Cảnh giác với chiêu trò 'giả tổng đài' để lừa đảo

Thứ Bảy, 17/10/2015, 09:33
Qua công tác nắm tình hình, Cục Cảnh sát hình sự được biết, từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2015, trên địa bàn 20 tỉnh, thành của cả nước đã xảy ra các vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Riêng tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu liên tục xảy ra 4 vụ với số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt được gần 4 tỷ đồng.


Với quyết định bóc trần thủ đoạn của các đối tượng, ngăn chặn việc chúng lừa đảo người dân, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch đấu tranh triệt phá. 

Ngày 14/1, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Công an tỉnh Quảng Ninh bắt được đối tượng Lê Thị Ánh và hai đối tượng người Trung Quốc là Zeng Zhu En; Zeng Ke Xi, khi chúng đang tổ chức nhận thẻ ATM và rút tiền từ một vụ lừa đảo, mà bị hại ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Giống như “giáo trình” đã được các đối tượng cầm đầu “huấn luyện”, ban đầu, cả ba đối tượng đều không nhận tội. Chúng khai việc rút tiền là do người ở Trung Quốc trả nợ…

Sau khi 3 kẻ đầu tiên trong đường dây bị bắt giữ, một số đối tượng còn lại lập tức “nằm im” hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Như đối tượng cầm đầu phía Việt Nam là Nguyễn Văn Thiên, thấy đường dây bị động, anh ta lập tức trốn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 7/2015, Thiên lại “nhớ nghề”, câu kết với các đối tượng ở Phúc Kiến tiếp tục hình thành đường dây lừa đảo khác với “bổn cũ soạn lại”. 

Đang trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, các điều tra viên của Cục Cảnh sát hình sự đã lập tức thu thập được các tài liệu liên quan đến hành vi và tung tích của đối tượng Thiên và đồng bọn. 

Ngày 18/9, Cục Cảnh sát hình sự đã bắt giữ được Nguyễn Văn Doanh (40 tuổi, trú tại tỉnh Thái Nguyên) và Đinh Văn Đạt (34 tuổi, HKTT tại tỉnh Nam Định). Quá trình đấu tranh, các đối tượng khai nhận: Doanh từ Thái Nguyên vào tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Trong quá trình sống tại đây, Doanh quen biết Thiên và Đạt. Đến năm 2014 thì Doanh theo Thiên và Đạt sang Trung Quốc. Doanh được Thiên hướng dẫn làm hộ chiếu, mở tài khoản ngân hàng và đưa sang Trung Quốc để làm việc. 

Các đối tượng tại cơ quan Công an.

Theo lời khai của Doanh thì lúc đầu, Thiên nói là làm tiếp thị sản phẩm với mức lương 12 triệu đồng/ tháng. Khi Doanh đến Móng Cái thì gặp Thắng là anh ruột của Lợi, cũng được đưa sang Trung Quốc. Một buổi trưa tháng 12/2014, Thiên gọi điện thoại cho Doanh, yêu cầu quay về Móng Cái rút tiền…. Tại Móng Cái, Doanh gặp Xi và đã cùng người này rút 100 triệu đồng tại cây ATM. Cũng trong chiều hôm đó, Doanh đến phòng giao dịch của một ngân hàng, rút tiếp 816 triệu đồng rồi quay trở lại Trung Quốc. 

Tại Phúc Kiến (Trung Quốc), Doanh và Thắng được đưa đến “đại bản doanh” của nhóm lừa đảo, được dạy cách gọi điện giả danh Cảnh sát, Viện Kiểm sát để lừa đảo. Trong 10 ngày liền, Doanh cũng gọi đến nhiều số máy bàn tại Việt Nam, nhưng anh ta không gặp người nhẹ dạ nên không lừa được ai. Nản, Doanh bỏ về Việt Nam.

Về phần đối tượng Đạt, được Thiên đưa sang Trung Quốc để cùng với các đối tượng khác học cách thực hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao. Tại Trung Quốc, Đạt được phân công đóng giả Công an, Viện Kiểm sát khi bộ phận “tổng đài” chuyển máy đến… Chính Đạt đã cùng với đối tượng Trung (quê Thanh Hóa), Thiên và các đối tượng khác thực hiện vụ lừa đảo, chiếm đoạt 150 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Đầm (trú tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu).

Sau khi bắt giữ Doanh và Đạt, các điều tra viên đã yêu cầu các đối tượng vẽ lại sơ đồ chi tiết nơi các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công an đã làm việc với Công an Trung Quốc, phối hợp truy bắt đối tượng Thiên đang lẩn trốn ở khu vực Phúc Kiến. Biết khó có thể trốn chạy, ngày 12/10, đối tượng Thiên đã đến Cục Cảnh sát hình sự đầu thú. 

Như vậy, cho đến nay, đã có 8 đối tượng trong đường dây lừa đảo này bị bắt giữ, trong đó có 5 người Việt Nam và 3 người Trung Quốc. Đây có thể nói là mẻ lưới lớn, hốt được từ những đối tượng bên Trung Quốc đến những kẻ thực thi tại Việt Nam. 

Từ lời khai của các đối tượng, cơ quan Công an đã làm rõ những thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao của bọn chúng. Tuy không phải là nhóm tội phạm lần đầu sử dụng thủ đoạn nói trên, nhưng các cách thức thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn, khiến một số bị hại dù đã được cảnh báo vẫn mắc bẫy như… thường.

Theo các điều tra viên, bao nhiêu tiền lừa đảo được, các đối tượng đã lập tức chuyển về Trung Quốc cho các đối tượng cầm đầu. Hiện Cục Cảnh sát hình sự đang xác minh, làm rõ các đối tượng đã gây ra bao nhiêu vụ lừa đảo? số tiền chúng lừa đảo được là bao nhiêu? Chỉ tính riêng đầu mối của Đồng Thị Liên, một đối tượng chuyển tiền thuê, đã chuyển từ Móng Cái về Trung Quốc cho các đối tượng số tiền hơn 2 tỷ đồng. 

Từ vụ án nói trên, theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát hình sự, người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Đối với các cơ quan hành chính hay bảo vệ pháp luật ở Việt Nam, không bao giờ có cách thức làm việc với người liên quan qua điện thoại. Khi cần làm việc với ai, các cơ quan nói trên sẽ có giấy báo làm việc, hoặc giấy triệu tập gửi đến địa chỉ nhà trước, trong đó hẹn thời gian làm việc tại trụ sở của cơ quan. Đề nghị người dân khi nhận những cuộc điện thoại từ người lạ, tuyệt đối không tiết lộ các thông tin cá nhân (CMND, số tài khoản ngân hàng…), nếu thấy nghi vấn đề nghị báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất…

T. Hòa - X.Mai
.
.
.