghĩ về hành vi sai phạm.

Những quan tòa biến chất

Nếu như không có sự kiện nhớ đời diễn ra chiều 26/6 ngay tại phòng làm việc thì ngay sáng hôm sau, ông Phó Chánh án TAND huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình Vũ Đức Hùng vẫn ngồi vào ghế quan tòa để xét xử một vụ án nghiêm trọng. Tiếc rằng, người được giao nhiệm vụ cầm cán cân công lý đã bị vạch trần vào chiều hôm trước về hành vi nhận 70 triệu đồng "chạy án". Khi lực lượng Công an bước vào, ông Hùng vừa nhận số tiền 70 triệu đồng từ tay của hai nhân vật trong vụ án mà ông sẽ xét xử.

Sự việc bắt đầu vào lúc 14h ngày 7/12/2007, vợ chồng anh chị Phương, Toan ra cánh đồng ở khu vực xã Gia Trung, huyện Gia Viễn để be bờ làm đất. Lúc đó, Trần Hồng Quân đi tới gây sự về chuyện trả lại đất để Quân đắp bờ.

Sau khi hai bên cãi nhau, Quân đến nhà anh họ là Trần Văn Báu kể lại chuyện. Nghe xong, Quân và Báu đi tìm anh Phương để đánh và gây tổn hại 35% sức khỏe của anh Phương. Công an huyện Gia Viễn đã điều tra làm rõ sự vụ và chuyển hồ sơ tới Viện KSND huyện Gia Viễn để truy tố Trần Văn Báu và Trần Hồng Quân về tội cố ý gây thương tích.

Lực lượng Công an áp giải đối tượng phạm tội.

Trong quá trình được giao thụ lý, ông Hùng triệu tập Báu và Quân tới phòng làm việc của mình nói phải đưa số tiền 70 triệu đồng thì mới có thể làm cho nhẹ tội. Ông Phó Chánh án "động viên" họ rằng "bán hết thóc lúa đi mà lo việc vì còn người là còn của".

Đúng hẹn vào chiều 26/6, Báu và Quân đến phòng làm việc của ông Hùng. Những bọc tiền lần lượt được mở ra, ông Phó Chánh án vui vẻ thông báo cho hai con người trước mặt "sẽ được hưởng án treo" và toan cất đi thì cánh cửa bật tung với sự xuất hiện của các ĐTV Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt quả tang Vũ Ngọc Sơn và nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Quảng Ninh Hà Công Tuấn, đang nhận khoảng 200 triệu đồng gọi là tiền "chạy án" tại phòng 902 khách sạn Trường Giang ở TP Hạ Long liên quan đến một vụ buôn lậu do cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Ninh đang thụ lý giải quyết.

Liên quan đến hai đối tượng nói trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn bắt khẩn cấp thêm Nguyễn Ngọc Chính, 45 tuổi, trú tại tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa (Hà Nội) và Trần Thị Ngọc Tú, 27 tuổi, trú tại ngõ 44 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa.

Được biết, trước đó các đối tượng này đã nhận hàng trăm triệu đồng rồi hứa sẽ "chạy án" cho Lý Trí Trung nhưng vẫn chưa giải quyết được, nay đòi thêm khoảng 200 triệu đồng thì bị bắt quả tang.

Và những kẻ chạy án…

Ngày 29/6, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử vụ án "Môi giới hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do bị cáo Đoàn Thanh Nhàn cùng hai bị cáo khác là Nguyễn Anh Kiệt và Ngô Quang Hậu, trú tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh thực hiện. Với hành vi môi giới hối lộ, bị cáo Nhàn đã bị tuyên phạt ba năm tù. Kiệt và Hậu, mỗi bị cáo bị phạt một năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 24/4/2008, Công an xã Phong Phú, huyện Bình Chánh đã bắt quả tang và tiến hành lập biên bản bắt giữ đối với Nguyễn Thị Tuyết Vân về hành vi đánh bạc. Nghe tin Vân bị bắt, em gái Vân đã liên hệ với Đoàn Thanh Nhàn để nhờ giúp đỡ. Nhàn nhận lời và điện thoại cho Nguyễn Anh Kiệt nhờ can thiệp. Kiệt tiếp tục liên hệ với một số người khác để nhờ "chạy án" và được ra giá số tiền 30 triệu đồng.

Rồi những đối tượng tự nhận có khả năng "chạy án" thương lượng với nhau 20 triệu đồng. Sau đó, Nhàn thông báo cho gia đình Vân phải nộp số tiền 23 triệu đồng. Chiều cùng ngày, Vân được lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh ký quyết định trả tự do.

Khi phát hiện mình không bị xử lý hình sự là do mức độ phạm tội còn hạn chế, không phải do Nhàn và những người khác giúp, Vân đã làm đơn tố cáo sự việc đến Cơ quan CSĐT. Nhàn bị bắt quả tang khi đang nhận nốt số tiền 1,9 triệu đồng, trong số 3 triệu đồng tự nâng giá.

Những vụ lừa đảo dưới hình thức "chạy án" để được giảm nhẹ hình phạt liên tiếp xảy ra gần đây là bài học cảnh báo cho những người phạm tội nhưng nhẹ dạ cả tin. Mỗi công dân cần hiểu rõ điều mà pháp luật đã quy định, người nào phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điều, khoản của Bộ luật Hình sự.

Việc người phạm tội hoặc người thân của người phạm tội nhờ người quen, người thân "chạy án" và đưa tiền để "chạy án" cũng đồng nghĩa với việc, họ sẽ trở thành đối tượng trong một vụ án hình sự khác

Nguyễn Phương
.
.
.