Trộm cắp, tiêu thụ xe máy:

Báo động xu hướng "tội phạm liên tỉnh"

Thứ Năm, 16/12/2004, 07:46

Trộm tại Hà Tây, Nam Định, đục số ở Hà Nội và bán về... Hưng Yên. Đó là chu trình khép kín của việc trộm cắp và tiêu thụ xe máy. Điều đáng nói là hiện tượng này đang xảy ra ngày càng nhiều và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Qua công tác nắm địa bàn, nắm đối tượng và bằng biện pháp nghiệp vụ, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Hưng Yên, đã phát hiện ổ nhóm tiêu thụ xe máy gian do Đàm Văn Sinh (49 tuổi), trú tại Bá Khê, Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên cùng Trần Văn Pháp (44 tuổi), trú tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội, cầm đầu. Trong thời gian ngắn, chúng đã tiêu thụ được 16 chiếc xe máy trên địa bàn này với giá từ 4 - 5 triệu đồng/chiếc.

Sinh và Pháp liên kết chặt chẽ với các đối tượng chuyên hành nghề trộm cắp ở Hà Nội như Vũ Xuân Huy (25 tuổi), trú tại Cửu Việt, Trâu Quỳ, Gia Lâm; Trần Văn Kỳ (34 tuổi), ở Cơ Dương, Tiên Dương, Đông Anh và Nguyễn Viết Luận (38 tuổi), ở An Lạc, Trâu Quỳ, Gia Lâm.

Nhóm thứ 2 cũng tập hợp rất nhiều đối tượng do Trần Đình Thường (20 tuổi), trú tại Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên, cầm đầu, liên kết với Trang Thu Chánh (32 tuổi), tạm trú tại ngõ chợ Gia Lâm, quận Long Biên, Nguyễn Văn Thu (38 tuổi), tạm trú tại phường Phúc Tân và Trịnh Quang Minh (33 tuổi), ở Ngọc Khánh, quận Ba Đình, để cùng tiêu thụ xe gian.

Chánh và Thu cùng quê ở một tỉnh phía Nam, ra Hà Nội làm nghề sửa chữa xe máy, đã liên kết với các đối tượng trộm cắp là Nguyễn Viết Tuấn (37 tuổi), trú tại ngõ 4, Vạn Phúc, Ba Đình và Trần Tiến Thái (39 tuổi), ở Khương Trung, Thanh Xuân để tìm kiếm nguồn xe trộm cắp đem về Hưng Yên tiêu thụ. Các đối tượng chuyên trộm cắp xe từ các tỉnh đưa về Hà Nội đục lại số khung, số máy theo một số giấy đăng ký xe thật mà Thu và Chánh mua lại từ các hiệu cầm đồ, làm biển giả lắp vào rồi chuyển cho Trần Đình Thường ở Hưng Yên tiêu thụ. Khám nhà Thu, cơ quan Công an phát hiện được 8/11 xe máy mà hắn đã "mông má" và chuẩn bị đem "xuất xưởng".

Theo thống kê của Công an tỉnh Hưng Yên, trong một thời gian ngắn, nhóm này trộm cắp và tiêu thụ được 12 chiếc xe máy.

Một điển hình về xu hướng "liên doanh, liên kết" nữa là ổ nhóm 5 đối tượng mà Công an tỉnh Bắc Ninh vừa bắt giữ. Đó là Nguyễn Văn Quang (24 tuổi), ở Đẩu Hàn, Yên Phong; Trần Anh Cường (29 tuổi), trú tại Khắc Niệm; Nguyễn Đức Sang, trú tại Tân Trị; Nguyễn Văn Tuấn, trú tại Đại Đồng, Tiên Du (Bắc Ninh) cùng liên kết với Nguyễn Bá Tân (26 tuổi), trú tại Phù Đổng, Gia Lâm để trộm cắp, đục số khung, số máy và tiêu thụ gần 20 chiếc xe máy gian. Qua điều tra, cơ quan Công an đã thu lại được 14 chiếc xe máy.

Tại Nghệ An, Công an cũng vừa phát hiện một ổ nhóm nhiều đối tượng do Nguyễn Đức Tú ở Bình Lục, Hà Nam cầm đầu. Tên này đã từng gây ra 35 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn 6 tỉnh miền Trung. Sau khi đục số khung, số máy hoặc trộm biển số thật lắp vào, chúng lại mang xe bán sang tỉnh khác.

Vì sao tỷ lệ khám phá án trộm cắp xe máy thấp?

Trước những bức xúc của tình hình tội phạm trộm cắp xe máy, tháng 6/2004 Cục CSĐT tội phạm về TTXH đã cử cán bộ lãnh đạo Cục cùng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ ở địa phương để kiềm chế loại tội phạm này. Chuyên đề này được triển khai tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc gồm: Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An.

Bốn tháng qua, trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố này đã xảy ra 1.216 vụ trộm cắp, mất 1.222 xe máy, Công an các địa phương đã điều tra, khám phá 446 vụ, thu 543 xe máy, bắt xử lý 429 đối tượng. Một số địa phương đã triển khai thực hiện rất hiệu quả và tỷ lệ khám phá đạt cao như Hà Nội phát hiện 232 vụ, bắt 277 đối tượng; Nghệ An  khám phá 83 vụ…

Tuy nhiên, theo Cục CSĐT tội phạm về TTXH, trong khi tại một số địa phương, tội phạm trộm cắp xe máy có chững lại thì trên các địa bàn trọng điểm khác như Hà Nội, Hải Phòng… tình hình vẫn phức tạp, số vụ việc vẫn xảy ra nhiều. Mặc dù huy động tối đa các lực lượng đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm song Công an các địa phương cũng mới chỉ khám phá được khoảng 1/3 số vụ việc (trước đây chỉ là 10 - 20% ).

Ngoài một số yếu tố khách quan và chủ quan, nguyên nhân của vấn đề này cũng là bởi các đối tượng trộm cắp xe máy hiện nay đã hình thành xu hướng phạm tội liên tỉnh. Với các nhóm đối tượng hoạt động theo đường dây thì công tác đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng Công an các địa phương thường rất vất vả vì công tác đi lại, ăn ở, xác minh đối tượng, truy tìm tang vật đòi hỏi thời gian và chi phí lớn trong khi hiệu quả không cao

Chí Nguyên
.
.
.